Khu Công nghiệp Lộc Sơn: Chậm đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường

03:10, 03/10/2016

Trong quá trình 12 năm hoạt động vừa qua, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là ngành TN&MT luôn quan tâm hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật bảo vệ môi trường, nhưng đến nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục khắc phục sớm. 

(LĐ online) - Khu Công nghiệp (KCN) Lộc Sơn đứng trên địa bàn phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, là KCN đầu tiên của tỉnh, thành lập năm 2004. Trong quá trình 12 năm hoạt động vừa qua, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là ngành TN&MT luôn quan tâm hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật bảo vệ môi trường, nhưng đến nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục khắc phục sớm. 
 
Nước thải của Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải riêng của doanh nghiệp rồi chảy ra nhánh suối trước khi đổ ra sông Đại Bình
Nước thải của Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải riêng của doanh nghiệp rồi chảy ra nhánh suối trước khi đổ ra sông Đại Bình

Hệ thống xử lý nước thải chậm hoàn thành 
 
Theo Quyết định thành lập số 757/QĐ-UB ngày 24/3/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng, KCN Lộc Sơn có diện tích 200,2 ha; các ngành nghề sản xuất chủ yếu là chế biến trà, cà phê nhân xuất khẩu, sản xuất lụa tơ tằm, sản xuất các sản phẩm từ vật liệu composit, HDPE, PVC, kaolin, diatomit và cấu kiện bê tông đúc sẵn. Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn Triệu Thanh Nguyên cho biết: Đến nay có 30 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 17 Dự án đang hoạt động, 5 Dự án đang xây dựng, 2 Dự án chuẩn bị đầu tư, 2 Dự án dừng triển khai và 4 Dự án dừng hoạt động. Theo đó, diện tích thuê đất là 72,25 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 60%. Tại thời điểm cuối tháng 9/2016, hiện trạng Công ty đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 1.000 m 3/ngày đêm và đang trong giai đoạn nghiệm thu chuyển giao công nghệ.
 
Về việc chấp hành các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, năm 2008 Công ty đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào tháng 8 cùng năm. Năm 2014, Công ty đã ký hợp đồng thi công công trình xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 1.000m 3/ngày đêm và nước thải ra ngoài đáp ứng QCVN 40:2011/BTNMT cột A. Tháng 9/2016 hệ thống xử lý nước thải tập trung đã được nghiệm thu đơn động và liên động không tải. Hiện Công ty đang chờ hoàn thiện hệ thống cống thu gom nước thải để dẫn nước thải về hệ thống xử lý chuẩn bị cho giai đoạn chạy thử và chuyển giao công nghệ; đang lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình này. 
 
Về việc thực hiện giám sát môi trường định kỳ, KCN Lộc Sơn được triển khai thực hiện giám sát môi trường 2 lần/năm. Từ năm 2014 đến nay, tại đây đã thực hiện đo đạc và lập báo cáo định kỳ 2 lần/năm với các thành phần môi trường như: không khí xung quanh, nước thải, nước mặt, nước ngầm và bùn đáy. Tuy nhiên, so với báo cáo ĐTM, các nhà chuyên môn cho rằng: Đối với quan trắc nước thải của các nhà máy trong KCN chỉ được thực hiện 2/4 (lần/năm) và việc giám sát chất thải rắn chỉ thực hiện 2/4 (lần/năm) và các số liệu không thể hiện rõ trong các báo cáo. Bên cạnh đó, do khách quan, Công ty chưa thực hiện việc quan trắc môi trường không khí và nước thải của bãi trung chuyển chất thải rắn và chưa thực hiện quan trắc 2 mẫu bùn thải và 2 mẫu nước thải. Những thông tin này cần phải có báo cáo cho Sở TN&MT và UBND tỉnh Lâm Đồng để điều chỉnh. 
 
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, tại KCN Lộc Sơn hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất; trong đó Công ty CP Tơ lụa Đông Lâm (lưu lượng nước thải 38,07 m 3/ngày.đêm) và Công ty TNHH Bel Gà (lưu lượng xả nước thải 15 m 3/ngày.đêm) đã có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, còn Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam (lưu lượng nước thải 90 m 3/ngày.đêm) chưa có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Riêng nước thải theo ĐTM của toàn KCN, lượng nước thải là 5.878 m 3. Lãnh đạo Công ty cho biết: dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải sản xuất tập trung với công suất 6.000 m 3/ngày đêm, chia thành 2 đơn nguyên (mỗi đơn nguyên 3.000 m 3/ngày đêm). Công nghệ xử lý nước thải được đề xuất trong báo cáo ĐTM như sau: Nước thải từ các nguồn lần lượt được đưa qua song chắn rác -> bể điều hòa, keo tụ -> bể lắng 1 -> bể sinh học hiếu khí -> bể lắng 2 -> bể khử trùng -> hồ sinh thái -> sông Đại Bình. Theo đó, toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong KCN được thu gom và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung rồi qua hồ sinh thái trước khi chảy ra sông Đại Bình qua một cửa xả duy nhất. 
 
Ngày 27/9/2016, qua kiểm tra thực tế của đoàn thanh tra Bộ TN&MT cho biết, hệ thống xử lý nước thải sản xuất chưa hoàn thành do vậy Công ty chưa có số liệu thống kê về lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp phát sinh tại các dự án trong khu công nghiệp; Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 1.000 m 3/ngày đêm khác với công suất đưa ra trong ĐTM được duyệt là mỗi modul 3.000 m 3/ngày đêm. Mặt khác, công nghệ xử lý nước thải tập trung theo công nghệ AO như sau: nước thải từ các nguồn lần lượt qua bể gom -> bể điều hòa -> bể keo tụ -> bể tạo bông -> bể lắng hóa lý 1 -> bể anoxic -> bể aerotank -> bể lắng sinh học -> bể khử trùng -> hồ sinh thái. Công nghệ này bổ sung thêm bể thiếu khí (bể anoxic) so với công nghệ xử lý trong báo cáo ĐTM được duyệt. Đoàn cũng ghi nhận: Nước thải từ các nhà máy trong KCN chưa được đấu nối với hệ thống thu gom nước thải của KCN. Thực tế nước thải tại Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam và Công ty Cổ phần Tơ lụa Đông Lâm được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải riêng của hai doanh nghiệp này rồi chảy ra nhánh suối trước khi đổ ra sông Đại Bình. Nước thải của các doanh nghiệp còn lại xả ra hệ thống cống thu gom nước mưa (với lượng nước thải không đáng kể, chủ yếu là nước thải sinh hoạt) rồi thoát thải ra ngoài qua 3 cửa xả (2 cửa xả phía nam KCN chảy ra sông Đại Bình, 1 cửa xả phía đông KCN chảy ra suối Đam’Rông. 
 
Khẩn trương khắc phục các tồn tại
 
Đối với khí thải, việc thực hiện giám sát tại KCN Lộc Sơn đã được thực hiện theo ĐTM đã phê duyệt và đã thực hiện báo cáo định kỳ gửi đến Sở TN&MT Lâm Đồng và Ban quản lý các KCN. Đối với chất thải rắn thông thường, theo báo cáo của Công ty, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất của 17 doanh nghiệp khoảng 256 tấn/tháng và được ký hợp đồng xử lý với các công ty bên ngoài. Trong KCN không có khu vực thu gom, lưu giữ chất thải rắn tập trung. Riêng chất thải nguy hại (CTNH), hiện tại, tại KCN Lộc Sơn chỉ có Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam được cấp sổ chủ nguồn thải CTNH. Năm 2013 và năm 2015, đơn vị này đã tiến hành báo cáo quản lý CTNH định kỳ theo quy định; năm 2014, đơn vị có báo cáo đột xuất lượng CTNH phát sinh... Đối với các cơ sở khác trong KCN không thuộc đối tượng cấp sổ nhưng có phát sinh chất CTNH quản lý theo báo cáo giám sát môi trường định kỳ được báo cáo về Sở TN&MT. 
 
Sau khi khảo sát thực tế, đoàn thanh tra của Bộ TN&MT yêu cầu Công ty khẩn trương khắc phục các tồn tại. Cụ thể hơn, đó là thực hiện nghiêm túc chế độ Báo cáo quản lý CTNH định kỳ hàng năm và quản lý CTNH phát sinh từ khu vực văn phòng và trạm xử lý nước thải tập trung theo theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý CTNH. Thực hiện nghiêm túc cam kết về quản lý chất thải rắn theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt, bao gồm: bố trí 50 thùng chứa rác ven đường; bố trí bãi trung chuyển chất thải rắn của KCN đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Công ty cần phải thực hiện nghiêm túc cam kết về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt tại Quyết định số 2253/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng, cụ thể: lắp đặt 46 họng cứu hỏa để phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy nổ; lắp đặt hệ thống chống sét cho các vị trí cao trong khu vực KCN; bố trí trạm y tế tại khu trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng để phục vụ công tác cấp cứu sơ bộ đối với công nhân trong KCN. Cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường...
 
Đại diện phía của Công ty, giám đốc Triệu Thanh Nguyên đã nhất trí các nội dung nêu trên và cam kết sẽ khẩn trương khắc phục các tồn tại, vi phạm mà đoàn thanh tra đã nêu lên. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đề xuất thay đổi một số hạng mục trong ĐTM không phù hợp với thực tế, tiếp tục cấp vốn để Công ty hoàn thiện các hạng mục xây dựng hạ tầng và đề nghị Ban quản lý các KCN tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm đối với công tác môi trường.
 
MINH ĐẠO