Cho những giống hoa mới có bản quyền

09:03, 03/03/2016

Trong nhiều năm liền, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu lai tạo ra các giống hoa mới cho mục tiêu sản xuất hoa giống có bản quyền. 

Trong nhiều năm liền, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu lai tạo ra các giống hoa mới cho mục tiêu sản xuất hoa giống có bản quyền. 
 
Những sắc màu mới 
 
Đưa tay giới thiệu với tôi những đóa đồng tiền có màu rất đẹp tại vườn thực nghiệm, Thạc sỹ Hà Minh Lương - Trưởng phòng Kỹ thuật - Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng cho biết, đây là những sản phẩm mà Trung tâm đã lai tạo ra trong quá trình nghiên cứu gần đây.
 
Trong 2 năm nay, Trung tâm đã bắt đầu cho việc lai tạo giống hoa đồng tiền mới này. Trồng và thu hạt giống tại vườn thực nghiệm từ các giống đồng tiền bố mẹ đang lưu hành tại Đà Lạt, Trung tâm đã bắt đầu lai giống với 12 tổ hợp lai các loại, cho ra trên 1.200 cá thể. Những cá thể này đang được gieo trồng tại vườn của Trung tâm, hiện đã cho ra hoa với những màu hoa rất độc đáo, hoàn toàn khác với màu của bố mẹ và hầu như chưa có mặt trên thị trường. 
 
Một giống đồng tiền mới lai tạo có hoa màu rất đẹp
Một giống đồng tiền mới lai tạo có hoa màu rất đẹp

Trong tổng thể, theo ông Lương, có thể chia hoa của nhóm đồng tiền lai trên thành các bảng màu chính của các màu đỏ, vàng, cam, trắng, hồng, tím. Từ những cây lai mới có màu bắt mắt này, Trung tâm sẽ chọn ra những cá thể có ưu điểm vượt trội như kích cỡ hoa lớn, chiều cao đạt từ 40 - 45cm, màu tươi tắn, phù hợp và thích nghi tốt với khí hậu Đà Lạt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, được thị trường ưa chuộng, có khả năng trồng đại trà… để đưa vào nuôi cấy mô, đưa ra trồng khảo nghiệm diện hẹp rồi đến khảo nghiệm diện rộng, tiến tới đăng ký bản quyền giống hoa. “Chúng tôi đã đi được những bước cơ bản nhất trong việc lai tạo giống hoa mới để tiến đến đăng ký bản quyền” - ông Lương cho biết.
 
Không chỉ lai giống cho hoa đồng tiền, lâu nay, Trung tâm còn lai giống cây dâu tây, bước đầu đã thu được những kết quả rất khả quan. Từ các tổ hợp lai, Trung tâm đã tạo ra các cá thể lai và trồng ra ruộng, hiện các cá thể lai này đang phát triển rất tốt. Trung tâm hiện đang chọn ra những cá thể ưu việt để nhân giống trồng đại trà, tiến tới xác lập bản quyền giống. Nhưng nghiên cứu công phu nhất trong lai tạo giống hoa mới mà Trung tâm thực hiện chính là ở loài hoa lan, bắt đầu từ địa lan, một loài hoa thương phẩm cho thu nhập rất cao cho người trồng ở Đà Lạt nhưng cũng rất khó trồng và phải 3 đến 4 năm từ khi trồng mới cho ra hoa. Từ năm 2010, Trung tâm đã bắt tay vào lai tạo giống cho các loài địa lan đang canh tác tại Đà Lạt. Với nguồn giống từ việc trồng lưu giữ nguồn gen cho 30 giống địa lan các loại, từ một số các cây hoa bố mẹ được chọn lọc, Trung tâm đã lấy hạt để gây giống mới. Với 6 tổ hợp lai, Trung tâm đã tạo ra 2.400 cá thể lai, các cá thể này được đánh ra chậu, chăm sóc trong vườn thực nghiệm, đến nay, một số cá thể đã bắt đầu cho ra hoa. 
 
Đưa chúng tôi đi thăm vườn địa lan đang có các cây lai đang ra hoa với những màu hoa rất độc đáo, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Trung tâm cho biết, sắp đến sẽ chọn một số cây có màu hoa độc đáo, chưa có trên thị trường, hoa lớn, đạt chuẩn, cây có các tính năng ưu việt để thực nghiệm, nhân rộng sau đó làm thủ tục đăng ký xin cấp bản quyền giống mới trong thời hạn sớm nhất. 
 
Hướng tới những giống hoa có bản quyền 
 
Bản quyền hoa đang là một vấn đề cực kỳ cấp thiết hiện nay của nghề hoa Đà Lạt. 
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích trồng hoa của Lâm Đồng hiện nay gần 7.600ha, sản lượng hằng năm khoảng 2.334 triệu cành, trong đó thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh. Do hiệu quả và giá trị kinh tế từ cây hoa mang lại cao nên thúc đẩy người dân Đà Lạt và các vùng phụ cận chuyển đổi phần lớn diện tích từ rau sang trồng hoa.
 
Giống hoa theo đánh giá, luôn là một thách thức đối với ngành sản xuất hoa Lâm Đồng hiện nay. Thiếu nguồn giống tốt, đáp ứng được chất lượng và hình thức cho thị trường xuất khẩu, đa số hoa của Đà Lạt và các vùng phụ cận chỉ quẩn quanh trong thị trường nội địa, được bán với giá rất rẻ; một số loại đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu thì lại vướng bản quyền. Chính vì vậy, việc nghiên cứu lai tạo chọn lọc giống mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một yêu cầu cực kỳ cấp thiết của ngành hoa Lâm Đồng - Đà Lạt hiện nay. Vì hoa chủ yếu dùng để trang trí, yêu cầu về màu sắc, hình thức luôn biến đổi theo trào lưu và thị hiếu người tiêu dùng nên việc nghiên cứu lai tạo hoa cần được duy trì hằng năm, được quan tâm đúng mức.
 
Nhân giống bằng cấy mô tại Trung tâm
Nhân giống bằng cấy mô tại Trung tâm

Chủ trương của Lâm Đồng hiện nay, như ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong một cuộc hội thảo về hoa gần đây, là đẩy mạnh nghiên cứu các giống hoa mới có bản quyền, trong đó, chú ý đến công tác lai tạo, phương pháp hóa sinh, mục tiêu là chọn lọc ra các giống hoa mới có năng suất, có chất lượng hoa tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu. 
 
Trong thực tiễn, qua kinh nghiệm của Trung tâm mình, theo ông Đạt, để tạo ra được một giống hoa mới là một việc hoàn toàn không dễ chút nào. Phải mất rất nhiều thời gian, phải tuân thủ theo đúng qui trình, từ trồng khảo nghiệm diện hẹp sang diện rộng, đánh giá một cách đầy đủ trước khi làm thủ tục xin cấp bản quyền giống mới. Tuy nhiên, cũng chính do việc mất quá nhiều thời gian cho tiến trình này nên đã có không ít trường hợp khi giống mới ra đời thì thị trường đã đi theo một xu hướng khác, dẫn đến một nghịch lý tồn tại như hiện nay, hàng năm vẫn có không ít giống mới được Bộ Nông nghiệp cấp phép ra đời nhưng các giống này khi xuất hiện trên thị trường đã bị “lạc hậu”, người trồng đã không còn sử dụng giống này nữa. 
 
“Chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này. Trong lai tạo giống mới, đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm luôn tham khảo ý kiến của nông dân, người trồng trong vùng, kể cả trồng thực nghiệm các loại hoa này tại vườn để bán ra thị trường nhằm thử nghiệm thị hiếu, mức độ ăn khách của chúng. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi hướng đến là đáp ứng được nhu cầu của người trồng hoa Đà Lạt hiện nay là có hoa bản quyền để xuất khẩu được” - ông Đạt cho biết.  
 
Không ngừng ở những loại hoa đã lai tạo này, theo ông Đạt, sắp đến, Trung tâm nếu được cấp kinh phí sẽ nghiên cứu lai tạo một số loại hoa khác. “Chúng tôi đang rất cần thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh như kinh phí nghiên cứu và nếu được nên cấp thêm diện tích đất (hiện Trung tâm chỉ có khoảng trên 3ha đất) để mở rộng diện tích thực nghiệm” - ông Đạt mong muốn.
 
Gia Khánh