Từ truyền thông đến thực tiễn

08:10, 05/10/2015

Như đã phản ánh ở các số báo trước, Chương trình UN-REDD giai đoạn II đã triển khai thực hiện ở tỉnh Lâm Đồng chính thức từ tháng 7/2013 trên diện rộng. Bước đầu có những chuyển biến ở các địa phương thực hiện, tuy nhiên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành liên quan thì hiệu quả mới đạt được như mục đích đặt ra. 

Như đã phản ánh ở các số báo trước, Chương trình UN-REDD giai đoạn II đã triển khai thực hiện ở tỉnh Lâm Đồng chính thức từ tháng 7/2013 trên diện rộng. Bước đầu có những chuyển biến ở các địa phương thực hiện, tuy nhiên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành liên quan thì hiệu quả mới đạt được như mục đích đặt ra. 
 
Khảo sát các hộ dân xã B’Lá, huyện Bảo Lâm về quản lý và bảo vệ rừng
Khảo sát các hộ dân xã B’Lá, huyện Bảo Lâm về quản lý và bảo vệ rừng
 
Tăng cường hoạt động truyền thông 
 
Để cộng đồng liên quan ở cơ sở thí điểm nhận thức đầy đủ về REDD+, từ đó tham gia hiệu quả vào các hoạt động của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Ban quản lý chương trình (BQLCT) UN-REDD tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông. Trước hết là xây dựng bộ khung cán bộ truyền thông về REDD+ cấp tỉnh với 9 thành viên, bao gồm cán bộ các cơ quan, đơn vị: Hội phụ nữ tỉnh, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh truyền hình. Các thành viên được BQLCT UN-REDD Việt Nam tổ chức tập huấn tăng cường năng lực truyền thông về REDD+, biến đổi khí hậu, quản lý và bảo vệ rừng tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Sau tập huấn, các lớp tập huấn được tổ chức tại các cơ sở Lâm Đồng, gồm 86 người, (14 nữ và 73 nam). Bước đầu, khoảng 70% người tham dự nắm cơ bản về kiến thức REDD+ , biến đổi khí hậu nhờ có phương pháp phù hợp và sinh động. 
 
Cùng đó, Chương trình UN-REDD Lâm Đồng tổ chức hội thảo tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác QL&BVR cho các xã thực hiện Si-RAP thuộc Ban QLRPH Sêrêpôk, Công ty TNHH MTV LN Đạ Huoai. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ chuyên môn cấp huyện, ban QLR, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng của 6 xã Liên Srônh, Đạ Long, Đạ Tông, Rô Men, Đạ Rral, Đạ Mrông. Người tham dự được thảo luận nhóm để trao đổi những nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, các giải pháp cụ thể để hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. BQLCT UN-REDD Lâm Đồng còn phối hợp với Tổ chức Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) triển khai nghiên cứu khả thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Di Linh. Mục tiêu nghiên cứu là xác định tư cách pháp nhân, nguyện vọng, sự quyết tâm, năng lực và những khoảng trống của Công ty trong việc đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc tế. 
 
Ý kiến của những người trong cuộc
 
Có mặt tại Di Linh, ông K’Brẹo - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Kala tơngu cho chúng tôi biết: Thôn có 201 hộ, trong đó 196 hộ dân tộc K’Ho và họ ý thức được rừng là môi trường sống của mình. Từ tháng 7/2004, UN-REDD đã tuyên truyền cho bà con nhận thức rõ lợi ích của rừng, hộ nghèo được hỗ trợ áo mưa, thuốc phòng sốt rét; thôn được hỗ trợ cây để trồng phân tán. Trong số 500 ha nhà nước giao cho cộng đồng, bà con đã trồng 2 ha rừng nghèo, 1 ha dây mây,… Từ ngày nhận rừng bảo vệ, bà con đồng tình vì đưa lại nhiều lợi ích như được trả tiền, giữ gìn khí hậu... Ông K’Brẹo đề nghị Chương trình hỗ trợ thêm vốn (hiện chỉ 10 triệu đồng/hộ) để bà con sản xuất tăng thêm thu nhập, ít tác động vào rừng. Để bảo đảm cuộc sống cho bà con, bên quản lý rừng cộng đồng cần có áo mưa; khi túc trực ở lại rừng cần được cấp mùng, ủng, bảo hộ lao động, thuốc phòng sốt rét. “Giữa ranh giới tiểu khu 664-763 cận kề với công ty, nơi đó rừng đã lớn, họ đốt cỏ dễ lan cháy sang rừng của cộng đồng, bà con chúng tôi kiến nghị hỗ trợ dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng”, ông K’Brẹo nói. 
 
Tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Phú, thành viên tham gia Ban lập kế hoạch REDD+ cấp xã cung cấp: Xã có 903 hộ thuộc 6/6 thôn, khoảng 100 hộ được nhận khoán (gồm 3 thôn có rừng: 4, 5, 6 và một số hộ thuộc thôn 3 không có rừng), trong đó 30% là đồng bào dân tộc Châu Mạ. Số hội viên phụ nữ trong xã có 50% Châu Mạ. Chị Thanh Huyền đã tham gia tập huấn tuyên truyền những kiến thức về quỹ sinh lợi, về biến đổi khí hậu…để từ đó về xã lồng ghép với hoạt động phụ nữ, tham vấn cho chị em trồng cây gì để có tán rộng, giữ được đất, ví dụ cây muồng xen cây cà phê. Sau tham vấn đã có hơn 500 hộ dân trong xã đăng ký cây trồng. Chị nói: “Ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong dân được nâng lên, người dân có thêm tiền sinh hoạt hàng ngày và rừng cũng nhờ đó bị mất ít hơn. Bước đầu xây dựng kế hoạch REDD+ là chương trình rất thiết thực với người dân”.
 
Tuy nhiên cần phối hợp giữa BQLCT cấp tỉnh với chính quyền địa phương nơi triển khai. Cùng có mặt tại nhiều địa bàn Lâm Đồng với chúng tôi có ông Bùi Lê Inh - Điều phối viên thực địa thuộc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Ông nhận xét: BQLCT của tỉnh Lâm Đồng năng động, có năng lực và tỉnh tạo điều kiện cho các ban, ngành thực hiện. Chính quyền địa phương quan tâm đến Chương trình, bà con tham gia hoạt động tích cực. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác giám sát của bên đơn vị cấp tỉnh và các hoạt động của chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn. Ông Inh cho biết: Hiện đã được phê duyệt 10% trong tổng kinh phí chương trình giành cho quản lý, giám sát, sắp tới sẽ cụ thể hóa. Tại thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, sau khi người dân lựa chon giống cây, vị trí trồng, Chương trình đã hỗ trợ 416 cây gồm sao và dầu, đường kính gốc từ 1-2cm trồng cây phân tán. Tuy nhiên, kiểm tra vào ngày 21/9 vừa qua, nhiều cây đã chết vì bị bẻ gãy ngang thân cây. Ông Inh đề nghị BQL của tỉnh và xã, huyện cần quan tâm để khắc phục sự cố. Theo ông Inh, kế hoạch hỗ trợ 100 triệu đồng cho thôn Preteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà trồng cây mắc ca nhưng vì không có giống đạt chuẩn nên khả năng sẽ chuyển vào Quỹ sinh kế cho bà con.
 
MINH ĐẠO