Khơi nguồn sáng tạo trẻ

09:02, 22/02/2016

Được phát động từ năm 2006, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học sinh trung học là một trong những phong trào thi đua gây được "tiếng vang" trong ngành Giáo dục. Từ phong trào này đã góp phần tạo nên một sân chơi bổ ích, khơi mạch nguồn sáng tạo cho những nhà "khoa học nhí".

Được phát động từ năm 2006, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học sinh trung học là một trong những phong trào thi đua gây được “tiếng vang” trong ngành Giáo dục. Từ phong trào này đã góp phần tạo nên một sân chơi bổ ích, khơi mạch nguồn sáng tạo cho những nhà “khoa học nhí”.
 
Trường THPT Đức Trọng là một trong những đơn vị nổi bật có nhiều đề tài tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học
Trường THPT Đức Trọng là một trong những đơn vị nổi bật có nhiều đề tài tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học
Theo thống kê của ngành Giáo dục, từ năm 2006 - 2015, toàn tỉnh đã có trên 2.500 đề tài nghiên cứu khoa học của các em học sinh trên nhiều lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Khoa học máy tính… Đáng kể là số lượng học sinh và số đề tài tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước, từng bước chuyển từ “lượng” sang “chất”. Nổi bật nhất là “sự kiện” năm 2015 đã có 1 đề tài được chọn đi tham dự Cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ. Mới đây nhất, trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ 8 năm học 2015 - 2016, tại vòng cơ sở đã có 404 đề tài của 60 trường THCS, THPT với 166 học sinh tham dự, tăng 25 trường và 39 học sinh so với năm trước; vòng thi cấp tỉnh gồm 97 đề tài, tăng 14 đề tài so với năm 2015. Thống kê trên đã phần nào minh chứng cho phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển theo chiều rộng, có những bước tiến vững chắc. Những ý tưởng đề xuất, sáng tạo thể hiện sự đầu tư, suy nghĩ nghiêm túc của các đề tài cũng cho thấy sự phát triển theo chiều sâu của phong trào. Phần lớn các đề tài khoa học, kỹ thuật của học sinh đều có ý tưởng xuất phát từ việc quan sát cuộc sống, đòi hỏi phải vận dụng kiến thức lý thuyết của các môn học trong nhà trường để giải quyết vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Chẳng hạn như, về lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, các em đã đề cập đến những vấn đề nổi cộm hiện nay như tác động của công nghệ thông tin, các yếu tố văn hóa, xã hội... đến việc rèn luyện kỹ năng học tập, kỹ năng sống, hình thành nhân cách của lứa tuổi thanh thiếu niên. Còn ở lĩnh vực Khoa học tự nhiên - kỹ thuật, các em đã đưa ra các sáng kiến, tìm tòi các giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những ách tắc nhằm bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe con người, phục vụ cuộc sống...
 
Chỉ tính trong 5 năm (2010 - 2015), toàn tỉnh đã có hơn 70 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và giải thưởng Tài năng khoa học trẻ, có 7 đề tài tham gia các cuộc thi quốc tế. Các đơn vị tiêu biểu với nhiều đề tài tham dự như Trường THPT Chuyên Thăng Long, THPT Đức Trọng, THPT Trần Phú, Phòng GDĐT Đức Trọng... Trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2015, toàn tỉnh có 135 đề tài tham dự, trong đó, nhiều đề tài được đánh giá cao, kết quả có 1 đề tài đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia. 
 
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại các trường phổ thông bằng việc tạo ra sân chơi khoa học, ngành Giáo dục đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, luôn chú trọng đến việc tổ chức truyền thông rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung, kế hoạch các cuộc thi, hội thi đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là có các chế độ ưu tiên, khuyến khích đối với giáo viên, người hướng dẫn nghiên cứu khoa học, học sinh có thành tích cao trong các cuộc thi. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ dạy học và nghiên cứu; xây dựng hoạt động học tập gắn kết với phong trào nghiên cứu khoa học; tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức các cuộc thi cấp cơ sở... 
 
“Phải khẳng định rằng phong trào này đã phát huy khả năng sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng khoa học, mới lạ, độc đáo, những sáng kiến cụ thể, thiết thực của học sinh trung học. Qua đó, thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Từ phong trào đã tạo nên một sân chơi trí tuệ và bổ ích, ươm mầm ước mơ và sáng tạo, thúc đẩy học sinh nhận thức cao hơn về việc góp phần xây dựng một xã hội văn minh, khoa học và tiến bộ, tạo điều kiện để cho giáo viên và học sinh được giao lưu học tập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông”, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT nhấn mạnh.
 
VIỆT HÙNG