Hành trình về thế giới A Tâu (Kỳ II)

12:08, 04/08/2022
[links()]
Kỳ II: Tượng nhà mồ, “đẳng cấp ma” và những chuyện khác
 
Người Bahnar từ sau lễ bỏ mả là không còn lưu luyến, lai vãng nhà mồ của người thân đã mất. Bởi vì tôi không phải là người Bahnar nên tôi mạnh dạn bước vào khu nhà mồ trong buổi trưa tròn bóng, cái giờ mà người ta rất ái ngại lang thang giữa vùng âm khí… 
 
Tác giả tại khu nghĩa địa làng Plei Pyang
Tác giả tại khu nghĩa địa làng Plei Pyang
 
Quả thật, không dối lòng là trong tôi cũng bắt đầu có cảm giác hồi hộp, rờn rợn. Bước chân tôi có phần líu ríu khi chen qua những lối dây rừng lằng nhằng, cỏ dày rậm rạp, ngập đầy gai xấu hổ và thỉnh thoảng có những mảnh gì trăng trắng mốc mốc như xương. Những ngôi mộ san sát gần nhau, mộ cũ lùi vào trong, mộ mới xếp dần bên ngoài, tôi chỉ đủ len qua cả một rừng mộ bằng những lối đi chật hẹp, vướng víu. Những chiếc ché cổ đã bị đập bể để tránh kẻ tham. Những chiếc gùi mây rất đẹp được cột trên những ngôi mộ đàn bà từng ấm lưng của người đã khuất. Những chiếc xà gạt, những chiếc cuốc, những cây lao lưỡi sắt còn bóng loáng dựng bên mộ đàn ông từng gắn chặt tay người trong một cuộc đời dương trần máu thịt với nương rẫy, núi rừng. Và rồi, rất nhiều bó củi xếp trong nhà mồ ngay ngắn như trong một gian nhà bếp thật sự. Người Bahnar tin rằng, người chết cũng cần có củi lửa để sưởi ấm, đun nấu. Hầu như phía trước những ngôi mộ trong nghĩa địa làng Plei Pyang luôn có một giếng nước tượng trưng với chiếc gáo dừa bên cạnh. Đúng là bỏ mả! Đi vào sâu bên trong thì chỉ gặp những khu nhà mồ hoang phế, phủ một màu thời gian quên lãng. Những ngôi mộ cứ lún dần sâu vào đất, hòa tan vào đất với những nhà mồ xiêu vẹo, sập soãi và tượng gỗ mục nát, gãy lõm, mốc thếch. Đứng giữa rừng mộ, tôi rợn người nghe tiếng con chim nào đó cất lên những chuỗi âm thanh tê tái, có lẽ là tiếng cú rúc giữa trưa nghĩa trang Bahnar vắng lặng…
 
Và rồi, cảm giác thật khó diễn tả khi ngước nhìn những pho tượng đặt quanh mái, bên hàng rào, trên nóc những ngôi nhà mồ. Tôi run rẩy khi đang chứng kiến cả một cuộc “triển lãm” điêu khắc ngoài trời, cuộc triển lãm đặc biệt bởi được tổ chức bằng những nghệ sĩ tạc tượng vô danh, đối tượng thẩm mỹ và công chúng thưởng lãm là những linh hồn. Một cuộc triển lãm mà đích đến là giá trị mỹ cảm quên lãng; có cảm tưởng càng hoang phế, tiêu điều, thậm chí là tiêu tan thì cái đẹp mới thực sự hiển sinh. Triển lãm rồi bỏ, rồi không thèm ngoái lại. Giữa rừng ma mưa gió, nắng nôi, trập trùng cao thấp cả một bộ sưu tập tượng gỗ với đa dạng motif thể hiện. Ở đây có những bức tượng sinh hoạt như người cưỡi voi, người cưỡi ngựa; phụ nữ cầm quả bầu lấy nước, đàn ông đánh trống, đánh chiêng; thợ rèn, người đứng hát, múa xoang. Ở đây có tượng người ngồi khóc, tượng mẹ con với nhiều dạng thể hiện như mẹ cõng con, mẹ dắt con, mẹ bế con, mẹ địu con. Ở đây có tượng người phụ nữ trầm tư… rồi cả cầu thủ bóng đá, công an, bộ đội. Và nhiều nhất là tượng những con vật, như công, khỉ, rắn, voi rồi tượng những đồ gia dụng quý như nồi đồng, ngà voi, sừng trâu… Trong không gian tượng gỗ nhà mồ Plei Pyang, tôi đã bắt gặp một cảm giác chuyển tiếp sự sống và cái chết, một cảm giác chứa đầy ma mị nhưng cũng gợi lên bao điều suy tưởng. Người Bahnar gọi tượng nhà mồ là “đík” nghĩa là nô lệ, người hầu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những mẫu tượng gỗ nhà mồ còn lưu giữ hiện nay có thể có từ giai đoạn Pơtao (tù trưởng lớn), có nét gần gũi với tượng gỗ của thổ dân Nam Đảo. Nó phản ánh văn hóa xã hội thuộc thời hoang sơ. Còn trong buôn làng Bahnar cho đến ngày nay, không kể giàu hay nghèo, theo phong tục thì đẽo tượng “đi theo” người chết là điều bắt buộc phải làm, thể hiện lòng hiếu đễ, tình cảm tiếc thương của người sống đối với người đã khuất. Tượng đi theo người chết thường được tạc đẽo theo ý thích, nghề nghiệp của người đó khi còn sống và nhất định là phải theo cặp âm - dương, đề cao tính phồn thực, ngay cả tượng con vật cũng phải có đôi có cặp…
 
* * *
 
Tôi gạt lấy những mớ dây leo chằng chịt và ngạc nhiên đến sửng sốt khi bắt gặp một cặp tượng người đàn bà dưới thấp, người đàn ông trên cao trước một ngôi nhà mồ đang dần hoang phế. Tôi không dám ngắm kỹ gương mặt người đàn bà ấy, vì nó quá “sống”, quá sinh động. Bà ngồi đó bó gối chống cằm, ôm hai tai ủ rũ, đôi mắt nhắm nghiền, sâu thẳm một nỗi buồn hay nỗi niềm khôn tả. Một gương mặt rất đời mà tôi vẫn thường được chứng kiến trong những dịp đi qua các buôn làng Tây Nguyên. Nhìn bức tượng người đàn bà Bahnar với nét tạc bằng gỗ thô mộc mà liên tưởng đến tác phẩm điêu khắc Le Penseur (Người suy tư) của họa sĩ người Pháp nổi tiếng Auguste Rodin. Nhưng A.Rodin là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thiên tài, còn người đàn ông Bahnar vô danh nào đó tạc bức tượng này chỉ bằng sự trực cảm nguyên thủy. Tôi cảm nhận, ông đã dùng rìu bóc tượng hình ấy từ thân gỗ ra bằng một xúc cảm riêng mà chỉ có ông mới hiểu và ông tạc bằng một sự linh ứng không thể dừng trong một cõi khao khát nguyên sơ. Tôi nghĩ, có thể trong cuộc đời của người đàn ông này, ông chỉ “sáng tác” một bức tượng duy nhất, rồi thôi. Người thiểu số bản địa Tây Nguyên không làm nghệ thuật, họ chỉ “sống” nghệ thuật. Nghệ thuật với họ là những khoảng khắc thăng hoa bùng cháy tự nhiên trong một dịp linh thiêng nào đó. “Tác phẩm” của người đàn ông này cũng vậy, rồi đây nó sẽ vô tích vô tăm trong lòng đất và hòa tan vào rừng già thăm thẳm. Ông đã quên nó từ khi tạc nó và trao gửi vào chốn A Tâu. Cũng từ lâu, bức tượng đó đã thuộc về một thế giới khác, một thế giới không còn liên quan tới ông… 
 
* * *
 
Sự phân chia đẳng cấp hình như cũng thể hiện ở chốn rừng ma. Xin thứ lỗi nhé linh hồn ông Đinh Gliu, nguyên Trưởng ban Văn hóa thị trấn Kông Chro! Tôi nói thế bởi nhà mồ của ông to quá, hoàng tráng quá, nó nổi bật lên trong “làng nhà mồ” bởi vẻ đồ sộ, quý tộc rõ rệt. Trên diện tích khá lớn, ngôi nhà mồ của ông cán bộ văn hóa được xây dựng kỳ công như một nhà rông thu nhỏ. Bốn cột chính được trang trí bằng bốn cặp ngà voi tượng trưng, hai cây k’lao cao nhất nghĩa địa. Mặt trước và mặt sau ngôi mộ được gắn hai cặp tượng nam nữ mặc quân phục và váy thời trang sơn phết đủ màu trông như thật. Trong khuôn viên ngôi mộ có cả những cây lúa đã trổ bông, có giá để củi và góc chia của cho người chết, mà gia đình ông Gliu khá giả nên phần của mang đi không ít. “Hàng xóm” của ông Đinh Gliu ở giữa rừng ma là một ngôi mộ có chủ nhân là nữ, cũng có quy mô không kém. Trong một góc của ngôi mộ này còn có dàn khung cửi dệt thổ cẩm dành cho người chết, một đầu trâu được chia trong lễ bỏ mả và cả một giá để hàng mấy trăm thanh củi được sắp xếp ngăn nắp và rất nhiều tượng gỗ hình người “theo hầu”. Nhưng ngay giáp phía sau những nhà mồ hoành tráng ở mặt tiền nghĩa địa, hàng loạt nhà mồ khác của người nghèo có mái lợp tôn hoặc cỏ tranh như xóm bình dân, thấp dần và bị phủ kín dây leo, cỏ tranh. Những bức tượng nhà mồ vẫn có cặp, có đôi nhưng chỉ là biểu trưng của những con vật như trâu, bò, khỉ, chó, được gắn khiêm tốn trước mộ thấp chìm trong cây cỏ. Có lẽ, điều không khác lạ đối với tất thảy loài người trên thế giới, cái chết của người nghèo bao giờ cũng ngậm ngùi, lầm lũi và ít phô trương. Và cũng có thể, mả của họ sẽ được bỏ nhanh hơn mả của người giàu… 
 
Và cũng ở nghĩa trang của làng Plei Pyang, tôi đã gặp và lưu vào đầu những hình ảnh mang sắc thái “tiếp biến văn hóa” mà bản thân chưa có cách lý giải: 
 
Rất nhiều ngôi mộ đã được xây kiên cố và ốp bằng đá hoa cương; chắc chắn những người xây mộ là một kíp thợ người Kinh nhận thầu. 
 
Rất nhiều bức tượng nhà mồ được can thiệp màu mè sặc sỡ bằng sơn Kova hay Dulex… chứ không còn sự thô mộc tự nhiên trầm mặc từ những nhát rìu bóc từ gỗ quý rừng già.
 
Tôi được đọc đôi câu đối bằng chữ tiếng Việt khắc trên đá ở một ngôi mộ: “Mẹ về cõi Phật hồn thanh thản/ Con cháu dương trần mãi nhớ thương”. Chợt nhớ, người Bahnar không hề theo đạo Phật và họ không hề biết đến “văn hóa” câu đối là gì.
 
Và rất nhiều ngôi mộ đã khắc chạm mộ chí trên đá, ví như: “Y Pan Ngọt Tươi, quê quán: Plei Pyang - Kông Chro; sinh ngày 23/4/1945; mất ngày 14/3/2015”.
 
Rời Kông Chro, tôi cũng chỉ mới kịp nghĩ rằng, người Bahnar, người Tây Nguyên đã bắt đầu có ý thức lưu lại tuổi tên, danh phận và cả đẳng cấp của mình trước khi cất bước về với rừng Yàng. Như vậy thì “lễ bỏ mả” sau này còn mang ý nghĩa không hay chỉ là những dòng ký ức về một nghi lễ từng được lưu truyền ngàn năm trong những tộc người từng sống và chết giữa đại ngàn Tây Nguyên?!...
 
Ký sự: UÔNG THÁI BIỂU