Cuối thế kỷ 21: Nguy cơ bị hoang mạc hóa Tây Nguyên

09:04, 07/04/2016

Dù đây mới chỉ là kết quả dự báo của các nhà khoa học, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, nếu như chúng ta vẫn hành xử theo kiểu thiếu tôn trọng thiên nhiên.

Dù đây mới chỉ là kết quả dự báo của các nhà khoa học, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, nếu như chúng ta vẫn hành xử theo kiểu thiếu tôn trọng thiên nhiên.
 
Cả Tây Nguyên đang ở trong “mùa khát” trầm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây, theo dự báo tình trạng hạn hán vẫn còn tiếp diễn và kéo dài vào những mùa khô tiếp theo.
 
Cánh đồng vào vụ cấy không một giọt nước ở Đạ Tẻh
Cánh đồng vào vụ cấy không một giọt nước ở Đạ Tẻh
Tây Nguyên là vùng có lượng nước phong phú nhưng vào thời kỳ mùa khô, hạn hán vẫn liên tục xảy ra. Tuy mức độ chưa phải là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất về tính mạng con người, nhưng thiệt hại về kinh tế - xã hội và môi trường do hạn hán gây ra là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ 1990 - 2000, hạn hán đã xảy ra liên tiếp với diện tích lúa bị hạn mỗi vụ từ vài ngàn đến trên 100.000ha; diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp bị hạn cũng trên 100.000ha; đặc biệt, số người thiếu nước sinh hoạt trong giai đoạn này lên đến hơn 770.000 người. Dù đã có những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, tuy nhiên mức độ thiệt hại cũng như những hệ quả mà hạn hán gây ra cho Tây Nguyên trong mùa khô năm nay cũng vô cùng nặng nề. Và hiện tại, vẫn chưa có những số liệu thống kê đầy đủ, bởi tình trạng “khát” vẫn còn xảy ra trên nhiều vùng đất của Tây Nguyên.
 
Tây Nguyên đang đứng trước những vận hội và thách thức to lớn khi đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, tuy nhiên cả khu vực cũng đang đối mặt với quá trình suy thoái tài nguyên môi trường mạnh mẽ trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nền tảng phát triển kinh tế, xã hội kém bền vững trong giai đoạn toàn cầu hóa khốc liệt. Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3) với 4 mục tiêu cơ bản: Cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên; Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguên và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên trong xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo; Ứng dụng chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Nguyên; Bước đầu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên. Giải quyết các vấn đề hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của nhiều nhiệm vụ khoa học thuộc chương trình. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên là “Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”, chú trọng tăng cường đưa khoa học công nghệ phát triển Tây Nguyên. Trước Chương trình Tây Nguyên 3, đã có Chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” giai đoạn 1976 - 1980 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 1) và “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên” giai đoạn 1984 - 1988 (Chương trình Tây Nguyên 2).

Theo kết quả “Nghiên cứu điều kiện khí hậu, khí hậu nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai vùng Tây Nguyên” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3: Nước dưới đất ở Tây Nguyên chủ yếu được hình thành và tồn tại trong các thành tạo bazan, tiềm năng nước dưới đất là rất lớn so với nhu cầu nước. Nhưng từ năm 1993 trở lại đây, nhiều hiện tượng suy giảm nguồn nước như sự biến mất của nhiều mạch nước hay tụt mực nước trong các hố giếng khoan, giếng đào đã liên tục xảy ra.

Theo đánh giá sơ bộ của chương trình này, kết quả cho thấy: Chỉ số khô hạn tương đối thấp ở Lâm Đồng, tương đối cao ở Đắk Nông và rất cao ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắc. Nơi có chỉ số hạn trong năm cao nhất là Ayunpa (Gia Lai) và thấp nhất là Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tuy nhiên, chỉ số hạn hàng năm ở bất cứ nơi nào của Tây Nguyên cũng đều lớn hơn 1, nghĩa là ở cấp khô hoặc rất khô. Số tháng hạn ở Tây Nguyên phổ biến từ 4 - 6 tháng, tương đối thấp ở Lâm Đồng, vừa phải ở Đắk Nông, cao ở các tỉnh phía bắc Tây Nguyên, có những vùng thời gian hạn kéo dài đến 8 tháng. Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 bước đầu đã xác nhận được 3 dạng hoang mạc có nguy cơ lan rộng gồm: Hoang mạc đa; hoang mạc đất khô cằn và hoang mạc sỏi cạn.
 
Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sự phát triển kinh tế của cả khu vực, các nhà khoa học đầu ngành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã phác thảo ra một kịch bản biến đổi khí hậu của Tây Nguyên trên cơ sở khoa học với những cứ liệu đã được nghiên cứu tính toán cụ thể.
 
Theo đó, vào cuối thế kỷ 21, khu vực Tây Nguyên sẽ tăng từ 2 - 3,50c (mùa hè 2 - 4,50c); lượng mưa Tây Nguyên cũng có xu hướng giảm toàn khu vực với mức giảm dao động chủ yếu từ 13 đến trên 30% mùa Đông, giảm 8 - 9% lượng mưa mùa xuân. Vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa ngày lớn nhất ở Tây Nguyên có thể giảm 10% so với thời kỳ 1980 - 1999.
 
Theo báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 tại cuộc hội thảo gần đây nhất do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức, thì đến năm 2020, độ dài của mùa hạn sẽ dài thêm 10 - 22 ngày ở hầu hết các nơi trong khu vực, đáng kể nhất là vùng Nam Lâm Đồng. Tuy nhiên, mức độ hạn ở Bảo Lộc vẫn rất thấp, mặc dù mức độ hạn đã gia tăng nhiều hơn so với các vùng khác. Ở Ayunpa, hạn vào thập kỷ này đã lên cấp 5, xấp xỉ nhiều nơi ở Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến năm 2050, mùa hạn đã kéo dài thêm 22 - 35 ngày so với cùng thời điểm những năm 1980 - 1999, nặng nhất vẫn là vùng Ayupa và ở đây đã thực sự xuất hiện nguy cơ hoang mạc hóa do mùa hạn đã chiếm nửa thời gian trong năm. Đến năm 2100 (cuối thế kỷ 21) mùa hạn đã kéo dài hơn từ 2,3 đến 3,5 tháng (70 - 105 ngày) so với những năm 1980 - 1999. Với mức tăng như trên, mùa hạn ở Bắc Tây Nguyên phổ biến là cấp 6, có nơi cấp 7, nặng hơn mức độ hạn hán hiện tại của bất kỳ nơi nào ở Việt Nam. Qua đó, có thể ước đoán, vào thời điểm này, hạn ở Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên cùng với cực Nam Trung Bộ là nặng nhất so với các vùng khí hậu của Việt Nam và các vùng này trở thành địa bàn trọng điểm về nguy cơ hoang mạc hóa.
 
Theo GS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Kịch bản Biến đổi khí hậu và hạn hán Tây Nguyên được xây dựng bằng các công cụ toán tin công nghệ cao và phương pháp chuyên gia dựa trên các dãy số liệu thực tế của Tây Nguyên kết nối với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam và thế giới. Các kết quả nghiên cứu này cung cấp cơ sở khoa học của hoạch định chiến lược dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên.
 
Để tránh xảy ra viễn cảnh “ngày tận thế” trên, các nhà khoa học của Chương trình Tây Nguyên  3 cũng đã và đang nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thích hợp, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và tạm thời để có thể ứng phó với việc biến đổi khí hậu, hạn hán, hoang mạc hóa của vùng Tây Nguyên.
 
Trước mắt, phải lựa chọn các mô hình tính toán thích hợp và các chuỗi số liệu thực tế để xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, hạn hán; đồng thời ứng dụng các công nghệ viễn thám và GIS trong việc quản lý nước (sông ngòi, hồ đập), rừng và cảnh báo hoang mạc hóa, ứng dụng mô hình cảnh báo cháy rừng; dự báo các dạng tai biến địa chất ở các vùng hồ đập, hồ chứa và đề xuất các giải pháp phòng tránh. Cần xây dựng các cơ sở khoa học cho giải pháp tổng thể giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước lãnh thổ Tây Nguyên. Về lâu dài, cần phải có một Ủy ban quản lý sông, hồ, đập thống nhất toàn khu vực; xây dựng các hồ đập vừa và nhỏ, đồng thời nâng cao năng lực hồ chứa chống hạn và cắt lũ, nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng (đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số).
 
Đặc biệt, các nhà khoa học của Chương trình Tây Nguyên 3 cũng đã đưa ra các giải pháp phục hồi với nhiều nội dung quan trọng như: Nghiên cứu phục hồi rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc với mô hình nông lâm kết hợp; điều chỉnh quy hoạch đất, chuyển đổi cơ chế cây trồng, thời vụ theo kết quả nghiên cứu khí hậu, sinh thái nông nghiệp thích ứng; ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao trong cải tạo, phục hóa đất và canh tác; xây dựng tiêu chí nông thôn mới Tây Nguyên với mỗi gia đình cần có một bể nước dự phòng, mỗi thôn bản có 3 - 5 mô hình VAC; cấp phép sử dụng nước cùng với đất đai cho các khu chuyên canh nông nghiệp, khu công nghiệp và đô thị; nghiên cứu phục hồi các bãi thải, các vùng đất hoàn thổ sau khai thác khoáng sản; tiết kiệm năng lượng, khai thác các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp...
 
Dự báo về một Tây Nguyên hoang mạc hóa trong tương lai gần là điều đã được cảnh báo, các giải pháp cũng đã được đưa ra, điều quan trọng là ý thức và hành động của mỗi người đang sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên, nếu chúng ta không muốn thế hệ con cháu sau này phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
 
TUẤN LINH