Lâm Đồng đã coi khoa học và công nghệ là động lực cho phát triển và phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường

08:05, 27/05/2015

Ghi nhận lớn nhất qua đợt công tác ở Lâm Đồng về nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế tại địa phương là đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng đối với phát triển KH&CN, coi KH&CN là động lực góp phần hết sức quan trọng cho phát triển và phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nghĩa là phát triển một cách bền vững. 

PV: Thưa ông, sau mấy ngày khảo sát và làm việc tại Lâm Đồng, cá nhân ông có những nhận xét gì về lĩnh vực khoa học công nghệ (KH&CN) ở địa phương? 

Ông Phan Xuân Dũng: Chúng tôi rất vui mừng lại được về với thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, được chứng kiến nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận của địa phương, tăng trưởng thời gian qua của tỉnh (GRDP) tới 14%, trong đó, nông lâm thủy sản tăng 7,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 20,8%... Một kết quả rất ấn tượng đối với chúng tôi là sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Để làm được việc đó, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực bậc cao đến với địa phương, thu hút được nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia không chỉ từ khu vực nhà nước mà còn có các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia; thu hút được cán bộ KH&CN từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu trên thế giới. Cũng chính vì vậy, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng nông sản của Lâm Đồng đã khẳng định vị thế của mình. Kết quả đó không thể tách rời mà đã có sự gắn bó mật thiết giữa KH&CN với sản xuất và kinh doanh với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Và trên thực tế, KH&CN trên địa bàn Đà Lạt, địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều tiến bộ. Theo đó, thị trường KH&CN đang phát triển, và đây là một thị trường lớn cần quan tâm phát huy hơn nữa. 
 
PV: Thưa ông, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết, năm 2015, lĩnh vực KH&CN được chi 22 tỉ đồng, chỉ đạt hơn 1%  từ ngân sách của tỉnh. Còn theo ý kiến của một lãnh đạo tỉnh, theo quy định của Luật KH&CN thì từ ngân sách Nhà nước được chi 2% (trong tổng thu ngân sách địa phương). Đối với tỉnh Lâm Đồng rất khó thực hiện. Họ cho rằng, chúng ta chưa tạo được hành lang pháp lý để các nhà khoa học, các doanh nghiệp sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách, chính sách thu hút các nhà khoa học còn hạn chế. Là Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, ông có quan điểm thế nào?
 
Ông Phan Xuân Dũng: Theo tôi, cần xem lại cách tính tổng mức đầu tư cho lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tổng số kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này không chỉ tính riêng từ ngân sách địa phương mà cần tính đến mức đầu tư của Trung ương; của các địa phương khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lên địa bàn của tỉnh Lâm Đồng, lên vùng trồng rau và hoa Đà Lạt bằng các chương trình cùng nghiên cứu, cùng triển khai. Không chỉ từ các địa phương khác mà ngay từ các trường học, các cơ sở khoa học nghiên cứu, các chương trình mục tiêu cũng đã đầu tư tại địa bàn giàu tiềm năng này. Bên cạnh sự đầu tư nghiên cứu và triển khai từ các doanh nghiệp trong nước còn có sự đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đối với tỉnh Lâm Đồng. Lâm Đồng có hơn 50 cơ sở ươm giống là kết quả rất đáng ghi nhận và phát huy. Vì vậy, tính tổng mức đầu tư cho KH&CN đối với Lâm Đồng trong thực tế sẽ là con số lớn hơn nhiều lần, chứ không phải chỉ là 0,67% ngân sách như báo cáo. Nói cách khác, để tạo nên sức bật tăng trưởng 14%/năm đâu chỉ là số tiền từ ngân sách mà còn từ rất nhiều nguồn khác. Điều đó, tôi muốn khẳng định KH&CN trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào cuộc sống. Vấn đề môi trường cũng theo hướng này đã được đầu tư không ít. Rõ ràng, bức tranh tổng thể về đầu tư đối với KH&CN và bảo vệ môi trường cần phải tính toán đầy đủ và rõ nét hơn. Từ  đây tôi cũng đề nghị địa phương khi đầu tư từ ngân sách cho KH&CN cần theo cơ chế đặt hàng đề tài KH&CN đối với các trường, các viện nghiên cứu, các nhà KH&CN…; lồng ghép các dự án, các đề tài của địa phương với các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai của các cơ quan và tổ chức trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước để tạo thành sức mạnh, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết của địa phương. 
 
PV: Trong thời gian công tác ở Lâm Đồng, ông và đoàn vừa nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan, vừa trực tiếp tham quan, khảo sát dự án bô xít nhôm ở Bảo Lâm. Ông đánh giá về dự án này như thế nào? 
 
Ông Phan Xuân Dũng: Qua thời gian làm việc với các cơ quan đối với dự án bô xít nhôm tại tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi cũng rõ thêm một số vấn đề mà lâu nay dư luận quan tâm như số lượng lao động người nước ngoài, về công nghệ được sử dụng, về bảo vệ môi trường. Theo báo cáo, dự án bô xít nhôm tại Lâm Đồng hiện chỉ có 130 người nước ngoài, vấn đề an ninh trật tự, quản lý hộ khẩu, nhân khẩu của các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện chặt chẽ và đúng pháp luật. Về vấn đề môi trường của dự án này, trong đó có thông tin phản ánh thời gian qua chưa đầy đủ về hồ bùn đỏ. Tôi nghĩ các cấp, cách ngành theo chức năng của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương để thông tin chính thức và kịp thời hơn để tạo dư luận chính xác trên báo chí, qua đó người dân nắm được thông tin chính thống, chính xác, tạo sự đồng thuận.
 
Một vấn đề nữa, thực hiện dự án bô xít nhôm tại Lâm Đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; có tầm nhìn chiến lược nhằm khơi dậy, phát triển cả một vùng. Việc đánh giá hiệu quả dự án phải đánh giá hiệu quả phát triển tổng hợp. Trong quá trình triển khai có những những vấn đề phát sinh, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật như vấn đề bảo đảm an toàn trong thi công, sản xuất; vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự xã hội tại địa bàn… Bất cứ công việc gì, bên cạnh thuận lợi, cũng có những khó khăn; vấn đề là cung cấp thông tin, lựa chọn phương án giải quyết như thế nào cho phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân, có như vậy mới là thành công.
 
PV: Tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất với Trung ương cần có một cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Lạt như huyện đảo Phú Quốc. Xin ông có thể cho biết rõ ý kiến của mình về cách đặt vấn đề này của tỉnh?   
 
Ông Phan Xuân Dũng: Về vấn đề này, trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội sẽ xem xét và thông qua dự án Luật Chính quyền địa phương, trong đó sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương có mô hình tổ chức phù hợp. Do đó, vai trò của KH&CN của địa phương cần bám sát vấn đề này để nghiên cứu, đề xuất các nội dung đề án phù hợp, loại bỏ những gì không phù hợp, tham gia ý kiến với Quốc hội.   
 
PV: Ông kỳ vọng gì về Lâm Đồng trong thời gian tới?
 
Ông Phan Xuân Dũng: Ghi nhận lớn nhất qua đợt công tác ở Lâm Đồng về nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế tại địa phương là đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng đối với phát triển KH&CN, coi KH&CN là động lực góp phần hết sức quan trọng cho phát triển và phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nghĩa là phát triển một cách bền vững. Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không chỉ là trung tâm hoa, trung tâm rau, trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…, mà tiến tới trở thành là trung tâm khoa học nông nghiệp, nơi thích hợp để tổ chức các diễn đàn khoa học, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc. Lâm Đồng đã làm được những việc đáng khích lệ và cần phát huy trong những năm tới. Tôi tin rằng, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ có những chuyển biến lớn, Đà Lạt xứng đáng là thành phố hoa, thành phố phát triển bền vững, sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến Đà Lạt, là điểm đến của các nhà khoa học, điểm đến của các du khách trong và ngoài nước. Tôi tin rằng điều này sẽ thành sự thực.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
 
MINH ĐẠO (thực hiện)