Hội thảo khoa học "Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng Tây Nguyên - Những vấn đề lý luận và thực tiễn"

11:10, 03/10/2016

(LĐ online) - Sáng 1/10/2016, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng Tây Nguyên - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". 

(LĐ online) - Sáng 1/10/2016, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển xã hội (PTXH) và quản lý phát triển xã hội (QLPTXH) vùng Tây Nguyên - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo các ban, ngành liên quan của tỉnh Đắk Lắk. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì hội thảo đã phát biểu khai mạc.
 
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, TS Nguyễn Duy Thụy - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nhấn mạnh: Những năm gần đây, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề PTXH và QLPTXH đã giành được sự quan tâm đặc biệt của toàn thế giới. Hiện Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xây dựng nền Kinh tế xanh sau khủng hoảnh tài chính và biến động kinh tế toàn cầu. Từ điểm nhìn của công cuộc tái cấu trúc này, chúng ta sẽ soi rọi vào các vấn đề liên quan đến PTXH và QLPTXH của vùng Tây Nguyên, tham chiếu kinh nghiệm của các quốc gia, đề xuất các mô hình, định hướng và giải pháp QLXH Tây Nguyên để góp thêm luận cứ khoa học cho việc xây dựng các thể chế, chiến lược phát triển bền vững của vùng. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, khi nghiên cứu các hiện tượng phát triển thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc và những con rồng châu Á khác, người ta đã phát hiện ra vai trò to lớn của yếu tố văn hóa trong quản lý. Thuyết “Con người văn hóa” ra đời chỉ ra sự khác biệt văn hóa giữa các dân tộc đã tạo nên những khác biệt trong quản lý. Vì văn hóa dân tộc là mẫu số chung rạo ra sự đồng thuận của mọi thành viên, do vậy, muốn làm cho tổ chức phát triển tốt nhất và được quản lý tốt nhất cần phát huy thế mạnh văn hóa ấy, quan tâm đến lợi ích của mọi thành viên, có chung cách nhìn, mục đích, lợi ích và tiếng nói về những giá trị nhân học đa dạng, phong phú và độc đáo. Nền văn hóa ấy đã đặt ra cho sự nghiệp QLXH và PTXH Tây Nguyên những yêu cầu gì, những giải pháp gì và những vấn đề gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và đối thoại trong hội thảo này để những mối quan tâm với văn hóa Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở việc tiếc thương những di sản văn hóa đã mai một suy tàn, mà gắn kết sâu xa với những suy tư về quản lý. Áp dụng những nguyên tắc văn hóa trong QLXH và PTXH vùng Tây Nguyên là gián tiếp phục sinh những giá trị văn hóa nhân văn đã phai nhạt, tiêu vong trong quá trình phát triển thiếu tầm nhìn bền vững. Hy vọng những ý kiến trao đổi, đối thoại và tranh luận sẽ thức dậy những cảm hứng mới, đưa đến những góc nhìn mới để chúng ta khởi hành trên một chặng đường nghiên cứu mới về thực trạng và viễn cảnh của con người và xã hội Tây Nguyên. 
 
Hội thảo đã nhận trên 60 tham luận, tại hội thảo có 6 tham luận được trình bày và 10 ý kiến thảo luận. Trong đó, đáng lưu ý là các tham luận: Văn hóa tộc người thiểu số ở Tây Nguyên và tác động  của nó đến quan hệ tộc người, khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên, Quản lý phát triển xã hội trong giảm nghèo theo hướng bền vững, Nhận diện và phát huy những mặt tích cực của tiếp biến văn hóa trong các dân tộc bản địa – một nội dung quan trọng của QLXH ở vùng Tây Nguyên, Chính sách và thực hiện chính sách phát triển vùng Tây Nguyên – những thành tựu và một số vấn đề đặt ra… Tham dự hội thảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giới thiệu về thành tựu hơn 10 năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bài học kinh nghiệm và những giải pháp sắp tới, kiến nghị cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng.
 
ĐAN THANH