Ấn tượng địa chỉ đỏ giữa thành phố ngàn hoa

06:05, 02/05/2022
Phố núi Đà Lạt nổi tiếng bởi vẻ đẹp yên bình với cảnh trí thiên nhiên thơ mộng cùng những biệt thự tráng lệ, cổ kính thấp thoáng dưới ngàn thông xanh ngắt. Nơi đây đã từng được mệnh danh là một “tiểu Pa-ri” ở Việt Nam - xứ sở thiên đường của du lịch. Thế nhưng, cách đây hơn 50 năm trước đã từng tồn tại một nhà lao trá hình, ngày đêm giam cầm, tra tấn những thiếu nhi Việt Nam yêu nước - chiến sĩ trẻ tuổi của Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. 
 
Cựu tù thiếu nhi - Anh hùng Lực lượng vũ trang Mai Thanh Minh đang kể chuyện đấu tranh để bảo vệ khí tiết (mổ bụng chống chào cờ 3 que) của các tù nhân nhỏ tuổi tại Nhà lao thiếu nhi trước đây
Cựu tù thiếu nhi - Anh hùng Lực lượng vũ trang Mai Thanh Minh đang kể chuyện đấu tranh để bảo vệ khí tiết (mổ bụng chống chào cờ 3 que) của các tù nhân nhỏ tuổi tại Nhà lao thiếu nhi trước đây
 
Họ là những chiến sĩ giao liên, trinh sát và biệt động thành nhỏ tuổi hoạt động bí mật trong lòng thành phố; tham gia cách mạng từ lúc tuổi mới lên chín, lên mười. Ở cái tuổi măng non, như búp trên cành, “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” nhưng khi đất nước bị xâm lăng, các anh chị đã xếp bút nghiên lên đường đi kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.
 
“Căm hờn luyện một con tim
Lửa nung luyện thép, xà lim luyện người”
 
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do chính quyền Việt Nam Cộng hòa dựng lên vào năm 1971 được che đậy với vỏ bọc đầy tính nhân văn là “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Nó được bố trí trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố chừng 4 km về hướng Bắc và được thiết kế theo kiểu một khối nhà hình chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh rất kiên cố. Nhìn ngoài vào nhà lao chẳng khác gì một biệt thự chữ A, ở mặt tiền được bố trí làm nơi làm việc của bộ máy quản lý. Bên trong là hai dãy phòng giam thiết kế song song dọc theo hai tường đá. Khoảng giữa hai dãy phòng giam là sân có cột cờ. Là nơi địch thường bắt tù nhân tập trung tại đây để chào cờ hàng tuần. Sâu vào bên trong còn có một khoảng sân, địch thỉnh thoảng cho tù nhân ra tắm nắng
 
Ở đây có 2 Khu nhà giam tù nhân nam, nữ cách biệt, mỗi phòng giam đều có các ô cửa nhỏ gắn song sắt và hai lớp cửa chính kiên cố. Ngoài ra, còn có 12 buồng xà lim, 1 hầm đá để giam cầm những tù nhân bị cho là “cầm đầu”, “ngoan cố”. Ngoài khu nhà chính, phía sau, bên trái nhà lao là “khu hướng nghiệp”, nơi “dạy nghề cho tù nhân”, nhưng thực chất chỉ là một hình thức để “mị dân”. Bao quanh nhà lao là vô số hàng rào kẽm gai ken dày chống vượt ngục. Ngoài ra, còn có các bốt gác canh giữ nghiêm ngặt.
 
Tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Ảnh: Q.Uyển
Tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Ảnh: Q.Uyển
 
Đây là nơi địch giam giữ các tù nhân ở độ tuổi thiếu niên, những người tham gia kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong thời gian giam cầm, địch dùng đủ mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc, đến tra tấn, nhục hình bằng nhiều hình thức rất dã man để thực hiện âm mưu thâm độc nhằm thủ tiêu tinh thần đấu tranh cách mạng, hòng gột rửa “lý tưởng cộng sản” trong thế hệ trẻ Việt Nam. Ở đây họ đã từng bị trói chặt tay chân rồi từ rường cao rút ngược, cái mà chúng gọi “đi máy bay”, “đi tàu ngầm” kèm theo là những trận đòn vụt bằng roi xoắn bằng dây điện, dây thép gai lên những tấm thân nhỏ nhoi non nớt ấy đến bật cả máu tươi. Trời Đà Lạt đêm đêm sương xuống giá buốt, lạnh đến tê người vậy mà chúng không ngại ngần bắt những tù nhân nhỏ tuổi mà chúng cho là “ngoan cố” cởi trần phơi sương. Trong xà lim tay còng chân xích với nhau, không ngủ được, vậy mà thỉnh thoảng chúng còn chơi trò dội cả xô nước lạnh vào người, gí bóng điện vào mặt đến bỏng loét, mà họ vẫn cắn răng không hé nửa lời, động viên nhau bền gan giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Chế độ hà khắc và sự tàn bạo của nhà tù đế quốc đã không thể khuất phục được khí phách của các tù nhân thiếu nhi Việt Nam. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều phong trào, sự kiện đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã khiến cho địch phải điên đầu, khiếp sợ như: phong trào đấu tranh để bảo vệ khí tiết với các sự kiện: tự mổ bụng để chống đàn áp, chống chào cờ ; diệt ác, phá kìm, vượt ngục tập thể, đấu tranh làm chủ nhà lao…, sáng ngời ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất của tuổi trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Trước sự lên án mạnh mẽ của công luận trong nước và quốc tế, cùng với những thắng lợi của phong trào cách mạng ở miền Nam, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã chính thức bị xóa sổ vào tháng 6 năm 1973. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu xác minh các nguồn sử liệu, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch công nhận Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là Di tích quốc gia năm 2013. Ghi nhận thành tích xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tập thể tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. 
 
* * *
 
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là nhà tù “độc nhất vô nhị” trong hệ thống nhà tù do kẻ thù xâm lược xây dựng ở Việt Nam. Nó là chứng tích cho tội ác vi phạm nhân quyền đối với trẻ em của chế độ Mỹ ngụy trước đây ở miền Nam Việt Nam. Nhà lao thiếu nhi đà Đà Lạt là chứng tích bi thương nhưng cũng rất hào hùng, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang trong truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vì vậy ngay sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo cho các ngành chức năng, cụ thể là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện dự án tu bổ tôn tạo, xây dựng khu tưởng niệm trong khuôn viên di tích để tưởng nhớ và ghi công các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Kể từ năm 2016, Bảo tàng Lâm Đồng được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và giữ gìn và phát huy tác dụng Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trong việc giáo dục truyền thống và biến nơi đây trở thành một điểm tham quan du lịch văn hóa ấn tượng ý nghĩa của thành phố Đà Lạt. Từ khi đi vào hoạt động tới nay, ngoài việc tập trung tọa đàm gặp gỡ cựu tù thu thập thông tin, tư liệu, hiện vật, hình ảnh; nghiên cứu hệ thống hóa tư liệu,để đảm bảo tính xác thực trong xử lý thông tin, Bảo tàng còn tổ chức mở cửa trưng bày phục vụ các đối tượng khách tham quan trong nước và quốc tế. Cùng với việc chỉnh lý và đổi mới trung bày, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên tại di tích; đơn vị cũng đã phối hợp với các trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa như kết nạp đội viên, đoàn viên, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nhân vật lịch sử, địa danh cách mạng, tìm hiểu về lich sử nhà lao,... và đã nhận được được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các thầy cô giáo cũng như các em học sinh.
 
Tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Ảnh: Q.Uyển
Tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Ảnh: Q.Uyển
 
Kết nối với các tour du lịch lữ hành đưa Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào danh sách điểm đến trong chương trình “du lịch về nguồn” khi đến thành phố Đà Lạt và đã có không ít các đối tượng là cựu chiến binh, công nhân các cơ quan xí nghiệp đã tìm về đây thắp hương tưởng niệm. Và, sự nhiệt tình, chu đáo và mến khách của đội ngũ cán bộ, nhân viên thuyết minh ở đây cũng đã để lại nhiều thiện cảm, ấn tượng đẹp cho các đoàn khách khi tới tham quan.
 
Trong thời gian tới, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt sẽ tiếp tục đầu tư bảo tồn, tôn tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên để phục vụ tốt khách tham quan. Đồng thời, từng bước tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ học đường như: các cuộc thi tìm hiểu các địa danh, di tích, nhân vật lịch sử cách mạng, văn hóa, tham gia hoạt đông trải nghiệm hồi cố lịch sử như: trẻ em đi học thời chiến, em làm chiến sĩ giải phóng quân, ẩm thực chiến sĩ. Tổ chức chiếu phim phục vụ theo yêu cầu của các đối tượng khách tham quan,...
 
 Gìn giữ và phát huy giá trị Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, bảo tồn, tôn tạo nơi đây thành một địa chỉ đỏ đặc biệt, là điểm đến hấp dẫn và ấn tượng cho du lịch về nguồn và tổ chức hoạt động sự kiện chính trị tại thành phố ngàn hoa là góp phần thổi bùng lên ngọn lửa của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng mà những tù nhân thiếu nhi năm xưa đã nhen nhóm nơi đây, để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục viết nên những trang sử rạng rỡ, vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ