Hiệu quả từ hợp tác quốc tế

09:06, 01/06/2015

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là Vườn) có diện tích tự nhiên 70.038ha, trong đó 91% là rừng. Địa hình và nền khí hậu đã tạo nên tài nguyên sinh vật ở Vườn có số lượng quần thể các loài rất cao; nhiều loài thực vật, động vật đặc hữu được giới khoa học quan tâm. 

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (gọi tắt là Vườn) có diện tích tự nhiên 70.038ha, trong đó 91% là rừng. Địa hình và nền khí hậu đã tạo nên tài nguyên sinh vật ở Vườn có số lượng quần thể các loài rất cao; nhiều loài thực vật, động vật đặc hữu được giới khoa học quan tâm. Lâm phần của Vườn là một mẫu chuẩn sinh thái quốc gia đặc trưng cho vùng cao nguyên, trở thành một trong số ít các khu rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam. Năm 2004, tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, hợp tác quốc tế là 1 trong 9 chương trình hoạt động của Vườn.
 
Cải thiện sinh kế, nâng cao năng lực cho người dân
 
Ngay từ đầu, Vườn chủ động và tích cực tiếp cận theo hướng góp phần cải thiện sinh kế; quản lý hợp tác trên địa bàn vùng lõi và vùng đệm thông qua các chương trình dự án; đồng thời nghiên cứu về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và sử dụng rừng bền vững cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ. Vườn đề xuất và thực hiện nhiều dự án từ những nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cộng đồng chung châu Âu (EU), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). 
 
Bà Patricia Short - Chủ tịch Hiệp hội trà thế giới nghiên cứu tại Vườn Biduop - Núi Bà
Bà Patricia Short - Chủ tịch Hiệp hội trà thế giới nghiên cứu tại Vườn Biduop - Núi Bà

Trong hơn 10 năm, Vườn triển khai hàng chục dự án, được đánh giá là một trong những Vườn quốc gia có hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới thuộc Vườn - ông Tôn Thất Minh cho biết: “Làm thế nào để tổng hòa các mối quan hệ giữa vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và giảm nghèo cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng”. Dự án “Thí điểm Phương pháp quản lý rừng đa mục đích tỉnh Lâm Đồng” do Quỹ ủy thác ngành Lâm nghiệp (TFF) tài trợ, với sự tham gia của 6 đơn vị chủ rừng, nhằm tối đa hóa sự đóng góp của 3 loại rừng vào việc xóa đói, giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ môi trường; đồng thời cải thiện công tác quản lý rừng có giá trị bảo tồn cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, tổ chức JICA và Ban quản lý Vườn thực hiện, với mục tiêu nâng cao năng lực để có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn thu cho cộng đồng nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng. Dự án có 3 hợp phần chính là quản lý hợp tác, cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Kết quả, đã xây dựng và thực thi Quy ước thôn về quản lý tài nguyên thiên nhiên góp phần ngăn chặn sự xâm canh vào rừng; các cơ chế chia sẻ lợi ích; quỹ phân bón quay vòng… Hàng ngàn lượt nông dân được trang bị các kỹ năng cần thiết trong sản xuất và thâm canh cây cà phê nên năng suất tăng trung bình 10%. Dự án cũng tạo liên kết với 17 công ty lữ hành và hàng chục trường học; thành lập các nhóm du lịch cộng đồng ở thị trấn Lạc Dương, xã Đạ Nhim nhằm phát triển và bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa và phục vụ du khách. Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường của Vườn - ông Nguyễn Lương Minh cho biết: Lượng khách đến tham quan năm 2013 so 2012 tăng gần 95%; năm 2014 so năm 2013 tăng gần 31% với 6.800 lượt và 5 tháng đầu năm 2015 đã có 3.300 lượt. Trong đó, khách quốc tế khoảng 30%; học sinh, sinh viên khoảng 50%; 90% du khách đã hài lòng với các dịch vụ Vườn cung cấp. 
 
Còn kể đến các dự án khác như: “Chương trình bảo tồn rừng” (Dự án FPP) do Nhật Bản viện trợ; Dự án “Nâng cao năng lực Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà” do Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ; dự án “Phát triển Lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” (FLITCH); Dự án “Thí điểm hành lang đa dạng sinh học Lâm Đồng” do ADB tài trợ. Dự án “Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn ở Việt Nam” (Dự án PA), do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trong 5 năm từ 2011 - 2015. Đề án mở ra hướng đi mới cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhằm tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách Nhà nước…
 
Kết quả nghiên cứu khoa học và tính đa dạng sinh học 
 
Chương trình hợp tác với Đại học (ĐH) Columbia (Mỹ) nghiên cứu biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu vòng năm cây rừng được triển khai từ 2009. Chương trình nghiên cứu di truyền họ công, trĩ với ĐH Wisconsin - Madison (Mỹ) với mục tiêu tìm hiểu cấu trúc hệ gene loài gà rừng vùng Bidoup - Núi Bà nhằm tìm ra gene kháng bệnh cúm gia cầm. Đó còn là “Nghiên cứu sinh lý, sinh thái loài thông hai lá dẹt và các loài cây lá kim” với ĐH Tennessee (Mỹ) và ĐH Tasmania (Úc); Nghiên cứu thực vật bậc cao có mạch cùng với Bảo tàng Paris (Pháp); Khảo sát kinh tế xã hội và cuộc sống của người dân vùng đệm với ĐH Laval (Canada); Nghiên cứu tổng thể tài nguyên rừng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với Trung tâm nhiệt đới Việt Nga… Riêng đa dạng sinh học, Vườn đã bổ sung được số lượng rất lớn: hiện có 1.945 loài thực vật có mạch (bằng 1/6 loài ở Việt Nam), tăng 470 loài so với khi chưa thành lập Vườn; 301 loài chim (bằng 1/3 loài ở Việt Nam), tăng khoảng 100 loài so với chưa thành lập… 
 
Khi tôi có mặt tại Vườn, Giám đốc Vườn Lê Văn Hương cùng cộng sự đang gấp rút định vị lần cuối để xây dựng vườn thực vật tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ Festival hoa Đà Lạt 2015. Đây là vườn thực vật được ký Biên bản ghi nhớ với Quỹ các Vườn thực vật hoàng gia Úc và Viện Bảo tồn thực vật quốc gia Brest (Pháp). Vườn tích hợp các mục tiêu bảo tồn ngoại vi, nghiên cứu khoa học, diễn giải môi trường và du lịch. Giám đốc Trung tâm Tôn Thất Minh cho biết: Giai đoạn 1 vườn thực vật có diện tích 5ha, trồng khoảng 1.000 loài, bao gồm các loài đặc hữu, các loài quý hiếm của địa phương và nhập từ các nước. 
 
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong hợp tác quốc tế, Giám đốc Lê Văn Hương cho biết: Phải chứng tỏ được năng lực, minh bạch và hiệu quả thực sự. Ông Hương nói: “Trong điều kiện nguồn đầu tư cho bảo tồn hạn chế; đời sống người dân còn khó khăn, họ phụ thuộc vào rừng, do đó thông qua các dự án để cải thiện đời sống cho người dân, khi họ ít phụ thuộc vào rừng thì việc bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn mới thực hiện được, cả nội vi và ngoại vi. Mặt khác, Vườn Biduop - Núi Bà mới thành lập, năng lực đội ngũ làm công tác bảo tồn còn yếu, trong lúc kinh phí đầu tư cho khoa học còn hạn chế, hợp tác là hết sức cần thiết. Thành quả của hợp tác là cơ sở khoa học để Vườn xây dựng các chiến lược dự án, chương trình liên quan đến bảo tồn”. 
 
Hoạt động hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà đã từng bước chứng tỏ tầm quan trọng vị thế của Vườn trên bước đường hội nhập. Cùng đó, góp phần lớn trong bảo tồn phát triển bền vững và phục vụ kinh tế - xã hội địa phương trên nhiều mặt.
 
MINH ĐẠO