Nhiều nguồn nước sinh hoạt chưa qua xử lý, có nguy cơ ô nhiễm cao

04:12, 08/12/2014

(LĐ online) - Đó là kết luận của Bộ Y tế sau khi kiểm tra chất lượng nguồn nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt (gọi chung là nguồn nước sinh hoạt) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vừa được công bố vào cuối tháng 11/2014. 

(LĐ online) - Đó là kết luận của Bộ Y tế sau khi kiểm tra chất lượng nguồn nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt (gọi chung là nguồn nước sinh hoạt) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, vừa được công bố vào cuối tháng 11/2014. 
 
Theo thông báo của Bộ Y tế, nhìn chung chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn Lâm Đồng trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 đều đạt yêu cầu; chất lượng nước cung cấp ổn định theo quy định. Tuy nhiên, chất lượng nước của các trạm cấp nước tập trung có công suất dưới 1.000m 3/ngày đêm và các công trình cấp nước hộ gia đình còn chưa đạt yêu cầu.
 
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 14 nhà máy, trạm cấp nước sinh hoạt tập trung có công suất từ 1.000m3/ngày đên trở lên, và 37 công trình cấp nước tập trung nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chưa kể các hình thức cung cấp nước hộ gia đình như giếng khoan, giếng khơi, máng tự chảy với quy trình lắng lọc khá giản đơn. 
Cụ thể, trong tổng số 578 mẫu nước lấy tại 14 nhà máy, trạm cấp nước tập trung có công suất từ 1.000m 3/ngày đêm trở lên trên địa bàn tỉnh, đã cho kết quả xét nghiệm đạt tiêu chuẩn vệ sinh (TCVS) 425 mẫu, 153 mẫu còn lại không đạt TCVS về các chỉ tiêu lý hóa, và vi sinh. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm từ 549 mẫu nước lấy tại các trạm cấp nước tập trung có công suất từ dưới 1.000m 3/ngày đêm và các công trình cấp nước hộ gia đình, chỉ có 236 mẫu đạt TCVS, còn lại 313 mẫu không đạt TCVS về các chỉ tiêu lý hóa và vi sinh.
 
Ngoài ra, kiểm tra thực tế việc thực hiện các quy định bảo đảm chất lượng nước tại 4 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt công suất từ 1.000m 3/ngày đêm trở lên, gồm: Công ty CP Cấp thoát nước và xây dựng Đức Trọng, Nhà máy nước Lâm Hà, Công ty CP Cấp thoát nước Sài Gòn - Đankia và Nhà máy nước Đankia I. Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kết luận tình hình vệ sinh tại khuôn viên các cơ sở cung cấp nước cũng như khu vực xử lý nước sạch đều đảm bảo. Nhưng tại 3/4 cơ sở này có nguồn nguyên liệu lấy từ các hồ, sông có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cơ sở còn lại mặc dù có nguồn nước nguyên liệu từ giếng khoan nhưng cũng có nguy cơ gây ô nhiễm từ các hoạt động nuôi gia súc, gia cầm… 
 
Từ kết quả này, Bộ Y tế đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân. Chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan chủ động phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát (cả định kỳ và đột xuất) đối với các nhà máy nước, các trạm cung cấp nước tập trung, nhất là các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất dưới 1.000m 3/ngày đêm trên địa bàn; đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
 
Ngay sau khi tiếp nhận thông báo của Bộ Y tế kết luận về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, UBND các huyện, TP Bảo Lộc và Đà Lạt chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiến hành khắc phục, hoặc đề xuất tỉnh khắc phục những tồn tại về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Tỉnh còn giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đạt các tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.
 
Thụy Trang