Hành trình đi tìm loài nấm quý

08:02, 17/02/2017

Nhóm các nhà khoa học tỉnh Lâm Đồng đã có một phát hiện khoa học tuyệt vời khi tìm được loài nấm hương thứ 8 trên thế giới tại huyện Cát Tiên mang cái tên rất đẹp: nấm Bạch kim hương.

Nhóm các nhà khoa học tỉnh Lâm Đồng đã có một phát hiện khoa học tuyệt vời khi tìm được loài nấm hương thứ 8 trên thế giới tại huyện Cát Tiên mang cái tên rất đẹp: nấm Bạch kim hương.
 
Phát hiện trên có cơ sở khoa học, được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong khu vực và thế giới. Trong năm 2016-2017, Bộ Năng lượng Mỹ đã tài trợ Dự án quốc tế “Genome” do GS.TS David Hibbett (Đại học Harvard) đứng đầu sẽ giải trình tự toàn bộ Gennome 7 loài nấm hương (shiitake), trong đó có loài nấm Bạch kim hương được phát hiện tại Việt Nam với tên khoa học Lentinula platinedodes.
 
Nấm Bạch kim hương, loài nấm hương mới nhất được các nhà khoa học tại Lâm Đồng phát hiện mới đây. Ảnh: C.Thành
Nấm Bạch kim hương, loài nấm hương mới nhất được các nhà khoa học tại Lâm Đồng phát hiện mới đây. Ảnh. C.Thành
Phát hiện bất ngờ
 
Chúng tôi gặp PGS.TS Lê Xuân Thám vào những ngày giữa tháng 2, khi ông và các cộng sự đang chuẩn bị đón GS.TS David Hibbett từ Mỹ qua Việt Nam trao đổi các bước tiếp theo về loài nấm mới Bạch kim hương để báo cáo tại Đại hội Nấm học Châu Á AMC (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2017), cũng là lần đầu đại hội được tổ chức tại Việt Nam.
 
Quay trở lại thời gian ông và các cộng sự khám phá ra loài nấm mới, PGS.TS Lê Xuân Thám chia sẻ, ở Việt Nam, từ trước tới nay giới khoa học chỉ biết một loài nấm hương thông dụng và phân bố tại vùng núi phía Bắc nước ta với tên khoa học Lentinula edodes, được trồng nhiều trong môi trường nhân tạo nhằm làm thực phẩm giá trị cao. Các loài nấm mới, đặc biệt là nhóm nấm hương vẫn chưa được các nhà khoa học tìm hiểu đầy đủ và khẳng định trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy, thời điểm phát hiện ra loài nấm mới ông chỉ thực sự bị thuyết phục khi chúng được giám định gen chắc chắn. PGS.TS Lê Xuân Thám kể: “Việc phát hiện loài nấm mới này cũng thật tình cờ. Vào mùa mưa năm 2008, anh Phạm Ngọc Dương (tốt nghiệp ĐH Nha Trang công tác tại VQG Cát Tiên) trong một lần đi sâu vào rừng đã bắt gặp một loài nấm lạ, đẹp mắt và có màu trắng. Sau đó Dương có chụp vài tấm đem về chia sẻ cho chúng tôi xem nhưng không ai nghĩ đó là loài nấm hương mới. Từ năm 2009 tới 2010, một số thạc sĩ Trường ĐH Đà Lạt đã tới rừng Cát Tiên khảo sát thu mẫu một số nấm lạ về làm mẫu chuẩn và tách phân lập, tiến hành nuôi trồng nhân tạo để nghiên cứu sâu hơn. Trong đó, học viên cao học Bùi Hoàng Thiêm (ĐH Đà Lạt) đã làm luận văn Thạc sĩ quốc tế (ĐH Paris Sud) do tôi hướng dẫn đã hoàn chỉnh phân tích các vùng giám định vùng gen ITS đặc trưng, cho phép khẳng định đây là loài shiitake mới của thế giới, khác biệt với các loài shiitake khác trên 8%”.
 
Theo PGS.TS Lê Xuân Thám, tuy khấp khởi mừng nhưng phải tới năm 2011, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tổng hợp các dẫn liệu giải phẫu hình thái, mô tả, chụp bào tử dưới kính hiển vi... ông cùng cán bộ VQG Cát Tiên Phạm Ngọc Dương và các đồng nghiệp trẻ mới công bố công trình khoa học chính thức về loài nấm đặc sắc trên Tạp chí Sinh học Việt Nam với tên Nấm Bạch kim hương (tên khoa học - tính ngữ loài được đề nghị là từ Platinum - bạch kim, ghép với edodes thành platinedodes). Và từ bài công bố trên, giới khoa học nghiên cứu về nấm tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới bắt đầu chú ý và trích dẫn bài báo, điều hiếm khi các nhà nấm học thế giới sử dụng thông tin trên một tạp chí Việt Nam trước đó. “Tới tháng 6/2016, GS.TS David Hibbett, một giáo sư đầu ngành nghiên cứu các loài nấm shiitake trên thế giới thuộc ĐH Harvard và ĐH Clark (Mỹ) đã trực tiếp liên hệ với tôi để thuyết phục đưa loài nấm quý này vào Dự án Gennome có quy mô quốc tế. Qua đó, loài nấm Bạch kim hương - loài đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức được điền vào bản đồ genome chức năng nấm shiitake của thế giới”- PGS.TS Lê Xuân Thám hào hứng nói.
 
Từng phát hiện nhiều loài mới
 
Theo Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng - Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, nếu Việt Nam có khoảng 2.000 loài nấm thì chỉ riêng tại Lâm Đồng (chủ yếu tại VQG Cát Tiên), các nhà khoa học tại Lâm Đồng đã khảo sát được trên 500 loài. Đặc biệt là việc các nhà khoa học đã xác định thêm hơn 90 loài mới, trên 20 chi mới và một họ, một bộ mới bổ sung cho khu hệ các loài nấm phong phú trên cả nước. 
 
Ngoài việc đóng góp cho thế giới thêm loài nấm mới Bạch kim hương, nhiều loài nấm linh chi mới ở nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngoài VQG Cát Tiên. Tại khu vực thác Cổng Trời, VQG Bidoup - Núi Bà và ở K’Long K’Lanh (huyện Lạc Dương), PGS.TS Lê Xuân Thám cùng GS. JM Moncalvo, nghệ sĩ Vũ Mạnh Tư còn phát hiện một loài nấm mới ở miền Nam là nấm phát quang, một loài cực kỳ quý hiếm có giá trị cả về thực phẩm và dược liệu. Và cũng tại đây, 3 loài nấm mới thường mọc trên thân cây gỗ, gây mục mạnh rất hiếm và có giá trị thực phẩm quí đã được phát hiện và đang khảo cứu, thực nghiệm đóng góp cho chi nấm mới của Việt Nam. Hay vào tháng 11/2011, trên tạp chí Mycological Progress của Springer (nhà xuất bản quốc tế nổi tiếng của Đức), PGS.TS Lê Xuân Thám cùng giáo sư J.M.Moncalvo (ĐH Toronto, Canađa) công bố một loài nấm mới của thế giới được phát hiện tại VQG Cát Tiên với tên gọi Hoàng chi Cát Tiên (Tomophagus cattienensis), trong khi chi này thế giới mới biết một loài: Tomophagus colossus. Đây là một loại nấm linh chi mọc đơn lẻ trên gốc cây gỗ lớn với lớp thịt nấm rất dày xốp, rất hiếm gặp. Tất cả các loài được phát hiện mang ý nghĩa như vậy, đều được nghiên cứu qua nhiều phương pháp hiện đại trước khi được bổ sung vào tấm bản đồ nấm đa dạng của cả nước.
 
Hiện Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đang có bộ sưu tập nguồn gen các loại giống nấm với gần 100 chủng loài, trong đó có cả nấm nhập ngoại.
 
Về loại nấm mới nhất Bạch kim hương, bắt đầu từ năm 2015, Trung tâm đã tiến hành nuôi trồng khảo nghiệm tại trạm thực nghiệm huyện Đơn Dương để tìm ra quy trình kỹ thuật trồng với hy vọng đưa loài nấm mới này ứng dụng ngoài thực tế. 
 
Và, từ những thành công rất đáng khích lệ nêu trên, có cơ sở để hy vọng các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi thêm nhiều loài nấm quý hiếm mới có giá trị kinh tế, y học... đủ sức phát triển ngành nấm đầy tiềm năng tại Lâm Đồng khởi sắc trong tương lai gần.
 
CHÍNH THÀNH