Dấu tích văn hóa Đông Sơn giữa đại ngàn Tây Nguyên

06:06, 30/06/2022
Nói tới trống đồng là người ta nghĩ ngay đến văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa của cư dân lúa nước đã từng có một thời kỳ phát triển rực rỡ về nghề đúc đồng. Trống đồng là hiện vật đặc sắc được tìm thấy ở hầu hết các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Miến Điện, Malaysia và cả Indonesia (Thời đại tồn tại của văn hóa Đông Sơn được xác định vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên và chấm dứt vào thế kỷ II sau Công Nguyên). Ở Việt Nam, văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố ở vùng Bắc Bộ và Trung Bộ, tập trung đậm đặc nhất là ở các vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Mã mà chủ nhân là người Việt cổ từng tồn tại ở thời kỳ Hùng Vương dựng nước (theo nhận định của Giáo sư Đào Duy Anh).
 
Kỳ I: Di vật văn hóa Đông Sơn xuất hiện trong lòng đất đại ngàn 
 
Những năm gần đây, việc phát hiện ra nhiều trống đồng và hiện vật có dáng dấp và đồ án hoa văn mang đậm nét văn hóa Đông Sơn ở các tỉnh Tây Nguyên đã gây nhiều bất ngờ và tranh luận khoa học trong giới nghiên cứu sử học và khảo cổ học về sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn cũng như phạm vi phân bố của nó ở Việt Nam và đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên.
 
Trống đồng phát hiện ở xã An Thành, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai
Trống đồng phát hiện ở xã An Thành, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai
 
Chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện ở Tây Nguyên là ở tỉnh Kon Tum vào năm 1921. Đó là trống đồng Đắk Lao và nó được đưa về bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - nay là Bảo tàng Quốc gia) và từ đó đến nay, đặc biệt là giai đoạn sau giải phóng, ở các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện trống đồng rải rác ở một số nơi như: Kon Tum 2 trống, Gia Lai 2 trống, Lâm Đồng 3 trống. Đắk Lắk là tỉnh phát hiện được nhiều trống nhất với 16 trống. Cho tới thời điểm này ở trên địa bàn Tây Nguyên đã phát hiện được khoảng trên 20 trống. Phần lớn các trống đều được phát hiện một cách tình cờ khi người dân làm vườn, rẫy trồng cà phê hoặc rà tìm phế liệu. Vì thế phần nhiều không còn giữ được nguyên vẹn. Trống được tìm thấy chủ yếu là trống Đông Sơn loại I (Hê gơ I, loại đẹp nhất của trống Đông Sơn). Chúng được chôn ở nhiều dạng thức khác nhau, một số được sử dụng để táng người chết, nên khi phát hiện còn thấy tro xương và đồ tùy táng ở trong lòng thân trống. 
 
Hiện vật văn hóa Đông Sơn tìm thấy ở Tây Nguyên ngoài trống đồng còn có một số hiện vật khác mang đậm dấu ấn Đông Sơn được thể hiện qua các đồ án hoa văn trang trí. Đặc biệt là bộ sưu tập những lục lạc và vòng đồng bản rộng khá ấn tượng được phát hiện tại Lâm Đồng. Câu chuyện được bắt đầu vào giữa tháng 7 năm 2006, khi vợ chồng ông Nguyễn Đức Hải (sinh sống tại Thôn 5, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) đem đến Bảo tàng Lâm Đồng một bao tải đồ đồng mà vợ chồng ông đang định cân ký bán đồng nát. Thoạt nhìn, tôi đã thực sự bị mê hoặc bởi vẻ đẹp đặc biệt ấn tượng của các hiện vật, nói đúng hơn là cổ vật được ông lấy ra từ chiếc bao tải lấm lem bụi đất trong cuộc hành trình dài từ huyện lên tỉnh. Chúng vừa đa dạng về chủng loại vừa phong phú về kiểu dáng. Trong đó, có 1 gương đồng, 1 chuông đồng, 2 mâm đồng, 1 chân đèn bằng đồng, 2 con dao bằng đồng, 3 vòng lục lạc lớn, 8 vòng đồng có mũ lớn, 2 chiếc đồng la (chiêng bằng), 1 hiện vật hình ống bằng đồng, 48 lục lạc nhỏ bằng đồng và 1 bình gốm cùng một số mảnh nồi đất nung bị vỡ. Chúng tôi đã làm thủ tục giao nhận tạm thời để giữ lại số hiện vật nói trên; đồng thời động viên, giải thích cho vợ chồng ông Hải về chế độ khen thưởng người có công phát hiện, giao nộp cổ vật cho Nhà nước theo qui định của Luật Di sản văn hóa để họ yên tâm. Tiếp đó, lãnh đạo Bảo tàng nhanh chóng cử cán bộ nghiệp vụ xuống địa bàn khảo sát thực tế. Khu vực nơi phát hiện những hiện vật này là một triền đồi thoai thoải trước đây có nhiều cây rừng thứ sinh, nơi gia đình ông Hải khai hoang làm vườn để trồng xoan và cà phê. 
 
Theo lời kể của ông Hải thì chúng được phát hiện một cách tình cờ khi ông và em trai là Nguyễn Đức Ái đang đào hố để trồng cà phê. Tất cả các hiện vật nói trên được chôn giấu khá cẩn thận cạnh một gốc cây to trong một chiếc bình gốm và một nồi đất khá lớn. Phía trên miệng nồi và bình gốm được úp đậy bằng hai chiếc đồng la. Qua khảo sát và tìm hiểu được biết khu vực này trước đây là nơi cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Cơho. Qua kết quả nghiên cứu và giám định sơ bộ ban đầu của các nhà khảo cổ học cho thấy những hiện vật này có thể phân thành nhiều nhóm và sưu tập khác nhau, chúng có niên đại sớm và muộn khác nhau và có chức năng nghi lễ nhiều hơn sử dụng. Nhưng trong đó đáng chú nhất là sưu tập lục lạc và sưu tập vòng tay bản rộng và một hiện vật bằng đồng hình ống. Chúng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn rất rõ nét, đặc biệt là qua các họa tiết trang trí hoa văn.
 
Sưu tập lục lạc gồm 48 cái với nhiều kích cỡ khác nhau, hầu hết được trang trí hoa văn hình xoắn ốc. Trong đó có 2 cái kích thước lớn (cái lớn nhất có đường kính 0,5 cm), được trang trí hoa văn đẹp sắc sảo và rất ấn tượng. Cái lớn nhất có trang trí hoa văn ngôi sao 4 cánh nổi ở hai đỉnh nổi của lục lạc, xung quanh viền miệng trang trí hoa văn vặn thừng. Cái nhỏ hơn được trang trí hoa văn khá đặc biệt. Trên bề mặt lục lạc này, ngoài hoa văn xoắn ốc còn có các băng cắt nhau hình chữ thập qua tâm bằng hoa văn chữ S tiếp tuyến. Riêng 46 lục lạc còn lại khá tương đồng về kiểu dáng và cùng một cách trang trí. Trên thân trang trí hoa văn hình xoắn ốc, vành miệng trang trí dải hoa văn hình vặn thừng. Loại hình hiện vật (lục lạc) này đã từng được phát hiện trong các di chỉ mộ táng của cư dân bản địa trên địa bàn Lâm Đồng (loại này xác định có niên đại muộn hơn, tương đương với di chỉ Đại Làng ở Lâm Đồng khoảng thế kỷ XVII-XVIII). 
 
Sưu tập vòng tay bản rộng và hiện vật bằng đồng hình ống đã từng được phát hiện trước đây trong di chỉ Đại Làng nhưng với sưu tập này, loại vòng tay bản rộng có mũ như những hiện vật ở đây thì chưa từng thấy. Nhìn vào cấu trúc và hoa văn trên vòng tay bản rộng này thì chúng ta sẽ nhận thấy có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn. Đây là bộ sưu tập rất độc đáo, chưa từng được phát hiện trên đất Lâm Đồng. Có thể nói chúng mang ý nghĩa và chức năng nghi lễ nhiều hơn là sử dụng trong sinh hoạt đời sống. 
 
Việc phát hiện trong lòng đất nhiều trống đồng và các hiện vật bằng đồng rải rác khắp cả Bắc và Nam Tây Nguyên đã gây nhiều bất ngờ và chú ý cho các nhà khoa học, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa tộc người về sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn cũng như phạm vi phân bố của nó ở Việt Nam. Nhiều vấn đề, giả thiết với những câu hỏi đặt ra đang cần được nghiên cứu, giải mã: Có chăng cách đây 2.000 - 2.500 năm ở Tây Nguyên đã có mặt của người Việt cổ? Sự xuất hiện trống đồng trước đây từng cho là của người Việt cổ ở vùng Bắc Bộ tại Tây Nguyên là do trao đổi hàng hóa trực tiếp hay gián tiếp giữa người Việt cổ với cư dân cao nguyên miền Thượng qua các thương nhân? Xương cốt và chủ nhân đồ tùy táng trong các trống đồng ở đây là ai?... Những vấn đề này ngày nay đã và đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và giải mã qua những phát hiện khảo cổ học với các di vật chôn vùi trong lòng đất để dần vén bức màn về sự bí ẩn của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
(CÒN NỮA)
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ