Hành động về đa dạng sinh học

08:12, 05/12/2014

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định phê duyệt kế hoạch hành động về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định phê duyệt kế hoạch hành động về đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
 
Theo kế hoạch này, có nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được đề ra. Trong đó, đáng lưu ý là những nhiệm vụ và giải pháp như xây dựng vành đai an toàn cho các hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ đặc biệt, xây dựng vườn giống một số loài đặc hữu quý hiếm, hiện trạng và mức độ nguy hại của các loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ và phát triển rừng thông đỏ Lâm Đồng, xây dựng bản đồ phân vùng áp dụng kỹ thuật đốt xử lý vật liệu cháy rừng, quy hoạch bảo tồn ĐDSH Lâm Đồng đến năm 2020, xây dựng quy chế bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên ĐDSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ ĐDSH... Cũng cần nói thêm, trước đây, Lâm Đồng cũng đã đề ra chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008 - 2020 và chương trình hiện vẫn đang triển khai trong thực tế. 
 
Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá cao về sự ĐDSH hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen. Với độ che phủ hơn 60%, rừng Lâm Đồng không những chiếm tỷ lệ cao trong tổng diện tích tự nhiên mà nằm trong khu vực này còn có đến 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm; trong đó có 45 loài nằm trong sách Đỏ quốc tế (IUCN) và 131 loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Cùng đó, các nhà khoa học còn ghi nhận rừng Lâm Đồng còn có 85 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim và 102 loài bò sát - lưỡng cư. Ngoài sự đa dạng hệ sinh thái rừng trên cạn, Lâm Đồng còn được ghi nhận là địa phương có sự đa dạng về loài ở hệ sinh thái ngập nước: 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ, 257 loài thực vật phiêu sinh và 63 loài động vật đáy; đặc biệt, trong 111 loài cá có đến 5 loài được nêu trong sách Đỏ Việt Nam. Tuy được ghi nhận về sự ĐDSH vào bậc cao của Việt Nam nhưng Lâm Đồng cũng là địa phương bị “báo động đỏ” về sự suy giảm ĐDSH trên các phương diện: Giảm chất lượng và các chức năng của hệ sinh thái, nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể, suy thoái nguồn gen...
 
Kế hoạch hành động vừa được UBND tỉnh nói trên có nhiều nội dung; trong đó có các nội dung cần đặc biệt lưu ý như: Xây dựng quy hoach bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH; triển khai thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH; khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, ĐDSH gắn với phát triển KT-XH; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH cho chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến việc thực thi pháp luật về quản lý ĐDSH và an toàn sinh học... 
 
Trong những năm qua, Lâm Đồng là địa phương được đánh giá cao trong bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, trong kế hoạch hành động, ngoài việc “Đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển KT-XH, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn”, UBND tỉnh vẫn phải đặt ra yêu cầu: “Huy động các nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia quản lý và bảo tồn ĐDSH; đảm bảo các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan tại địa phương”.         
Thi Hoàng