Ðể robot không còn nằm trên… giấy

09:01, 18/01/2017

Kích thích tính sáng tạo, tiếp nhận ý tưởng và hướng dẫn từng bước để học sinh hiện thực hóa ý tưởng ấy, chính là mục tiêu của lớp học chế tạo robot đầu tiên tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Olympus, TP Ðà Lạt. Các bạn học sinh đến đây có chung niềm say mê đối với mỗi mô hình, mỗi ý tưởng và chung một khát khao: Chính tay mình có thể tạo nên những con robot hoạt động như mong muốn.

Kích thích tính sáng tạo, tiếp nhận ý tưởng và hướng dẫn từng bước để học sinh hiện thực hóa ý tưởng ấy, chính là mục tiêu của lớp học chế tạo robot đầu tiên tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Olympus, TP Ðà Lạt. Các bạn học sinh đến đây có chung niềm say mê đối với mỗi mô hình, mỗi ý tưởng và chung một khát khao: Chính tay mình có thể tạo nên những con robot hoạt động như mong muốn.
 
Các em say mê với những mô hình robot còn đơn giản do tự tay mình làm nên
Các em say mê với những mô hình robot còn đơn giản do tự tay mình làm nên
Mỗi ý tưởng là một tài sản quý giá
 
Một buổi học của lớp Lập trình và lắp ráp robot khá đặc biệt và hơi khác so với các lớp học thông thường. Trong căn phòng nhỏ, thay vì bảng đen cho thầy và sách vở cho trò - với hàng loạt những công thức khô khan và lý thuyết dài dòng, mỗi bạn học sinh ở đây lại được cấp một máy tính cá nhân, và làm việc trực tiếp với những máy móc cụ thể như các bộ cảm biến âm thanh, cảm biến ánh sáng,… Sau khi kết thúc giai đoạn 1 gồm những kiến thức cơ bản về robot, máy móc và ngôn ngữ lập trình, hiện tại, các em đang bước sang quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện ý tưởng đó. “Mỗi ý tưởng là một tài sản riêng của các em, nên chúng ta phải trân trọng. Nhưng chúng ta cần phải biến tài sản đó trở thành vật quý giá bằng cách cho mọi người tin và thấy cụ thể nó như thế nào” - đó là lời thầy giáo Lương Đình Dũng - giáo viên trực tiếp đứng lớp, thường xuyên nhắn nhủ với các em.
 
Thầy Dũng chia sẻ: “Ðiều quan trọng nhất là phải làm sao giúp cho các em luôn luôn có niềm tin rằng mình sẽ làm được. Là người truyền lửa cho các em, chúng tôi luôn trân trọng bất cứ ý tưởng nào của các em, dù đơn giản hay phức tạp rồi từ đó định hướng cho các em theo những hướng đi phù hợp. Ở đây, chúng ta cần những người thật sự có đam mê và có nhiệt huyết để cố gắng nỗ lực đến cùng cho ý tưởng của mình - đó chính là thông điệp mà chúng tôi hướng đến cho học sinh”.

Trong lớp học, mỗi bạn học sinh đều đang chú tâm vào công việc riêng của mình. Trương Nguyễn Thiên Ân, học sinh lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân đang tìm tòi cách làm để biến ý tưởng “Máy biến không khí thành hơi nước” thành hiện thực. Từ lâu, thấy cảnh người dân nhiều nơi phải khốn khổ vì không có nước hoặc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, Thiên Ân đã có suy nghĩ về một chiếc máy có khả năng lọc hơi nước trong không khí và cho ngưng tụ tạo thành nước. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng Ân không hề có ý định sẽ bắt tay chế tạo nên chiếc máy đó vì em nghĩ mình không đủ kiến thức để làm. Chỉ đến khi đến với lớp học này, được thầy Lương Đình Dũng hướng dẫn chi tiết, từ nguyên lý hoạt động đến những vật liệu cần chuẩn bị, Ân mới có niềm tin rằng sự ra đời của chiếc máy đang trong tầm tay của mình. 

 
Hay Thái Ngọc Bảo Trân, cô học sinh lớp 9 Trường THCS & THPT Tây Sơn lại nghĩ về Máy dọn rác tự động, sau một lần đi dạo ở Quảng trường Lâm Viên: “Sáng ngày sau đêm giáng sinh, ở quảng trường ngập rác nhưng các bác lao công không thể nào dọn hết được. Em nghĩ đến việc cần phải có thêm sự trợ giúp của những chú robot thì công việc đó mới có thể hoàn thành một cách nhanh nhất”. Hiện tại, dưới sự hướng dẫn của thầy Dũng, Trân đang tìm hiểu về phương thức hoạt động của robot đi theo một đường thẳng, có tính năng dọn sạch vật cản trên đường đi của chúng. “Càng tìm hiểu, em càng cảm thấy thích thú và thấy nó không khó như mình tưởng”- Trân hào hứng nói.
 
Trong khi đó, ba bạn nam Bùi Thiên Hoàng, Nguyễn Đức Khải, Nguyễn Thành Lợi lại đang thảo luận sôi nổi về ý tưởng xây dựng hệ thống làm vườn thông minh. Đều là con nhà nông, 3 bạn học sinh đang học lớp 10 này cùng gặp chung một ý tưởng về một hệ thống máy kiểm soát các thông số về nhiệt độ, độ ẩm và tự động báo về hệ thống máy tính khi cây có biểu hiện cần bổ sung nước và chất dinh dưỡng. Để thực hiện đề tài này, 3 bạn phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng người, phân ra người chịu trách nhiệm tìm hiểu các thuộc tính của cây trồng, người khác sẽ lập trình và người còn lại lắp đặt máy. “Mặc dù chúng em cảm thấy hơi khó khăn, nhưng cả 3 quyết tâm phải thử để biết mình có làm được hay không. Bên cạnh đó, chúng em được thầy vạch sẵn hướng đi theo từng bước cụ thể nên có động lực hơn để làm”.
 
Đây đều là những ý tưởng được các em tự nghĩ ra xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện để áp dụng những kiến thức được học từ sách vở vào thực tế.
 
Ðiều quan trọng nhất là đam mê
 
Lớp học chế tạo robot kể trên là lớp học đầu tiên các em học sinh tại TP Đà Lạt được trực tiếp nghiên cứu kĩ càng về hoạt động của robot. Là người làm trong lĩnh vực giáo dục, anh Võ Như Dũng - Giám đốc Trung tâm luyện thi Olympus, TP Đà Lạt thấy rằng chương trình học hiện nay quá nặng lý thuyết, khiến các em học sinh không có nhiều thời gian cho những ý tưởng sáng tạo và đam mê của mình, cho dù học sinh Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Từ đó, nguồn cảm hứng về những lớp học robot hay hóa học ứng dụng thực tiễn ra đời.
 
Anh Dũng đã từng có cơ hội được tham dự những lớp học về robot ở TP Hồ Chí Minh và cảm thấy đây là một trong những bộ môn vô cùng bổ ích đối với các em học sinh cấp II, III. Mong muốn đem chúng về Đà Lạt, nhưng anh mất gần 1 năm mà vẫn không tìm được giáo viên nào phù hợp, khi các môn này trái chuyên ngành Hóa của anh mà thiên về Tin học, Vật lý. Tình cờ biết đến thầy Lương Đình Dũng cũng đang nghiên cứu về bộ môn này và đã có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo trẻ, hai người thầy cùng nhau bàn bạc và cùng tìm… học trò.
 
Tháng 11/2016, mỗi tuần 1 buổi, lớp học robot căn bản được mở thí điểm dành cho các em học sinh cấp II, với 14 học viên. Anh cho biết, vốn đầu tư ban đầu dành cho lớp này khá cao, bao gồm chi phí mua các vật dụng, nguyên liệu cần thiết phục vụ nghiên cứu và minh họa cho các em. “Chúng tôi chấp nhận bỏ ra chi phí này, thậm chí là chịu lỗ hơn 60 triệu đồng để mở lớp thí điểm xem khả năng tiếp cận của các em ra sao. Hiệu quả rất tốt, đồng thời chúng tôi cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía phụ huynh học sinh. Hiện tại lớp robot ứng dụng cũng vừa được khai giảng, với sự hỗ trợ từ Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt”, anh Dũng cho biết thêm. 
 
Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, dù chỉ có vỏn vẹn chục thành viên nhưng nhận thấy niềm say mê từ ánh mắt của các em, thầy Lương Đình Dũng luôn có thêm động lực. Theo anh, lớp học chế tạo robot này giúp các em học sinh không chỉ sử dụng được ngôn ngữ lập trình, mà thông qua đó còn rèn luyện kỹ năng nghiên cứu tài liệu. 
 
Một điều khó khăn cho lớp học robot hiện nay là chưa nhiều phụ huynh ủng hộ con em mình tham gia lớp học này. “Vì lớp học không hỗ trợ điểm số mà chỉ hỗ trợ, kích thích tư duy của các em. Mình chỉ dạy cho các em những nguyên lý, kiến thức cơ bản, còn việc ứng dụng làm cái gì, làm ra sao thì phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của các em. Quan trọng hơn cả là các em được học và được sáng tạo”, anh Võ Như Dũng trăn trở.
 
Hiện tại, Trung tâm Olympus đang có các lớp lập trình Robot arduino, lớp Lập trình và lắp ráp robot trên bộ Lego Mindstorms dành cho các bạn từ 13 - 17 tuổi. Anh Dũng cho biết thêm: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô của lớp học cũng như tìm cách để lớp học có thể đến gần hơn với các em học sinh. Có thể liên kết với các trường để giúp các em học sinh có nhu cầu được tiếp cận và tham gia”.
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM