Độc lạ vũ điệu Kathakali cổ điển Ấn Độ

04:12, 01/12/2022
Không phải bay hàng ngàn cây số  đến Ấn Độ xa xôi để được thưởng lãm điệu múa cổ điển Kathakali nổi tiếng, một ngày giữa tháng 11, Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh đã đưa vũ điệu độc đáo từ xứ sở của các vị thần huyền bí đến với người dân Cát Tiên trong một chuyến ngoại giao văn hóa.
 
Nghệ sĩ múa Kathakali chỉ toàn đàn ông, đóng luôn cả các vai phụ nữ
Nghệ sĩ múa Kathakali chỉ toàn đàn ông, đóng luôn cả các vai phụ nữ
 
ĐỘC ĐÁO ĐIỆU MÚA KATHAKALI
 
Múa Kathakali là loại hình diễn xướng dân gian của xứ Kochi thuộc bang Kerala nằm bên bờ eo biển Malacca, miền Nam Ấn Độ. Kathakali gồm hai từ ghép: katha là lịch sử, kali là trò chơi. Loại hình nghệ thuật cổ điển này được người dân bản địa sáng tạo từ cách đây 5 thế kỷ, đó là sự phối hợp tài tình, khéo léo vũ khúc, nhạc điệu, kịch hát và tập tục. Các nhân vật hóa trang tỉ mỉ, tinh tế, trang phục tế nhị, tinh xảo, hình dáng và màu sắc hóa trang chỉ định thứ bậc, tôn ti, tư cách, phẩm chất nhân vật. Đặc trưng của nghệ thuật này là không có đối thoại giữa những cặp nhân vật, diễn viên diễn đạt tâm tình qua điệu bộ theo nhip điệu nhảy múa, cách biểu lộ trên gương mặt theo 9 trạng thái cảm xúc: tình thương, hài hước, sợ sệt, buồn rầu, giận giữ, tự hào, chán ngấy, ngạc nhiên, hòa bình. 
 
Theo truyền thống, múa hát Kathakali có 101 sự tích từ những sử thi Ấn Độ như Mahabharata, Ramayana và trong đời sống của thần Krishna nhưng chỉ khoảng một phần ba cho là hay nhất được đem ra diễn. Trước  đây, cuộc biểu diễn truyền thống của Kathakali thường được thực hiện gọn trong lòng một buổi lễ long trọng kéo dài suốt đêm, bắt đầu từ 10 giờ tối, trước ngọn đèn dầu dừa và kết thúc vào sáng hôm sau. Ngày nay, vở diễn được rút gọn thành vài giờ buổi tối, chọn lọc các mẫu, đoạn trích hay nhất, những tuồng tích hấp dẫn nhất có vũ điệu đẹp, tính chất xác đáng, nội dung bình dân, chủ đề lâm ly… Trong đó, những tích tuồng được biểu diễn nhiều nhất là chuyện tình giữa Nala và Damayanthi, chuyện chiến tranh, chuyện vợ chồng Bhima và Draupali, cuộc giao chiến giữa Ajuna và Shiva... tất cả đều nằm trong sử thi Mahabharata. 
 
Múa Kathakali được xem như sự tổng hòa cuộc phối hợp của năm môn ngành mỹ thuật: biểu lộ (cường điệu mặt mày), khiêu vũ  (cường điệu tứ chi, thân thể), diễn xuất (cường điệu ánh mắt), điệu hát (nhạc kèm) và nhạc đệm. Thành thạo cử động đôi mắt cũng như tư thế, đặc biệt là động tác cặp tay 24 nghi lễ. Nghệ sĩ múa Kathakali chỉ toàn đàn ông, đóng luôn cả các vai phụ nữ.  
 
Phần quan trọng bậc nhất trong múa cổ điển Kathakali bắt đầu trước lúc biểu diễn là công việc hóa trang kéo dài cả buổi là quá trình biến đổi hoàn toàn diễn viên. Rất dài và rất chính xác, công trình hóa trang tự nó đã là một nghi thức sơ bộ đưa diễn viên nhập tâm vào nhân vật. Sau khi hóa trang, diễn viên bỏ quên hoàn toàn bản thân mình trước nhân vật thể hiện, trước một mẫu lý tưởng, tuyệt vời, anh hùng hào kiệt hay thần linh âm ty. Từng màu sắc, từng bột phấn, từng thuốc bôi dưới bàn tay tài tình của các chuyên gia hóa trang thiện nghệ cẩn thận áp lên da theo tín điều tiên quyết, thứ tự chính xác, góp phần vào hiệu lực của cuộc biến hóa. Cuộc hóa trang được thực hiện theo những quy tắc với 5 tổng thể chính, khác nhau ở tỷ lệ màu sắc áp lên da. Với màu lục nổi trội, được dùng để diễn tấu những nhân vật cao thượng, dũng khí, hài hòa hay trong sáng. Các nhân vật anh hùng, khí khái nhưng bị những tính dục vọng, ngạo nghễ, quỵ ngã làm mờ quáng được biểu thị qua những sọc đỏ với một bộ mặt lục. Các nhân vật bất lương, hung ác như quỷ sứ, mặt mày râu ria toàn đỏ. Những thợ săn ác độc, tàn bạo thì mặt mày râu ria toàn đen. Phụ nữ và các nhà tu khổ hạnh có bộ mặt sáng loáng thêm vào chút màu vàng thuộc vào một loại hiện thực. Một trong những nhân vật quan trọng nhất trong Ramayana là vua khỉ Hanuman, chiến sĩ anh dũng mà lại khôn ngoan và khiêm nhường, có bộ lông và râu trắng. Phụ nữ và hiền nhân thì có da màu cam. 
 
Màu sắc cũng quan trọng trong trang phục, nhân vật nam mặc áo rộng, màu sặc sỡ, váy loe ra với những băng nằm ngang trên một nền trắng, đội khăn có vành, lắm khi một vầng hào quang cùng những đồ trang sức đặc thù như móng tay, vòng kiềng, vòng xuyến hay gậy quyền, vương trượng. 
 
•  ĐƯA VŨ ĐIỆU KATHAKALI ĐẾN VỚI CÁT TIÊN
 
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2022), từ bang Kerala của đất nước Ấn Độ - nơi sinh ra điệu múa dân gian độc đáo, 10 nghệ nhân, nghệ sĩ do ông Jagadeesan Balakrishnan Nair làm trưởng đoàn đã vượt hơn 3.200 km mang vũ điệu Kathakali đến với Cát Tiên - nơi có Di tích Quốc gia đặc biệt Khu khảo cổ Cát Tiên với những phế tích đền tháp mang màu sắc tín ngưỡng Bàlamon - có nguồn gốc Ấn Độ cổ xưa. 
 
Một giờ chiều, vừa đặt chân đến Cát Tiên, các nghệ nhân Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện hóa trang cho buổi tối lên sân khấu biểu diễn. Ròng rã hơn 4 tiếng đồng hồ không ngưng nghỉ. Trước các hộp bột màu đủ sắc la liệt được bày ra, dưới bàn tay tỉ mỉ, điêu luyện của các chuyên gia hóa trang đã biến hóa diễn viên thành thần thánh hay ma quái tùy theo vai diễn. Những nét vẽ được tô phết qua nhiều phần, nhiều lớp, cầu kỳ từng chi tiết, đường nét. Cuối cùng là thoa một lớp dầu trên mặt để giữ hóa trang được lâu. Để giữ gìn lớp hóa trang như thế, các nghệ sĩ đã không ăn tối, đợi sau khi hoàn thành buổi biểu diễn mới ăn. 
 
Đoàn nghệ sĩ múa Kathakali đã trình diễn phục vụ Nhân dân Cát Tiên hai hồi, trích từ vở “Sự tiếc thương của Bhishma” trong sử thi Mahabharata kinh điển. Nội dung của đêm diễn: Hoàng tử Devratha (là con thứ tám của vua Chaianu) có tài cầm quân và dòng máu bán thần, được vua cha yêu quý nên thuận lợi được quyền thừa kế ngai vàng. Vì giúp vua cha cưới được nàng Satyavati - một thiếu nữ làm nghề chài lưới trên sông, đồng thời thỏa mãn các điều kiện do ông bố của nàng đặt ra, hoàng tử Devratha đã từ bỏ quyền thừa kế vương vị của mình và lập lời thề sống độc thân trọn đời. Lời thề cao cả này được chứng giám, chàng được ban cho phần thưởng là được tùy ý lựa chọn thời điểm chết và cách chết - phần thưởng giúp chàng gần như trở thành bất tử. Cũng từ đây hoàng tử Devratha được đổi tên thành Bhishma. Không ngừng bênh vực cho cha, góp sức xây dựng đất nước hùng mạnh, hoàng tử Devratha (giờ là Bhishma) đã lập lời thề thứ hai của mình là trọn đời phục vụ trung thành cho quân vương kế vị ngai vàng của vua cha Chaianu, bất kể người đó là ai.
 
Trước cuộc chiến tương tàn tranh giành ngôi vị giữa các cháu nội của các em trai cùng cha khác mẹ, Bhishma miễn cưỡng tham gia trận chiến với tư cách là lão tướng. Sức mạnh của Bhishma được thể hiện rõ trong ngày thứ 9 của cuộc chiến, khi mũi tên của ông khiến cả Arjuna và thần Krishna của phe đối lập bị thương. Đến ngày thứ 10, phe địch đã đưa chàng trai có dung mạo xinh đẹp như phụ nữ tham chiến. Bhishma đã không phản kháng trước mũi tên của “người đẹp” vì nguyên tắc không ra tay với phụ nữ. Thừa cơ hội, hàng ngàn mũi tên của kẻ thù núp sau lưng “người đẹp” nhắm theo đã xuyên thủng áo giáp của Bhishma. Vị lão tướng qua đời một cách bi tráng khi thân thể lơ lửng trên mặt đất vì số mũi tên xuyên qua người ông nhiều đến nỗi đan thành giường nằm. Điều cuối cùng mà Bhishma làm trước lúc chết là khuyên giải các cháu kết thúc cuộc chiến, ông được người người tôn kính, ngưỡng vọng.
 
Gần 120 phút diễn ra qua từng cảnh diễn, động tác, nét mặt, ánh mắt, tiếng trống, tiếng hát, những vũ điệu uyển chuyển trên những đôi chân trần của các nghệ sĩ, sắc màu rực rỡ, mang nghi thức tôn giáo rất lạ. Dù không hiểu lời hát, không hiểu hết ngôn ngữ nghệ thuật của vũ điệu Kathakali độc đáo, nhưng hàng ngàn người dân Cát Tiên hiếu khách đã đến Quảng trường Phạm Văn Đồng cổ vũ nồng nhiệt thể hiện tình cảm trân quý trước tinh thần biểu diễn cống hiến của các nghệ sĩ đến từ đất nước Ấn Độ xa xôi. 
 
Phát biểu tại đêm ngoại giao văn hóa, ngài Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP  Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ có cội nguồn sâu xa trong lịch sử bắt nguồn từ sự giao thoa về văn hóa và giao thương giữa người dân. Hai đất nước đã chia sẻ nhiều giá trị chung về lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình và càng được gắn kết chặt chẽ bởi lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cựu Thủ tướng Ấn Độ đặt nền móng, được các thế để hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp ngày càng đơm hoa kết trái. Mang điệu múa cổ điển Kathakali của Ấn Độ đến với người dân Cát Tiên, chúng tôi mong muốn gắn kết người dân hai nước, thắt chặt tình hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia, dân tộc”.
 
QUỲNH UYỂN