Tiếp tục khẳng định giá trị đa dạng sinh học của Bidoup - Núi Bà

08:08, 10/08/2016

Thời gian gần đây, tính đa dạng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà càng tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ thông qua các phát hiện của các nhà khoa học.

Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà được thiên nhiên ban tặng nhiều yếu tố để tạo nên mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) như: đai độ cao từ 600 đến 2.287 m; lượng mưa dồi dào; nhiều kiểu rừng... Các chỉ số nói lên mức độ đa dạng của VQG Bidoup - Núi Bà là có 1.945 loài thực vật có mạch trên tổng số hơn 12.000 loài (chiếm 1/6 số loài của Việt Nam); có 301 loài chim được ghi nhận trên tổng số hơn 900 loài chim của Việt Nam (chiếm gần 1/3, trong đó có 7/12 loài đặc hữu Việt Nam)... Nơi đây còn là vương quốc của các loài lan với 297/khoảng 1.200 loài lan Việt Nam, chiếm 1/4... Và thời gian gần đây, tính đa dạng của VQG Bidoup - Núi Bà càng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ thông qua những phát hiện của các nhà khoa học.
 
Đa tử trà hương (Polyspora huongiana) phát hiện năm 2010
Đa tử trà hương (Polyspora huongiana) phát hiện năm 2010

Với diện tích 275.439 ha, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) Lang Biang là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam, có giá trị mang tính toàn cầu. Đây là KDTSQTG thứ 9 tại Việt Nam và là KDTSQTG đầu tiên ở Tây Nguyên, có nhiều đặc điểm khác biệt và thuận lợi hơn trong bảo tồn so với 8 KDTSQTG ở Việt Nam. Sự phát hiện một số loài mới tại KDTSQ này của các nhà khoa học trong thời gian gần đây càng khẳng định tính ĐDSH quý báu nơi đây. Trong KDTSQ Lang Biang có hơn 70.000 ha là vùng lõi (thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà) được giới học thuật biết đến như là một trung tâm ĐDSH của Việt Nam. 
 
Tiếp tục phát hiện và công bố nhiều loài sinh vật mới 
 
Mới nhưng đồng thời hết sức độc đáo và có ý nghĩa. Trên tạp chí khoa học uy tín dành cho các nhà phân loại sinh vật Zootaxa 3302: 1-24 (2012), các nhà khoa học đến từ Liên bang Nga, Việt Nam và các cộng sự đã công bố 2 loài thằn lằn mới thuộc họ Gekkonidae, trong đó loài Cyrtodactylus bidoupimontis được ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà được đặt tên theo tên ngọn núi Bidoup. Cũng trên tạp chí uy tín Zootaxa 3635 (5): 520-532 (2013), nhà khoa học người Nga Leonid N. Anisyutkin và các cộng sự đã mô tả về một chi gián mới Macrostylopyga thuộc họ Blattidae với hai loài mới là Macrostylopyga grandis và Macrostylopyga bidupi. Loài mới này được phát hiện và mô tả tại khu vực K’Long K’Lanh thuộc VQG Bidoup - Núi Bà. Còn trên tạp chí Mycosphere 5 (4): 591–600 (2014), nhóm tác giả Mel’nik VA, Alexandrova AV and Braun U cũng đã công bố 2 loài nấm mới ở Việt Nam được phát hiện tại VQG Bidoup - Núi Bà và VQG Cát Tiên. Đó là Craspedodidymum seifertii và Ityorhoptrum biseptatum, thuộc nhóm nấm hyphomycetes (nhóm nấm bất toàn không có túi giá và đĩa giá) đều được thu thập từ vỏ của các loài cây chưa được định danh. Loài Craspedodidymum seifertii được lấy mẫu ở khu vực Giang Ly thuộc VQG Bidoup - Núi Bà.
 
Trước đó, thông tin từ cơ quan Sinh vật rừng Việt Nam cho biết: Loài thực vật mới có tên khoa học Mộc hương Bidoup - Aristolochia bidoupensis Do vừa được các nhà nghiên cứu thực vật thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Viện Thực vật, Đại học Tổng hợp Dresden, Cộng hòa Liên bang Đức phát hiện và công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành Nordic Journal of Botany. Loài mới được tìm thấy ở độ cao trên 1.000 m thuộc VQG Bidoup - Núi Bà và được phân biệt với loài mộc hương Favio bởi những đặc điểm hình thái đặc trưng của hoa. Một thông tin khác từ Viện Sinh học nhiệt đới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là: các nhà khoa học của Viện và Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc họ Nhót (Elaeagnaceae) ở khu vực Đông Dương và Thái Lan, đặt tên là Elaeagnus elongatus Tagane & V.S. Dang. Năm 2014, các nhà thực vật Viện Sinh học nhiệt đới và Trung tâm Bảo tồn sinh thái châu Á thuộc Đại học Kyushu Nhật Bản cho biết, loài này có ở vùng phân bố tại VQG Bidoup - Núi Bà... 
 
Như vậy, trong vòng 10 năm qua, đã có hơn 20 loài mới được các nhà khoa học phát hiện và công bố tại VQG Bidoup - Núi Bà. Riêng trong năm 2015, tại VQG Bidoup - Núi Bà đã phát hiện 5 loài mới, bao gồm: 2 loài thực vật (Billolivia tichii, Billolivia kyi); 2 loài côn trùng (Lobofemora bidoupensis; Aegosoma george); 1 loài cá (Onychostoma krongnoensis). 
 
Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn
 
Ngày 8/8, trao đổi với ông Trương Quang Cường, cán bộ nghiên cứu về ĐDSH của VQG Bidoup - Núi Bà nhiều năm, ông Cường nhận xét: “Về mặt phân tích mức độ ĐDSH, theo tôi, loài mới chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Vì khu bảo tồn và VQG nào càng mới thành lập, càng đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học, càng tạo điều kiện cho các nhà khoa học đến làm việc thì xác suất có được loài mới rất cao. Bởi vậy, mức độ ĐDSH là xác suất bắt gặp 2 cá thể cùng loài trong một công thức ngẫu nhiên nào đó”. 
 
Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, đó là chủ đích tối thượng đã và đang được tích cực theo đuổi tại VQG Bidoup - Núi Bà. Ông Lê Văn Hương - Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Khu DTSQTG Lang Biang, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà cho biết: Hiện nay, VQG Bidoup - Núi Bà có quan hệ hợp tác với trên 20 tổ chức trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn. Mô hình hợp tác quản lý trong quản lý rừng theo đề xuất của VQG Bidoup - Núi Bà đang được triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do JICA tài trợ. “Đây là mô hình mới trong quản lý rừng ở Việt Nam, lấy người dân là trung tâm và là đối tác để thực hiện các hoạt động quản lý rừng với các bên liên quan trong đó có VQG. Mô hình hợp tác quản lý trong quản lý rừng là các bên tham gia cùng nhau thảo luận, đàm phán để đi đến thống nhất vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi nhằm đạt được mục tiêu quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH”, ông Hương nói. Các hoạt động về bảo tồn chuyển chỗ cũng đã và đang được thực hiện như xây dựng Vườn thực vật, xây dựng Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên. Để sử dụng bền vững ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy các giá trị của Khu DTSQTG Lang Biang, các hoạt động du lịch sẽ được thúc đẩy theo đồ án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái của VQG Bidoup - Núi Bà đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Phát triển du lịch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng vẫn đáp ứng được các nguyên tắc của Công ước ĐDSH cũng là mục tiêu trong những năm tới của VQG.
 
MINH ĐẠO