Quản trị rừng đặc dụng bằng chia sẻ lợi ích đa dạng sinh học

09:09, 23/09/2015

Nói rừng đặc dụng (RĐD) nghĩa là không phải đóng cửa tuyệt đối mà bao gồm nhiều chức năng như bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), phòng hộ, khai thác… Chia sẻ lợi ích từ rừng một cách hiệu quả và công bằng được xem là mấu chốt thúc đẩy sự tham gia của các bên trong quản lý và bảo vệ RĐD. 

Nói rừng đặc dụng (RĐD) nghĩa là không phải đóng cửa tuyệt đối mà bao gồm nhiều chức năng như bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), phòng hộ, khai thác… Chia sẻ lợi ích từ rừng một cách hiệu quả và công bằng được xem là mấu chốt thúc đẩy sự tham gia của các bên trong quản lý và bảo vệ RĐD. 
 
Phải trao quyền chủ động cho người dân tham gia giám sát và khai thác
Phải trao quyền chủ động cho người dân tham gia giám sát và khai thác
 
Những hiệu quả bước đầu 
 
Năm 2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg nhằm thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững RĐD tại 3 vườn quốc gia (VQG). Ở Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 82 nghìn ha RĐD, phân bố tại 4 địa bàn: Cát Tiên (21.282ha), Bảo Lâm (5.340ha), Lạc Dương (54.367ha) và Đam Rông (1.022ha). Trong đó, RĐD thuộc VQG có Biduop - Núi Bà huyện Lạc Dương và một phần thuộc Nam Cát Tiên tại huyện Cát Tiên. VQG Biduop - Núi Bà ngoài vùng lõi, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang rộng tới 275.439ha với vùng đệm và vùng chuyển tiếp thuộc Đà Lạt, các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng và Đơn Dương. 
 
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Thế giới (CIFOR), một cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản trị rừng cần được thiết kế nhằm 3 nội dung chính (còn gọi là nguyên tắc 3E): 1. Tối đa hóa tính công bằng (Equity) giữa các bên có liên quan đối với tài nguyên rừng; 2. Cải thiện hiệu quả (Effectiveness) của quản lý rừng; 3. Nâng cao hiệu suất (Efficiency) của các chương trình quốc gia và địa phương thông qua giảm các chi phí giao dịch và chi phí thực hiện. 
 
Lâm Đồng tuy chưa triển khai Quyết định 126 nhưng thực tế đã thực hiện những nội dung mà CIROR nêu lên tại RĐD. Trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Lê Văn Minh cho biết, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Dự án quản lý sử dụng rừng đa mục đích tại Vườn Biduop - Núi Bà do Vườn làm chủ dự án. Bước đầu, Vườn đã thực hiện một số nội dung như chia sẻ lợi ích đối với đồng bào sống xung quanh bằng hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tham gia; quy hoạch và trồng cây dược liệu; những quy định cụ thể về danh lục lâm sản ngoài gỗ (LSNG) cho phép khai thác; chi trả khoán quản lý bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng… Tuy nhiên, theo ông Minh: Còn khó khăn trong triển khai vì khó kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp.   
 
Từ năm 2013, Vườn Biduop - Núi Bà đã có 236 hộ dân đăng ký tham gia phương án chia sẻ lợi ích, được tập huấn thu hái bền vững LSNG và được phân vùng quản lý, khai thác dưới sự giám sát của hội đồng quản lý bảo vệ rừng. Trong 7 loại LSNG được Bộ NN-PTNT phê duyệt, đã có 5 loại người dân khai thác để bán ra thị trường hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bao gồm: mây, mật ong, nấm linh chi, măng và ốc núi. Trong đó, mây và mật ong có trữ lượng khai thác lớn, mang lại thu nhập cao cho người dân. Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn Biduop - Núi Bà cho biết: “Hướng đi của VQG là bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”. Một trong những dự án có tác động sâu rộng đến người dân là “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng cho VQG Bidoup - Núi Bà” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, tổ chức JICA và Ban quản lý VQG thực hiện. Mục tiêu của dự án này nhằm nâng cao năng lực để có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn thu cho cộng đồng nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng. Theo đó, 3 hợp phần chính xuyên suốt là: quản lý hợp tác; cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Thời gian qua, đã có hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang và chính họ đã góp phần bảo vệ, duy trì các giá trị của hệ sinh thái.
 
Với VQG Nam Cát Tiên, thuộc địa bàn xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên. Anh Ngô Giang Trường - kiểm lâm địa bàn xã này cho biết, tổng diện tích rừng VQG Nam Cát Tiên được giao cho 100% người dân tộc tại chỗ với 362 hộ được nhận khoán quản lý bảo vệ 6.100ha, đã nhận số tiền được chi trả trong 5 năm qua gần 6 tỉ đồng từ chương trình này.
 
Hiện thực hóa Quyết định 126 
 
Làm thế nào để việc chia sẻ các tài nguyên lâm sản từ rừng, vừa góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương, đảm bảo các giá trị ĐDSH trong RĐD được bảo tồn và phát triển bền vững; đồng thời ngăn chặn và kiểm soát tốt các hoạt động làm mất rừng và suy thoái rừng đạt hiệu quả cao nhất? Trước hết, việc khai thác lâm sản mang tính chất bền vững, duy trì và phát triển được tài nguyên rừng đòi hỏi có những biện pháp kỹ thuật hữu hiệu, phù hợp với các điều kiện sinh học, sinh thái của các loài động thực vật trong tự nhiên. Cả 3 cấp độ của ĐDSH là hệ sinh thái, loài và nguồn gen cần được chú ý đánh giá đầy đủ trước khi tiến hành khai thác. Vốn tri thức dân gian của người bản địa cần được nghiên cứu khoa học để phát huy mặt tích cực và có giải pháp ngăn chặn những hạn chế. Trên cơ sở này, cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền lượng hóa bằng những văn bản luật và dưới luật để thực thi nghiêm túc theo luật pháp Việt Nam và được quốc tế công nhận.
 
Đồng thời việc khai thác tài nguyên bền vững, vấn đề quản lý, giám sát khai thác sử dụng LSNG của ngành chức năng, chủ rừng, địa phương rất quan trọng. Thực tế, việc khai thác LSNG diễn ra nhỏ lẻ, manh mún; rải rác trên phạm vi rừng rộng; không tập trung một thời điểm nhất định và đối tượng khai thác từ nhiều địa bàn thôn buôn khác nhau. Điều này đòi hỏi cần cơ chế quản lý, giám sát có tính hệ thống và đồng bộ giữa nhiều ngành liên quan và giữa nhiều địa phương. Và cũng như việc quản lý và phát triển rừng nói chung, hoạt động này phải tránh được tình trạng hành chính hóa thì mới đạt được những hiệu quả như mong muốn. 
 
Và hơn hết, phải thực sự đưa người dân sống trong và quanh RĐD trở thành chủ nhân có trách nhiệm, có kỹ năng trong tham gia bảo tồn ĐDSH thì mới bền vững. Họ cần một cơ chế công bằng trong chia sẻ quyền lợi, họ được tham gia chủ động trong giám sát và trong khai thác. Những lợi ích người dân được thụ hưởng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng hay nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng có tác dụng tích cực đối với sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng nhưng không thể thay thế, bù đắp được hoàn toàn nhu cầu về lâm sản. Để đáp ứng đồng thời 2 mục tiêu là bảo tồn ĐDSH và sinh kế cho người dân, nhiều vấn đề cần triển khai như quy hoạch sử dụng rừng, tổ chức phối hợp và thúc đẩy sự tham gia của người dân với các lực lượng chức năng, nghiên cứu và thực hành các biện pháp kỹ thuật cho khai thác lâm sản bền vững là những ưu tiên gắn liền với cơ chế chia sẻ lợi ích ở mỗi khu RĐD. Chia sẻ lợi ích ĐDSH trong RĐD không thể tách rời mô hình đồng quản lý rừng, trong đó quyền lợi và trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng được chia sẻ, phân công, phối hợp một cách hài hòa giữa các bên liên quan.
 
MINH ĐẠO