Tượng phật ngọc - bảo vật hoàng cung tại Đà Lạt

02:02, 04/02/2022
Xuất xứ: Đà Lạt từng là thủ phủ của “Hoàng triều cương thổ” (vùng đất của vua) từ năm 1949 kể từ khi thực dân Pháp đưa Bảo Đại lên làm “Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam”. Thời gian này, cùng với sự di cư của gia đình Bảo Đại và một số thành viên trong hoàng tộc, quan lại phong kiến thì một số bảo vật triều Nguyễn (ngoài số bàn giao cho chính quyền cách mạng năm 1945) cũng được mang theo trong tài sản tư gia của họ. Sưu tập tượng phật ngọc nằm trong số 120 món bảo vật trong tài sản tư gia mà bà Từ Cung chuyển từ Huế vào cất giữ ở Dinh III “Biệt điện nhà vua” - nơi ở của gia đình Bảo Đại tại Đà Lạt.
 
Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Đây là những bảo vật mà bà Từ Cung và vua Bảo Đại không kịp mang theo trước khi ra đi sống lưu vong ở nước ngoài. Thật may mắn số bảo vật nói trên đã được bảo quản bởi người quản gia của gia đình Bảo Đại ở Dinh III là ông Nguyễn Đức Hòa - một nô bộc trung thành mà bà Từ Cung chọn lựa đưa từ Huế vào. Ông Hòa là một người trung thực và có tinh thần dân tộc nên đã bí mật cất giấu dưới tầng hầm của Dinh III cho đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất thì giao lại cho chính quyền tỉnh Lâm Đồng. Những bảo vật này được kiểm kê và lưu giữ trong Kho Bạc nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2016, theo đề nghị của Hội đồng kiểm kê tài sản bao gồm đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kho Bạc nhà nước, Công an tỉnh và một số đơn vị liên quan, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định giao toàn bộ bảo vật trên cho Bảo tàng Lâm Đồng gìn giữ, bảo quản lâu dài và trưng bày, triển lãm phục vụ công chúng.
 
***
 
Dưới thời nhà Nguyễn, Phật giáo phát triển khá hưng thịnh nên thờ phật rất phổ biến trong thế giới tâm tinh của người Việt. Ngoài thờ ở chùa, người ta còn thờ tại gia. Những pho tượng phật ngọc trong bộ sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn tại Đà Lạt thuộc nhóm tượng phật thờ tại gia, phục vụ cho nhu cầu tâm linh của gia đình hoàng tộc và một số còn mang tính trang trí, vật phong thủy đặt trong các thư phòng. Vì vậy, các pho tượng đều có kích thước nhỏ vừa phải và được chế tác bằng loại thạch ngọc nguyên khối rất đẹp và tinh xảo. Ở đây có tới 11 tượng phật các loại, bao gồm tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát, phật Di Lặc, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Văn Thù Bồ Tát. Trong đó, tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát chiếm ưu thế hơn cả về số lượng (7 pho) và được chế tác bằng các loại ngọc quý, chỉ có một tượng duy nhất bằng hổ phách. Quan Thế Âm Bồ Tát là vị phật hiện thân của sự từ bi, cứu khổ cứu nạn, Ngài có thể “quán sát âm thanh”, có nghĩa là nghe được mọi âm thanh. Vì vậy phật Quán Thế Âm Bồ Tát nghe được tiếng kêu cứu của chúng sinh, giúp họ thoát khỏi khổ đau, bất hạnh, mang lại sự an yên trong cuộc sống. Đây cũng có thể là một trong những lý do để lý giải cho số tượng phật Quan Thế Âm có nhiều trong sưu tập “Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn” tại Đà Lạt.
 
Phần lớn các tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát đều được thể hiện trong tư thế đứng, tóc búi cao, trang phục áo choàng mềm mại, dài phủ gần tới gót chân, tà và tay áo bay theo chiều gió. Tay tượng cầm bình nước cam lộ để vẩy xuống trần thế cứu vớt chúng sinh. Đặc biệt có một tượng được chế tác từ thạch ngọc màu nâu xám. Tượng có khuôn mặt bầu tròn, miệng ngậm, sống mũi cao, mắt nhỏ và dài, dái tai to và dài, tóc nhiều và búi cao. Hai tay cầm nấm linh chi đặt trước bụng, bên phải Phật có một con chim trĩ lớn ngậm cành hoa Phù dung. Riêng tượng Phật Quán Thế Âm duy nhất bằng hổ phách, được thể hiện ở tư thế an tọa trên tòa sen, một tay cầm bình nước cam lộ và một tay lần tràng hạt.
 
Tượng phật Di Lặc ở đây được làm bằng loại thạch ngọc trong suốt, thể hiện ở tư thế ngồi xếp bằng trên một bệ gỗ sơn son thiếp vàng có năm chân quỳ và trang trí hoa văn. Đầu và tai tượng to, cân đối, mặt lớn, mũi cao, mắt to, miệng rộng cười tươi trông rất sinh động. Theo quan niệm phật giáo thì đây là vị phật của thời tương lai nên người Việt hay thờ cúng tại gia hoặc đặt ở những vị trí có tính phong thủy và cũng để trang trí trong thư phòng với mong muốn mang lại sự may mắn và an lành cho chủ nhân.
 
Tượng Văn Thù Bồ Tát cũng được chế tác từ thạch ngọc trong suốt và được thể hiện ở tư thế đang cưỡi lên lưng con sư tử, với áo choàng hai vạt bắt chéo trước ngực, tà áo phủ xếp lớp lên hai đầu gối. Một tay cầm quả cầu giơ cao và một tay đặt lên đuôi con sư tử. Văn Thù Bồ Tát là vị phật tượng trưng cho trí tuệ trong giới phật nên rất được các tín đồ ngưỡng mộ và thờ cúng trang trọng. 
 
Tượng Bồ Đề Đạt Ma được chế tác từ loại thạch ngọc xám, tượng mặc áo choàng hai lớp có thắt đai lưng, tay áo rộng dài, nét mặt rất thần thái, sinh động với đôi mắt mở to, râu tóc rậm, trán cao, sống mũi thẳng. Theo truyền thuyết phật giáo, Bồ Đề Đạt Ma là người có công truyền bá và sản sinh ra Thiền học và Võ thuật trong văn hóa Trung Hoa. Ở Việt Nam, cũng giống như các tượng phật khác, Bồ Đề Đạt Ma ngoài thờ ở chùa cũng được thờ tại gia và trang trí trong các thư phòng. Sưu tập tượng phật ngọc đều do “Ngự xưởng” của triều Nguyễn chế tác với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân hàng đầu của Việt Nam được hội tụ về đây. Hầu hết các tượng có niên đại khoảng thế kỷ XIX - XX. Tất cả đều được chạm khắc công phu, nét chạm mềm mại, tinh xảo thể hiện được phong thái của nhân vật một cách sinh động. Điều đó cho thấy trình độ kỹ thuật chế tác của những người thợ Việt Nam thời kỳ này đã đạt tới đỉnh cao. Các tượng phật ở đây không ngoài mục đích phục vụ cho nhu cầu tâm linh của vua và hoàng tộc. Ngoài ra, còn được dùng trang trí trong các thư phòng, đặt ở vị trí phong thủy để khắc chế điềm dữ, mang lại điềm lành, sự may mắn tốt đẹp cho chủ nhân. Cùng với những bảo vật khác được chế tác công phu bằng vàng, bạc, ngọc, đá quý trong bộ sưu tập, đã cho thấy phần nào cuộc sống xa hoa trước đây của các bậc đế vương triều Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ