Tích cực triển khai REDD+ tại cơ sở

09:09, 30/09/2015

Chương trình REDD+ đã tiến hành triển khai tại một số cơ sở (kế hoạch REDD+ cấp cơ sở, viết tắt Si-RAP) với phạm vi rộng hơn so với giai đoạn I. Bao gồm các địa bàn thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; thôn Preteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà; xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương; xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm; Ban QLRPH Sêrêpôk, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai…

Chương trình REDD+ đã tiến hành triển khai tại một số cơ sở (kế hoạch REDD+ cấp cơ sở, viết tắt Si-RAP) với phạm vi rộng hơn so với giai đoạn I. Bao gồm các địa bàn thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; thôn Preteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà; xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương; xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm; Ban QLRPH Sêrêpôk, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai…
 
Cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm kiểm tra rừng nhận khoán
Cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm kiểm tra rừng nhận khoán
Yêu cầu của hoạt động REDD+ cấp cơ sở là công khai, minh bạch và có sự tham gia trong việc đạt được thỏa thuận với các bên liên quan, trong đó người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương là thành phần quan trọng và trực tiếp tham gia. Ngoài tính đồng thuận, nguyên tắc xây dựng Si-RAP phải là tự nguyện, được thông tin trước, đầy đủ và phù hợp với mong muốn chung của mọi người. Theo đó, triển khai hoạt động REDD+ là lồng ghép các hoạt động về giới, đặc biệt là vai trò của phụ nữ, người dân tộc thiểu số. 
 
Bước đầu cho thấy, tại thôn Kala Tơngu và thôn Preteing 2 đã ký kết kế hoạch REDD+ cấp thôn với tổng số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng/thôn gồm 3 hoạt động chính. Đó là: Tiếp tục duy trì việc bảo vệ và nâng cao chất lượng diện tích rừng được đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận giao khoán cho người dân trong thôn; Thay đổi diện mạo thôn bản hướng đến thôn bản sạch, đẹp và môi trường xanh khi gắn kết hoạt động trồng cây rừng phân tán dọc hai bên tuyến đường giao thông liên thôn nhằm tăng độ che phủ cây rừng tại thôn bản; Chia sẻ lợi ích cho cộng đồng thôn khi triển khai hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng, để giảm áp lực lên rừng. 
 
Cùng đó, Ban quản lý chương trình tổ chức tập huấn sử dụng quỹ hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, người dân tại thôn Kala Tơngu và thôn Preteing 2 và đã chuyển 340 triệu đồng cho các hộ dân sinh sống gần rừng và phụ thuộc vào rừng nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Người dân thôn Preteing 2 còn được tập huấn PCCCR. Các hộ dân thôn Kala Tơngu được tập huấn kỹ thuật trồng cây phân tán và nhận 200 cây sao đen, 200 dầu rái để trồng. 
 
Tại 2 xã Đa Nhim và Lộc Phú, đã ký kết kế hoạch REDD+ cấp xã với tổng số tiền hỗ trợ 50.000USD mỗi xã. Ban lập kế hoạch cấp xã tại 2 địa phương này đã được tập huấn nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực để đánh giá được hiện trạng rừng trên địa bàn, hiểu được mối quan hệ giữa Rừng - Con người và Biến đổi khí hậu, vai trò và giá trị của rừng đối với cuộc sống con người là vô cùng to lớn. Từ 2 Ban này, người dân các thôn đã được tham vấn về các nguyên nhân mất rừng, suy thoái rừng. Đó là: Ý thức quản lý bảo vệ rừng kém; Thiếu phương tiện hỗ trợ hoạt động quản lý bảo vệ rừng; Công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao; Sản xuất thuần nông chưa phát triển ngành nghề khác; Thiếu nguồn vốn phục vụ sản xuất và độc canh cây cà phê. Để khắc phục các hoạt động hỗ trợ ưu tiên bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân trong công tác bảo vệ rừng; Hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ rừng; Trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp; Lập quỹ hỗ trợ phát triển sinh kế. Tại các địa phương Đam Rông, Lạc Dương và Đạ Huoai, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng đã phối hợp với Ban QLRPH Sêrêpôk và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai thống nhất thành lập Tổ lập kế hoạch làm cơ sở để quản lý và triển khai việc lập kế hoạch REDD+ cấp chủ rừng. Theo đó, 13 cuộc họp tham vấn với sự tham gia của đại diện Tổ lập kế hoạch, đại diện người dân các xã, tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã thuộc Ban QLRPH Sêrêpôk và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai.
 
Từ thực tiễn triển khai, chúng tôi đã ghi nhận được những kết quả tích cực bước đầu và những hạn chế và tồn tại, cùng những kiến nghị của cộng đồng.
 
MINH ĐẠO