Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp Lâm Đồng

09:04, 21/04/2016

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những biểu hiện ngày càng rõ rệt tại các khu vực trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng cũng đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu...

LTS: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những biểu hiện ngày càng rõ rệt tại các khu vực trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng cũng đang phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Sơn - TUV, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng xung quanh vấn đề tác động của BĐKH đối với hoạt động nông nghiệp và các biện pháp ứng phó của ngành nông nghiệp. 
 
PGĐ. Nguyễn Văn Sơn
PGĐ. Nguyễn Văn Sơn
 
 PV: Thưa Phó Giám đốc Nguyễn Văn Sơn, đồng chí có thể phác họa tác động của BĐKH đối với nông nghiệp và thực trạng mức độ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian gần đây?
 
PGĐ. NGUYỄN VĂN SƠN: Trong điều kiện bình thường sản xuất vốn vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, khí hậu, nên BĐKH sẽ khiến cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Sự gia tăng về nhiệt độ và những thay đổi về lượng mưa và phân bố lượng mưa sẽ tác động lên cây trồng, vật nuôi và các hệ thống sinh vật tự nhiên. Chẳng hạn, BĐKH làm cho những khó khăn do thiếu nước sản xuất gia tăng vào mùa khô ở nhiều nơi; cường độ và tần suất xuất hiện của thiên tai như lũ lụt và hạn hán gia tăng; chu kỳ phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh trên gia súc thay đổi. BĐKH còn có thể làm mất đi những thành quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong những năm qua.
 
Tại Lâm Đồng, tình hình khí hậu, thủy văn từ đầu năm đến nay không thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm; nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2,00C; mực nước trên các sông, suối thấp hơn từ 0,06-0,61m so với mực nước trung bình nhiều năm và thấp hơn 0,12- 0,30m so với cùng kỳ năm 2015. 
 
Theo số liệu từ các địa phương, đã xác định diện tích có thể xảy ra hạn hán vào cuối tháng 4/2016 là khoảng 40.300ha (chiếm 13,43% tổng diện tích đất canh tác toàn tỉnh). Trong đó, lúa 2.440ha (xảy ra nhiều nhất là huyện Đạ Tẻh 1.440ha và huyện Cát Tiên 890ha); rau, hoa bị ảnh hưởng 1.557ha (nhiều nhất là huyện Đơn Dương 682ha và TP. Đà Lạt là 520ha); cây công nghiệp bị 36.301ha (nhiều nhất là huyện Di Linh 10.880ha và Bảo Lâm 9.634ha).
 
Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương (Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh...) với diện tích gần 1.000ha; nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5) trên địa bàn toàn tỉnh.
 
PV: Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, “mặt trái” của sự phát triển cũng đem lại nhiều hệ lụy! Vậy đồng chí cho biết tác động của hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với hiện tượng BĐKH?
 
PGĐ. NGUYỄN VĂN SƠN: BĐKH ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đồng thời hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều tác động đến việc BĐKH. Trong đó tăng lượng phát thải khí nhà kính và hoạt động khai thác, quản lý không hợp lý tài nguyên nước đã làm gia tăng ảnh hưởng của BĐKH.
 
Về việc tăng lượng phát thải khí nhà kính: hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất đã đóng góp khoảng 24% tổng lượng phát thải khí nhà kính. 
 
Riêng sản xuất cây trồng và chăn nuôi, cũng đóng góp một phần quan trọng trong tổng lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển. Khí metan (CH4) là loại khí chính phát thải bởi lĩnh vực nông nghiệp. Việc phá rừng và phát quang đất để sản xuất nông nghiệp tạo ra khoảng 12 - 14% phát khí nhà kính toàn cầu. Các hoạt động sản xuất trồng trọt (bao gồm sử dụng đất và phân bón không hợp lý), chăn nuôi và đốt rác thải nông nghiệp, đóng góp 10- 12% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
 
Bên cạnh đó, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang là vấn nạn, nhất là đất canh tác, nước tưới và các nguồn tài nguyên sinh vật, do bị khai thác nhiều và theo các cách thức không hợp lý, đã trở nên cạn kiệt, hoặc đã bị ô nhiễm, suy thoái.
 
Các biện pháp canh tác hiện tại chưa được quan tâm nhiều và chưa thực hiện đầy đủ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp.
 
Trẻ em có thể đi bộ qua lòng sông Krông Nô (đoạn qua xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông) do tình trạng hạn hán gây ra. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Trẻ em có thể đi bộ qua lòng sông Krông Nô (đoạn qua xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông) do tình trạng hạn hán gây ra. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
PV: Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, vậy ngành nông nghiệp sẽ có kế hoạch ứng phó, thích ứng như thế nào với BĐKH?
 
PGĐ. NGUYỄN VĂN SƠN: BĐKH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Vì vậy, việc ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp & PTNT giai đoạn 2016-2020 để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện và bền vững.
 
Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành NN&PTNT giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch và kịch bản để thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên toàn tỉnh.
 
Biện pháp ứng phó đối với BĐKH trong ngành nông nghiệp được thực hiện chủ yếu với 4 nội dung như: (1) tăng cường thông tin tuyên truyền và nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH trong toàn xã hội; (2) rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách; (3) rà soát và điều chỉnh quy hoạch sản xuất; (4) tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài. Trước mắt, cần tập trung và vào hai nhiệm vụ chính là:
 
- Thực hiện các nhiệm vụ thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản và phát triển nông thôn…
 
Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cần xây dựng cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, chuyển đổi một phần diện tích cây trồng ở các vùng trồng lúa sang các cây trồng khác có khả năng chống hạn cao hơn hoặc nhu cầu cần nước ít hơn. Tăng cường sử dụng các giống chống hạn, chịu sâu bệnh; xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt. Tập trung nghiên cứu các biện pháp thích nghi và thích ứng của cây trồng, vật nuôi và kết hợp với phòng chống và cải tạo tự nhiên. Đây là các biện pháp có hiệu quả kinh tế hơn.
 
Tăng cường áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt và chăn nuôi, nhằm giảm thiểu sự phát thải các khí nhà kính: Sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất, quản lý và xử lý nguồn chất thải hợp lý, hiệu quả. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng mẫu chuồng trại phù hợp với biến đổi khí hậu.
 
Đối với lĩnh vực thủy lợi, tăng cường quản lý nguồn nước và các biện pháp tưới phục vụ cho nông nghiệp. Cần chú trọng đến việc bảo đảm nguồn nước cho cây trồng trong điều kiện BĐKH trên địa bàn Lâm Đồng bằng các biện pháp như: Quản lý chặt chẽ và tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê tông hóa và kiên cố hóa kênh mương là điều ưu tiên trong chiến lược quản lý và sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Tăng cường áp dụng các công nghệ tưới tiêu khoa học vừa tiết kiệm nước, vừa nâng cao năng suất cây trồng: lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng chè, cà phê, rau, hoa tại các địa phương, nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới và thích ứng với BĐKH diễn ra gay gắt; Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi ở vùng trồng màu, trồng lúa để đáp ứng nhu cầu tưới nước, đồng thời tiêu úng cho những khu vực bị ngập; Tăng cường xây dựng hệ thống thủy lợi tại những khu vực thiếu nước tưới là giải pháp ưu tiên trong nông nghiệp nhằm đảm bảo sản xuất, thích ứng với tình trạng nắng hạn do BĐKH gây nên, đặc biệt là khu vực trồng lúa, rau màu; Đầu tư xây dựng hệ thống cống, đập, nạo vét hệ thống kênh mương nhằm tiêu úng cho vùng trũng. 
 
Về lĩnh vực nông thôn, cần ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ sản xuất sạch; lựa chọn mô hình phù hợp thu gom, quản lý, xử lý và tái xử lý chất thải nông thôn (lò mổ, làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công).
 
Về lĩnh vực lâm nghiệp, cần ứng dụng các giống cây rừng mới, tăng cường trồng cây phân tán, đa dạng hóa loại cây rừng, bảo vệ và nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng nhằm giảm nguy cơ suy thoái và mất rừng để tăng khả năng hấp thụ các bon, thực hiện tốt chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm phát khí thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng (UN-REDD), xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác nông lâm nghiệp bền vững trong chương trình hợp tác với Hà Lan...
 
Tăng cường các hoạt động ứng phó, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai: rà soát đánh giá mức độ an toàn hệ thống công trình thủy lợi tưới và tiêu, rà soát quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư. Tiếp tục thực hiện đề án quản lý rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng phương án di dời và tái định cư cho dân cư vùng thường xuyên bị tác động bởi thiên tai.
 
PV: Cảm ơn Phó Giám đốc Sở về cuộc trao đổi. Tin rằng với các kế hoạch như trên, tỉnh Lâm Đồng nói chung và ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ ứng phó có hiệu quả với BĐKH!
 
LAN HỒ (thực hiện)