Ngự chế Bắc tuần thi tập của vua Thiệu Trị tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Đà Lạt qua Châu bản triều Nguyễn

06:07, 14/07/2022
Ngự chế Bắc tuần thi tập do vua Thiệu Trị sáng tác trên hành trình Bắc tuần ra Bắc nhận thụ phong năm 1842. Trong chuyến đi này, nhà vua đã sáng tác được 173 bài thơ và lựa chọn 160 bài cho khắc in thành tập thơ tựa đề Ngự chế Bắc tuần thi tập. Điều đặc biệt là tập thơ mặc dù đã được in và ban tặng cho nhiều địa phương thời bấy giờ, nhưng hiện nay mới chỉ tìm được bản khắc ván duy nhất đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TP Đà Lạt). 
 
Một trang Châu bản triều vua Thiệu Trị ghi chép về tập thơ Ngự chế Bắc tuần thi tập.
Một trang Châu bản triều vua Thiệu Trị ghi chép về tập thơ Ngự chế Bắc tuần thi tập
 
Bản khắc gỗ độc đáo duy nhất còn bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng là văn bản duy nhất để minh chứng tập thơ của vua Thiệu Trị khi Ngự giá Bắc tuần. Đây là tập thơ được vua Thiệu Trị chọn 160 bài trên tổng số 173 bài làm trên hành trình Bắc tuần. Điều đặc biệt là, tập thơ không những được ghi chép trong chính sử Đại Nam thực lục mà còn được Châu bản triều Thiệu Trị ghi chép. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có 3 văn bản được châu phê về việc khắc in thơ Ngự chế Bắc tuần và châu phê cho phép lựa chọn 18 bài thơ để khắc vào bia đá lưu truyền bất hủ. Lời lẽ trong châu bản qua lời tấu của các đại thần một lần nữa khẳng định giá trị của tập thơ đối với các địa phương trên cung đường thiên lý từ Kinh đô ra Hà Nội.
 
Theo ghi chép của Ngự chế Bắc tuần thi tập cho biết: Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kế thừa sự nghiệp, sửa sang cơ đồ rực rỡ, kính vâng Bắc tuần, lễ nghĩa ngày càng đầy đủ, trong nước thì yên ổn, bên ngoài thì hòa mục với láng giềng, dân sống nơi đâu đều ca tụng ân trạch như thánh, mùa Xuân năm ngoái, Hoàng thượng ta noi theo phép cũ, đề cao điển lệ, ngự giá các nơi, giáo hóa rộng khắp, sông núi khắp chín quận tươi đẹp, hoa cỏ mùa xuân càng rực rỡ, kiểm tra quan lại, thăm nom dân chúng. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Ngày 22 tháng Giêng năm nay, xa giá Bắc tuần, ngày 18 tháng 2 đến hành tại Hà Nội”. [Quốc sử quán, 2007, tr.341]. Vừa lên nối ngôi chưa lâu, vua Thiệu Trị phải thân chinh ngự giá Bắc tuần để nhận sắc phong của sứ nhà Thanh, đó là năm 1842. Nhằm chuyến đi này, nhà vua đã có tập Ngự chế Bắc tuần thi tập.
 
Nhân sự kiện Bắc tuần, ngoài việc ra Bắc nhận thụ phong thì nhà vua cũng muốn “tỉnh phương” nhằm mục đích “xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng” hay tự vua bộc bạch “Trẫm ngày đêm áy náy, ăn ngủ không yên, nhưng chuyến đi này không phải chuyên về việc bang giao mà thôi, trong đó còn bàn những việc: xét địa phương, xem phong tục, mở điều lợi, trừ điều hại”. Đại Nam thực lục cho biết thêm: “Cờ đi tới đâu cũng xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng. Già trẻ nơi làng mạc thấy bóng cờ đều mừng vui; quan chức các địa phương họp lễ cống đến triều yết. Xét các lệ xưa nay để làm điển lễ, hợp mọi tình trên dưới để tiếp phúc trời. Lần này sứ Thanh vâng mệnh sang đây, trong khi tới, lui, kính cẩn theo lễ độ; sự hoà thuận vui vẻ hợp với tình văn, quốc thể càng thêm tôn, thần dân đều mừng rỡ. Thật là nhờ về Hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế và Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta uy đức rộng khắp, nên được như thế. Ngày 28 tháng trước, lễ lớn khánh thành; ngày 29 hồi loan; ngày 12 tháng này, tới Kinh. Từ mình trẫm cho chí các hoàng đệ, hoàng thân và các quan đi theo, mọi sự đều được tốt lành cả”.[Quốc sử quán, 2007, tr 341].
 
Châu bản triều vua Thiệu Trị cho biết: Thần là Vũ Xuân Cẩn tâu: Nay nhận được tập tâu của Nội các sao lục rằng: Mùa Xuân năm nay, Hoàng thượng ngự giá tuần du phương Bắc. Phàm nơi đi qua, việc cho thi hành đều làm thơ để ghi lại sự việc. Nội các vâng tập hợp thành tập thơ Ngự chế Bắc tuần thi tập, gồm 173 bài, dưới các thể loại như Vịnh sông Vĩnh Định, sông Ái Tử, sông Linh Giang để nghĩ lại công lao oanh liệt, từ buổi đầu mở mang cơ nghiệp. Xin đem 18 bài thơ này, giao cho địa phương sở tại, khắc đá, dựng bia, để đặt tại bên đường đi. Vâng châu phê: Khi đi tuần du Bắc kỳ, Trẫm xem ngắm qua các địa phương, thơ làm trong nhất thời, e rằng chưa xứng đáng để lại lâu dài, đã có lời xin, thì truyền giao cho quan đại thần xem xét tâu trình lên. Chúng thần trộm nghĩ: đây là văn chương của thánh nhân, dọc ngang trời đất, cùng với trời đất tồn tại lâu dài, nên tùy theo địa phương mà khắc đá dựng bia, để bốn biển cùng biết. Nội các xin đem 18 bài này, khắc vào đá, thực là thỏa đáng. Tất cả các việc cần làm, sẽ do Bộ công xem xét, quy định khuôn mẫu, tấu trình đầy đủ, giao cho quan địa phương làm theo. Châu phê.
 
Chúng thần Nội các tâu: Năm này phụng Hoàng thượng đại giá. Khi tuần hạnh thăm hỏi việc nông, xem xét đời sống Nhân dân,...
 
Ngự chế Bắc tuần thi tập xem xét quan lại, đều thấy được mọi vẻ đẹp đẽ, đã lấy thơ ghi lại sự việc. Chúng thần tùy giá, mỗi khi giá hạ lại lấy bút sách cung kính cẩn thận biên tập vào tập ngự chế thi sơ tập gồm các quyển Nhâm Dần 1, 2, 3, 4. Lại tập hợp riêng thành Ngự chế Bắc tuần thi tập, gồm 160 bài. Nay xin đem trước 18 bài giao cho các địa phương sở tại khắc vào bia đá dựng ở bên đường đi. Châu phê giao cho các đại thần duyệt xét tấu lên.
 
Chúng thần Nội các tâu: Năm nay khâm phụng đại giá Bắc tuần, thăm viếng, xem xét và ban ân huệ. Phàm các nơi đi qua xem xét ban ân đều đã thấy rõ các điều tốt đẹp và đã làm thơ ghi lại sự việc. Vừa qua chúng thần đã cung kính cẩn thận biên thành tập gồm 160 bài và sẽ tập hợp thành tập Ngự chế bắc tuần thi tập. Chúng thần đã đem trước các bài nói về danh tích, sông núi xin giao cho các địa phương sở tại khắc vào bia đá để cảnh sắc núi sông khắp hạt thêm đẹp và núi cao, sông sâu còn mãi. Vâng được chuẩn y lời đó và đã thi hành rồi. Nay chúng thần lại nghĩ rằng, trên đường đi quan 9 quận, ngự giá tới 8 tỉnh lỵ, ban bố ân điển gồm 10 thiên thơ, xin đem 10 thiên thơ đó do chúng thần căn cứ theo từng hạt, dùng giấy long tiên để sao chép và do bộ Lễ vâng giao cho các quan các tỉnh sở tại tôn kính tàng trữ để mãi lưu truyền. Lại do Bộ công nghĩ định quy cách mẫu biểu ngay rồi giao cho các tỉnh đó chế tạo biểu, khắc thơ rồi treo lên hành cung tỉnh thành để mọi người ở dưới cung kính xem và thấy được ân trạch của thánh nhân cũng như để văn thơ của thánh nhân lưu truyền mãi mãi. Châu phê, được.
 
Ba văn bản châu bản ghi chép lời của đại thần dâng lên vua Thiệu Trị cho thấy tầm quan trọng của tập thơ này. Hơn nữa, hiện nay nhiều địa phương được vua Thiệu Trị cho khắc thơ vào bia đá vẫn còn gìn giữ được những tấm bia đó. Một vài địa phương không còn giữ được những tấm bia này có thể thông qua những bài thơ hiện còn ở trong văn bản này để có căn cứ phục chế, một là để lưu lại áng văn chương của tiền nhân, hai là để khai thác và phát huy được giá trị của tài liệu lưu trữ nhằm mục đích trùng tu và gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của tiền nhân. Đó cũng là cách để gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần của cha ông ta cho con cháu đời sau.
 

Ngự chế Bắc tuần thi tập là tập thơ liên quan đến chuyến công cán của nhà vua Thiệu Trị ra Bắc, trải qua các địa phương, sau khi giải quyết công việc đều dùng thơ để ghi lại. Bên cạnh đó, nhà vua cho lựa chọn 18 bài thơ cho các quan địa phương khắc trên bia đá để lưu truyền lời của Thánh nhân. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lưu được những tấm bia đá khắc thơ của vua Thiệu Trị. Qua nghiên cứu, chúng tôi còn nhận thấy sự việc này được châu bản thời vua Thiệu Trị cũng ghi chép về việc các đình thần dâng bản tấu xin về việc biên tập và cho khắc in thơ. Đây là những tư liệu lưu trữ quý giá giúp các nhà nghiên cứu làm rõ hơn về văn bản Ngự chế Bắc tuần thi tập còn đang lưu tại Đà Lạt.

 
NGUYỄN HUY KHUYẾN