Bảo tồn đa dạng sinh học: Thách thức và hành động

09:05, 22/05/2015

Ngày 30/10/2014, tỉnh tiếp tục có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về ĐDSH trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. ĐDSH ở Lâm Đồng ngày càng thách thức các giải pháp bảo tồn, không thể chậm trễ. 

Cuối năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 3578 về phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) giai đoạn 2008-2020, nhưng mãi vẫn chưa “hành động” được. Ngày 30/10/2014, tỉnh tiếp tục có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về ĐDSH trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. ĐDSH ở Lâm Đồng ngày càng thách thức các giải pháp bảo tồn, không thể chậm trễ. 
 
Lâm Đồng hiện có khoảng 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm. Ảnh: Văn Báu
Lâm Đồng hiện có khoảng 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm. Ảnh: Văn Báu
 
Từ suy giảm đến cạn kiệt 
 
Tỉnh Lâm Đồng được đánh giá có nguồn ĐDSH cao với hệ gen phong phú. Tuy khảo sát chưa đầy đủ, nhưng đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm; 85 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim, 102 loài bò sát - lưỡng cư. 
 
Tuy nhiên, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên, chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động, thực vật hoang dã. Nguyên nhân tác động chủ yếu như khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; săn bắt động vật hoang dã; khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản; phá rừng lấy đất sản xuất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; cháy rừng; khai thác khoáng sản. Trong buổi làm việc gần đây giữa lãnh đạo tỉnh với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, con số 52,5% độ che phủ rừng ở Lâm Đồng hiện nay (giảm 8% so với cách đây 10 năm), ngoài thay đổi về phương pháp đo đạc còn có những nguyên nhân mất 35 ngàn ha rừng là do chuyển đổi mục đích, trong đó, lớn nhất là làm thủy điện hoặc xâm lấn sản xuất nông nghiệp; sử dụng sai mục đích...
 
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng về số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng như sau: trong 5 năm (2008-2012), ngành này xử lý 3.325 vụ, với 1.409ha rừng; trong đó, khai thác lâm sản trái phép 2.743 vụ, thiệt hại 11.386m 3 gỗ tròn, hơn 7,7m 3 gỗ xẻ. Từ năm 2001 đến 2012, toàn tỉnh bị cháy rừng 453 vụ, với hơn 1.186ha... Năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 1.841 vụ (giảm 245 vụ với 11,7% so 2013); tịch thu hơn 2.006m 3 gỗ các loại; giá trị lâm sản ngoài gỗ hơn 254 triệu đồng và 245kg thịt động vật rừng các loại. Trong 4 tháng 2015, toàn tỉnh phát hiện 601 vụ; trong đó, khai thác rừng trái phép 129 vụ (21,4%), phá rừng trái phép 158 vụ (26,3%) với 74,01ha. Đặc biệt, so cùng kỳ năm 2014, rừng bị phá trái phép tăng 39 vụ, diện tích tăng 26,89ha. Về cháy rừng, so cùng kỳ mùa khô 2013-2014, tuy số vụ cháy và diện tích giảm 7 vụ với 50,92ha nhưng số vụ cháy rừng trồng, rừng tự nhiên tăng cả về số vụ và diện tích (cháy rừng trồng tăng 3 vụ với 12,34ha; cháy rừng tự nhiên tăng 4 vụ với 0,22ha).
 
Cả cộng đồng tích cực bảo tồn
 
Công tác quản lý bảo tồn tài nguyên ĐDSH, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên đang gặp nhiều khó khăn trong cả nước. Đó là cơ chế, chính sách, luật pháp về quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập; năng lực bảo tồn còn hạn chế; nhận thức chưa đầy đủ về các giá trị của ĐDSH. Mục tiêu của hành động ĐDSH là: Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH; Khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa khác đối với ĐDSH. 
 
Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách là: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH; Khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên ĐDSH, Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH. Theo đó, trước hết là nhóm giải pháp tăng cường nâng cao năng lực và  hiệu lực quản lý nhà nước. Quyết định 2249, ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ sở pháp lý để nhanh chóng triển khai thực hiện hành động về ĐDSH từ nay đến năm 2020. Quyết định này đã phê duyệt 10 dự án trọng tâm cần ưu tiên thực hiện, và giao 3 Sở: TN&MT, NN&PTNT, TTTT chủ trì. Đó là: Xây dựng vành đai an toàn cho các hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ đặc biệt; Xây dựng vườn giống một số loài đặc hữu quý hiếm; Hiện trạng và mức độ nguy hại của các loài ngoại lai xâm hại; Quy hoạch bảo tồn ĐDSH; Quy chế bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên ĐDSH; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng để bảo vệ ĐDSH... Thực hiện Dự án Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng từ nay đến 2020, Sở TN&MT cho biết mục tiêu là: Đánh giá chính xác hiện trạng ĐDSH; Phát hiện các nguy cơ gây suy giảm ĐDSH; Hoàn thành quy hoạch bảo tồn ĐDSH phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh; Nâng độ che phủ rừng, hạn chế các vụ xâm hại đến rừng...
 
Rừng tự nhiên bị đốt cháy và phá trái phép đã tác động rất lớn đến đa dạng sinh học
Rừng tự nhiên bị đốt cháy và phá trái phép đã tác động rất lớn đến đa dạng sinh học
 
Phát huy hợp tác quốc tế 
 
Trong tháng 5, chuyên gia quốc tế và trong nước tiếp tục khảo sát tại 2 huyện Bảo Lâm, Đơn Dương trong khuôn khổ Dự án cung cấp các lợi ích môi trường và xã hội từ REDD+ ở Đông Nam Á. Dự án này hỗ trợ Lâm Đồng thử nghiệm đề án theo dõi diễn biến rừng có sự tham gia, trong đó chương trình giám sát ĐDSH có sự tham gia (PBM) là một trong những hợp phần. Mục tiêu chính của PBM là cung cấp các thông tin, tư liệu cần thiết về xu thế và tình trạng của ĐDSH để các đơn vị chủ rừng xây dựng các biện pháp quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH phù hợp với mục tiêu quản lý của khu rừng. Đồng thời, giúp các nhà hoạch định chính sách cấp tỉnh và quốc gia đánh giá, điều chỉnh hoặc xây dựng các chính sách mới phù hợp hơn để đạt được mục tiêu bảo tồn ĐDSH. PBM cũng giúp xác định những biến đổi về ĐDSH do các hoạt động của REDD+ gây ra để có giải pháp giảm nhẹ rủi ro và tăng cường các lợi ích cho ĐDSH của REDD+. 
 
Điểm mới so với phương pháp điều tra giám sát của địa phương là Dự án tính đến 3 chỉ số giám sát ĐDSH: Số loài và thành phần các loài thực vật quan trọng của khu rừng; Mật độ trung bình các loài thực vật quan trọng; Số loài và thành phần các loài động vật quan trọng (cá thể/km). Các đơn vị, cơ quan liên quan ở Lâm Đồng đều khẳng định tính thiết thực của PBM; đồng thời, nhiều ý kiến từ các thành viên tham gia PBM trao đổi. Theo ThS Lương Văn Dũng - Phó Chủ nhiệm khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt: “Các thành viên tổ giám sát có thể nhận biết các loài gỗ trưởng thành tốt nhưng rất khó cho họ khi nhận diện các cây non và cây tái sinh. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có tài liệu hướng dẫn nhận diện, do đó cần biên soạn tài liệu”. Đại diện Chi cục Kiểm lâm đề nghị Dự án mở rộng thêm đến các đơn vị chủ rừng khác của Lâm Đồng... Kết quả bước đầu đã xác định được trong vùng dự án có 13 yếu tố, nhóm yếu tố sinh thái là chỉ thị ĐDSH cần thu thập số liệu trực tiếp trên hiện trường. Theo đó, có 14 loài động vật quan trọng giám sát và 22 loài thực vật quan trọng.      
      
Theo Phó Chủ tịch Phạm S, để “hành động ĐDSH” đạt kết quả, cần gắn với Chương trình Tây Nguyên 3; tiếp cận thành tựu các đề tài khoa học; quan tâm đến sự tham gia của cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế; phát triển giá trị kinh tế một số loài đặc hữu thông qua phối hợp giữa khoa học và doanh nghiệp và vấn đề chia sẻ lợi ích các bên... Cần phát huy sử dụng kinh phí thu được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để góp phần bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh cũng là một tác động tích cực đối với công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng. Đồng bộ nhiều giải pháp, đồng bộ nhiều ngành, nhiều cấp và cộng đồng trong hành động mới bảo tồn được cả 3 cấp độ của ĐDSH: hệ sinh thái, loài và nguồn gen. Đó cũng là hướng đến chủ đề của ngày Quốc tế ĐDSH năm 2015: “ĐDSH cho phát triển bền vững”.
 
MINH ĐẠO