Triển khai thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020

11:12, 15/12/2014

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, mục đích và yêu cầu đặt ra cho tỉnh là: Chú trọng đến việc ngăn ngừa phát sinh chất thải ra môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm...

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, mục đích và yêu cầu đặt ra cho tỉnh là: Chú trọng đến việc ngăn ngừa phát sinh chất thải ra môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường... 
 
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ ra 13 nội dung cần phải thực hiện từ nay đến 2020; trong đó có những nội dung đáng chú ý như: Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học... 
 
Ở nội dung phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, đáng chú ý là việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của tỉnh, ngành và địa phương hiện chưa phù hợp, chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm...; nghiên cứu, thử nghiệm phân vùng chức năng theo các hệ sinh thái phục vụ quy hoạch phát triển; hậu kiểm công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được phê duyệt hồ sơ môi trường... 
 
Ở nội dung kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, vấn đề đáng quan tâm là việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tập trung giải quyết đóng cửa các bãi rác không hợp vệ sinh; bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm; triển khai bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Với nội dung cải tạo và phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm, kế hoạch đặt ra là ngăn chặn phát sinh khu vực ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm và suy thoái môi trường; tập trung bảo vệ, duy trì, cải tạo, nâng cấp, phục hồi môi trường các hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nguồn vốn ODA hoặc từ ngân sách nhà nước...
 
Cùng đó, UBND tỉnh cũng đã đưa ra 10 nội dung với 44 danh mục các chương trình, dự án và đề án sẽ triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020. Trong đó, ở nội dung thứ nhất về phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường, có các dự án đáng quan tâm như “Thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2020” do Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh thực hiện từ nay đến năm 2020; “Xây dựng đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động du lịch” do Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở TN-MT thực hiện trong 2 năm 2015 -2016... 
 
Ở nội dung kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm (nội dung 2), một vài dự án đáng quan tâm là “Xây dựng và hỗ trợ hoạt động các mô hình tiết giảm, tái chế và tái sử dụng chất thải sinh hoạt cho hai thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt” do Sở TN-MT phối hợp với UBND TP Bảo Lộc và UBND TP Đà Lạt thực hiện từ 2015 - 2020; “Điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường tại các nghĩa trang và đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục” do Sở TN-MT phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện trong hai năm 2018 - 2019; “Xử lý nước thải, chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” do Sở Y tế phối hợp với hai sở TN-MT và Xây dựng thực hiện từ nay đến 2020... 
 
Tại nội dung nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường (nội dung 8), tỉnh đưa ra các dự án đáng lưu ý: “Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về các nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” (Sở TN-MT và UBND các địa phương, 2016 - 2017); “Triển khai chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” (Sở KH-CN và Sở TN-MT, 2016 - 2020)...
 
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ: Sở TN-MT là cơ quan đầu mối phối hợp, tổ chức, giám sát và đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành đối với lĩnh vực quản lý; định kỳ hằng năm báo cáo với UBND tỉnh và Bộ TN-MT. Cùng đó, Sở KH-ĐT và Sở Tài chính cân đối, phân bổ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch; các sở, ban, ngành liên quan và UBND các địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch phù hợp với tình hình của địa phương, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN-MT để sở này tổng hợp báo cáo với UBND tỉnh và Bộ TN-MT.
 
KHẮC DŨNG