Nâng cao nhận thức về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học

08:06, 02/06/2017

Đa dạng sinh học liên kết chặt chẽ với số phận của nhân loại, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động kinh tế, xã hội; cung cấp nước sạch và an toàn cho con người; là nền tảng cho khả năng phục hồi hệ sinh thái, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tính ĐDSH trên trái đất đang bị mất đi với tốc độ lớn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.

Đa dạng sinh học (ĐDSH) liên kết chặt chẽ với số phận của nhân loại, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động kinh tế, xã hội; cung cấp nước sạch và an toàn cho con người; là nền tảng cho khả năng phục hồi hệ sinh thái, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tính ĐDSH trên trái đất đang bị mất đi với tốc độ lớn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.
 
Trước tình hình đó, Công ước ĐDSH được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992 với ba mục tiêu chính: Bảo toàn ĐDSH; sử dụng lâu bền các bộ phận hợp thành của nó; phân phối công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ các nguồn tài nguyên di truyền. Đây là văn bản đầu tiên có tính pháp lý trên phạm vi toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH. Tính đến tháng 5/2009 đã có 191 quốc gia tham gia Công ước này, Việt Nam cũng chính thức gia nhập vào ngày 16/11/1994. Và từ năm 1993, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22/5 hàng năm là Ngày Quốc tế ĐDSH, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH và phản ánh trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản quý giá này. 
 
Bước vào thế kỷ 21, loài người đã nhận thức tài nguyên sinh học là có giới hạn và chúng đang bị con người khai thác vượt quá những giới hạn này, do đó làm giảm tính ĐDSH. Vì vậy, đã đến lúc phải có sự thay đổi triệt để trong mối quan hệ giữa con người với tài nguyên sinh học mà đời sống của con người phụ thuộc vào. Đặc biệt, khi dân số loài người ngày càng tăng hơn so với trước đây (dân số thế giới đến ngày 22/3/2017 là 7,49 tỷ người, uớc tính đến năm 2056 khoảng 10 tỷ người); theo đó, những tác động có tính hủy diệt cùng lúc gây ra bởi tác động thái quá của con người, so với khả năng đáp ứng của trái đất, dẫn đến các loài đang bị diệt vong với tốc độ nhanh nhất và khí hậu đang thay đổi ngày càng nhanh hơn so với trước đây. Điều này vẫn còn tiếp diễn cho đến khi con người cân bằng được các nhu cầu của mình với khả năng đáp ứng của các nguồn tài nguyên. Do đó, các vấn đề liên quan đến bảo tồn ĐDSH không thể tách rời với các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội.
 
Việt Nam nói riêng và các nước vùng nhiệt đới nói chung chứa đựng phần lớn ĐDSH của trái đất. Đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐDSH Việt Nam đang đối mặt với nhiều mối đe dọa do việc gia tăng dân số, nhu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu…
 
Nguyên nhân có nhiều nhưng các nguyên nhân chính gây nên sự suy giảm các loài nguy cấp bao gồm: (1) Các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. (2) Việc khai thác tài nguyên quá mức lại không được đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn và phí tổn về môi trường một cách tương xứng dẫn đến nguồn tài nguyên ĐDSH khá phong phú đang liên tục bị suy giảm và suy thoái nghiêm trọng. (3) Nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn ĐDSH còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng trong xã hội… 
 
Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn ĐDSH, từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm). Đặc biệt từ khi chính thức tham gia Công ước ĐDSH, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo tồn ĐDSH, trong đó nổi bật là Luật ĐDSH được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2008, được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ĐDSH. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong đó có nhấn mạnh cần “Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên…”. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, 12 Quyết định và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành 23 Thông tư nhằm thể chế hóa các chiến lược, quy hoạch, cơ chế về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha. Hệ thống các khu bảo tồn gồm 11 Vườn Quốc gia, 61 khu Bảo tồn thiên nhiên và 34 khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường.
 
Kỷ niệm Ngày quốc tế về ĐDSH, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 đã quyết định năm 2017 là “Năm quốc tế về Du lịch bền vững để phát triển” với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững”, nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, các doanh nghiệp biết được tầm quan trọng về giá trị, vai trò của ĐDSH và bảo tồn ĐDSH đối với phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng; từ đó kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn. Và mỗi khi ngành du lịch được quản lý tốt, các giá trị ĐDSH thông qua doanh thu du lịch sẽ được tăng lên. 
 
Hưởng ứng Ngày quốc tế về ĐDSH năm 2017, ngày 10/5/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo tổ chức các hoạt động, theo đó các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân cần tập trung làm tốt các nội dung như: Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, đặc biệt là giới trẻ về giá trị, vai trò của DDSH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; tổ chức phát động và thực hiện các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước…; lồng ghép thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH trong các chương trình, dự án lâm nghiệp, nông nghiệp… Đồng thời, tổ chức phát động các phong trào: BVMT; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; bảo vệ nguồn nước; lồng ghép hoạt động bảo tồn ĐDSH vào kế hoạch hoạt động của cơ quan, địa phương; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự chủ đề về ĐDSH nói chung, ĐDSH và phát triển du lịch bền vững nói riêng; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và các hoạt động tuyên truyền khác tại cơ quan, địa phương…
 
Là một tỉnh có thế mạnh về cảnh quan, môi trường sinh thái, sự ĐDSH để phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch, việc tích cực hưởng ứng Ngày quốc tế về ĐDSH năm 2017 với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” sẽ là cơ hội để du lịch Lâm Đồng phát triển lên một tầm cao mới, như mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2025 đã đề ra.
 
Khánh Linh