Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang: Điểm nhìn 5 năm tới

09:07, 14/07/2017

"Duy trì, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng văn hóa Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang (gọi tắt là KDTSQ) để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng và đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc", chuyên gia Kensei Oda của tổ chức JICA nói về tầm nhìn của KDTSQ trong 5 năm tới (2018 - 2022). 

“Duy trì, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng văn hóa Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang (gọi tắt là KDTSQ) để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng và đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”, chuyên gia Kensei Oda của tổ chức JICA nói về tầm nhìn của KDTSQ trong 5 năm tới (2018 - 2022). Cùng đó, nhiều chỉ tiêu đặt ra, vì vậy, việc phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan và sớm thành lập “Diễn đàn Quản lý hợp tác” (CMPF) hết sức quan trọng.
 
Phát huy giá trị những sản phẩm của người dân địa phương vùng đệm sẽ góp phần bảo tồn và phát triển. Ảnh: M.Đạo
Phát huy giá trị những sản phẩm của người dân địa phương vùng đệm sẽ góp phần bảo tồn và phát triển. Ảnh: M.Đạo
Tỷ lệ mất hoặc suy thoái rừng giảm 50%
 
Năm mục tiêu của kế hoạch quản lý 5 năm (2018-2022) của Ban quản lý (BQL) KDTSQ là: bảo tồn các hệ sinh thái (HST) tự nhiên; bảo tồn đa dạng văn hóa; phát triển kinh tế bền vững trong khu vực; đóng góp cho giáo dục môi trường (GDMT) và nghiên cứu khoa học trong nước; duy trì cơ chế hợp tác đa ngành. Theo đó, các hoạt động được triển khai cả 3 vùng. Với vùng lõi, là bảo tồn HST tự nhiên, đa dạng sinh học, nguồn gen trong KDTSQ; cung cấp dữ liệu khoa học về HST rừng, đa dạng sinh học và nguồn gen; cung cấp kiến thức bản địa để thích nghi với biến đổỉ khí hậu. Với vùng đệm, cung cấp nguồn thu nhập, sinh kế tăng thêm từ việc quản lý rừng và các nguồn tài nguyên bền vững; tái tạo và phục hồi HST rừng; Cung cấp môi trường và các cơ hội cho hoạt động GDMT, du lịch sinh thái và nghiên cứu; gìn giữ văn hóa truyền thống và đời sống của người cộng đồng thiểu số. Đối với vùng chuyển tiếp, giới thiệu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường; phát triển du lịch kết hợp với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tiếp thị sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong vùng đệm; cung cấp cơ hội việc làm cho người dân địa phương trong KDTSQ, đặc biệt là vùng đệm. 
 
Chuyên gia Oda cũng đưa ra 9 chương trình và mục tiêu đối với KDTSQ là: bảo tồn các giá trị văn hóa; hỗ trợ phát triển kinh tế thân thiện môi trường; phát triển du lịch có trách nhiệm; giảm thải ô nhiễm môi trường; truyền thông và giáo dục môi trường; nghiên cứu khoa học; giám sát và đánh giá; hợp tác quốc tế. Trên cơ sở này, trong 5 năm tới có 36 tiểu chương trình - mục tiêu cụ thể hướng vào từng vùng và toàn khu vực. Để đạt được hiệu quả thực sự, trách nhiệm chính của các bên liên quan trong quá trình triển khai rất cụ thể. Sở NN&PTNT, VQG, BQL KDTSQ với chương trình bảo tồn thiên nhiên; Sở VH-TT&DL, Sở KH&CN với chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa; BQL KDTSQ, VQG, UBND thành phố Đà Lạt với chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế thân thiện với môi trường; Sở VH-TT&DL, VQG với chương trình phát triển du lịch. Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trách nhiệm của Sở TN&MT; chương trình truyền thông và GDMT trách nhiệm thuộc Sở VH-TT&DL, BQL KDTSQ, VQG, Sở TN&MT; chương trình nghiên cứu khoa học trách nhiệm thuộc BQL KDTSQ, VQG. BQL KDTSQ còn chịu trách nhiệm chính 2 chương trình: tổ chức hoạt động và giám sát, đánh giá; hợp tác quốc tế.  
 
Một số chỉ tiêu được kiểm chứng đến năm 2022 là: tỷ lệ mất hoặc suy thoái rừng tự nhiên sẽ giảm 50% so cùng giai đoạn từ 2010-2015; thương hiệu marketing dựa vào bối cảnh tự nhiên và xã hội của KDTSQ sẽ được người dân sống trong KDTSQ và du khách đến thăm Đà Lạt biết đến rộng rãi. Đó còn là, thu nhập bình quân hàng năm của các hộ dân sống trong vùng đệm sẽ tăng 20% từ mức thu nhập của năm 2016-2017; dữ liệu nghiên cứu HST và đa dạng sinh học trong vùng lõi và vùng đệm của KDTSQ sẽ được tích lũy có hệ thống; các chương trình GDMT và du lịch sinh thái sẽ được thiết lập và tổ chức thường xuyên trong vùng đệm...    
 
Đỉnh Lang biang. Ảnh: Thụy Trang
Đỉnh Lang biang. Ảnh: Thụy Trang
Cần thiết thành lập Diễn đàn Quản lý hợp tác
 
Diễn đàn Quản lý hợp tác (CMPF) là một phần diễn đàn KDTSQ nhằm bảo đảm các cơ hội thảo luận liên quan đến những vấn đề của các bên liên quan tại KDTSQ; tìm các giải pháp chung trên cơ sở đồng thuận các vấn đề. 
 
Nguyên tắc của Diễn đàn là chia sẻ thông tin, tuân thủ các quy định, minh bạch trong cơ chế phản hồi, tự nguyện và công khai. Đại diện BQL KDTSQ, TS Đỗ Văn Ngọc - Trưởng Ban thư ký cho biết: Dự kiến đối tượng tham gia thảo luận tại diễn đàn bao gồm: trưởng thôn, người dân; UBND huyện, xã; các công ty tư nhân; thành viên nhóm kỹ thuật (Ban giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (gọi tắt là VQG), BQL Rừng phòng hộ Đa Nhim, các Sở: NN&PTNT, KHCN, TN&MT, VH - TT&DL...); Ban tư vấn (các nhà nghiên cứu, các học giả...). 
 
Mục tiêu CMPF là thúc đẩy và nâng cao sự điều phối và hợp tác giữa các tổ chức thành viên thuộc BQL KDTSQ cũng như các bên liên quan trong hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững KDTSQ, đặc biệt nhằm nâng cao cơ chế Thỏa thuận quản lý hợp tác (CMA).        
 
Chức năng của CMPF là khung điều phối đa ngành, đa thành phần thuộc BQL KDTSQ để thảo luận có tính hợp tác những khó khăn, vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ chế CMA...
 
Trách nhiệm của CMPF bao gồm: thảo luận những khó khăn, các nguy cơ liên quan đến việc bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững HST rừng trong vùng đệm và vùng lõi, đặc biệt việc triển khai cơ chế CMA, giữa các bên liên quan, kể cả cộng đồng địa phương. CMPF còn có trách nhiệm đưa ra những giải pháp, hoạt động để giải quyết những khó khăn, vấn đề thông qua thảo luận, phân tích có tính hợp tác. Tìm ra cách thức để đạt được những đồng thuận cho những phương án, hoạt động sẽ được thực hiện với sự nhất trí của tất cả các thành viên tham gia. Mặt khác, trách nhiệm của CMPF còn là giám sát tiến độ và kết quả của những phương án, hoạt động đã được thông qua... 
 
Rõ ràng, sự cần thiết thành lập CMPF là yêu cầu từ thực tiễn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước ủng hộ. Đơn cử, các ý kiến từ các ông: Phạm Triều - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thành viên BQL KDTSQ; PGS, TS Nguyễn Xuân Thám - phản biện; Đặng Quốc Chính - đại diện doanh nghiệp; GS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Tổ chức Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB)... Các ý kiến tập trung nhấn mạnh CMPF là mô hình đầu tiên ở Việt Nam, sẽ góp phần quan trọng vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng vai trò hết sức quan trọng của người dân trong bảo vệ, quản lý rừng; tạo điều kiện nâng lợi ích sinh kế cho người dân... Tuy nhiên, theo đại diện JICA, Cố vấn trưởng dự án Hiroki Miyazono: Vấn đề quan trọng là thu hút được người dân địa phương vào tham gia CMPF, họ không phải là thành viên của BQL nhưng họ lại là người chơi chính. Lý giải vấn đề này, ông Lê Văn Hương - Phó Thường trực BQL KDTSQ cho biết: Trong thực tế, họ không ký cũng tham gia vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, ông Hương đề nghị Dự án hỗ trợ để sớm thành lập CMPF tại KDTSQ. Cùng kế hoạch 5 năm tới, hành động của CMPF sẽ là những nỗ lực nhằm quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn KDTSQ để thành công nhiệm vụ bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn. 
 
MINH ĐẠO