Khám phá cổ thực vật giữa rừng già Đưng K'nớ

03:01, 09/01/2020

(LĐ online) - Long Đinh Ha Hai (SN 1970), người tự nguyện chuyển tới buôn Lán Tranh, xã Đưng K'nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) sống gắn bó với nghề bảo vệ rừng suốt 22 năm qua dẫn chúng tôi thám hiểm về một loài cây thiêng...

(LĐ online) - Long Đinh Ha Hai (SN 1970), người tự nguyện chuyển tới buôn Lán Tranh, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) sống gắn bó với nghề bảo vệ rừng suốt 22 năm qua dẫn chúng tôi thám hiểm về một loài cây thiêng. Đích hướng tới chính là những quần thể thông hai lá dẹt đặc biệt quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng. 
 
Thông hai lá dẹt khu vực xã Đưng K’nớ
Thông hai lá dẹt khu vực xã Đưng K’nớ
 
Ở nước ta, loài thông này có tên trong sách đỏ, chỉ được ghi nhận tại tiểu khu 75 và 61, khu vực Lán Tranh - Cổng Trời, xã Lát và xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương và vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với Khánh Hòa. Vị trí thông hai lá dẹt xuất hiện thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Với bà con người Cil (một nhánh của dân tộc K’Ho) sống ngoài bìa rừng, nhiều đời nay vẫn quan niệm thông hai lá dẹt là loài cây thiêng, “có cho vàng bà con mình cũng không dám đụng tới!..”, như lời Ha Hai nói với tôi. Thế nhưng, với giới chơi gỗ, thông hai lá dẹt chính là hàng độc. Vì thế, những quần thể thông hai lá dẹt hàng trăm năm tuổi ở khu vực Lán Tranh - Cổng Trời luôn là mục tiêu lâm tặc nhòm ngó. Một sự lơ là trong công tác bảo vệ có thể bị lâm tặc đột nhập. Những cây thông hai lá dẹt đang ở mức cảnh báo cao nhất R (nguy cơ tuyệt chủng) sẽ đổ xuống dưới tay lâm tặc. 
 
Vì cái lý đó, từ ngày đến Lán Tranh sinh sống, chưa năm nào Ha Hai rời rừng, rời những cây thiêng quý hiếm này. Giữa những cánh rừng Tây Nguyên trùng điệp, thông hai lá dẹt kiêu hãnh hiện hữu. Đứng cách xa cả cây số người ta vẫn dễ dàng nhận ra loại cây to lớn ấy. Chưa bao giờ chúng chịu khuất phục trước thiên nhiên, mưa nắng. Thông hai lá dẹt là loại cây khát ánh nắng, hàng trăm năm qua cứ vậy mạnh mẽ vươn lên ngự trị cả rừng già. Với bà con người Cil bản địa luôn quan niệm thông hai lá dẹt là loại cây thiêng, có linh hồn và được thần linh che chở, bất khả xâm phạm.
 
Long Đinh Ha Hai bên cây thông hai dẹt lá
Long Đinh Ha Hai bên cây thông hai dẹt lá
 
Anh Nguyễn Tư Tĩnh, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Suối Cạn, kể về những cây thông hai lá dẹt thuộc lâm phần trạm anh quản lý. Đó là những cây có thân khổng lồ, nổi bật, cao vút giữa rừng nguyên sinh. Anh Tĩnh cho biết, lâm phần anh bảo vệ hiện có khoảng 40-50 cây thông hai lá dẹt. Trong quá khứ, loài thông này từng phải đương đầu với lâm tặc hung hãn bởi có thời điểm gỗ thông hai lá dẹt được giới đại gia săn tìm, mua bán sôi động trên “thị trường đen” với giá cao khủng khiếp. Tất cả các cây thông hai lá dẹt ở đây đều đã được đóng bảng, đánh số để quản lý, bảo vệ theo một đề án bảo tồn loài thông này. Ha Hai luôn tỏ ra am hiểu về loài cây trên. “Nó không thích sống ở chỗ thấp. Cây thiêng chỉ sống từ lưng chừng đổ lên đỉnh núi!..”. Quả thực, điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận có 5 cây thông hai lá dẹt, mỗi cây cách nhau chỉ vài chục mét và tất cả đều trên đỉnh một quả đồi cao vút. Thông hai lá dẹt lớn nhất chúng tôi tiếp cận có đường kính gốc khoảng 2,5m, cây nhỏ cũng hơn 1,5m. Người sành về loài cổ thực vật này như Ha Hai cũng không thể biết được chính xác chúng có tuổi đời bao nhiêu. 
 
Đi quanh gốc một cây thông to lớn rồi ngước mắt nhìn thẳng lên tán lá cao vút, Ha Hai phán đoán: “Nó phải có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí còn hơn thế. Cây thiêng vốn rất chậm lớn mà giờ đã như thế này kìa mà!...”. Thông hai lá dẹt được các nhà khoa học trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu về thông hai lá dẹt đã được triển khai và công bố tại Lâm Đồng, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
 
Nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Suối Cạn tuần tra bảo vệ rừng
Nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Suối Cạn tuần tra bảo vệ rừng
 
Ngày nay, loài thông này vẫn đang đứng trước nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Thông hai lá dẹt bị xếp đầu tiên trong danh sách các loài cây có giá trị đặc biệt, đang nguy cấp hoặc hết sức nguy cấp ở Việt Nam. Cây thiêng hàng trăm năm ngự trị rừng già Nam Tây Nguyên  luôn là mục tiêu săn lùng của lâm tặc. Gần đây nhất, tháng 4/2019, sau nhiều ngày mật phục, lực lượng bảo vệ rừng đã bao vây, bắt được một số đối tượng đang khai thác một cây thông hai lá dẹt có đường kính gốc hơn 1m tại khu vực Cổng Trời. Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện để điều tra, làm rõ. Còn với Ha Hai và bà con người Cil sống bên bìa rừng, thông hai lá dẹt là loài cây thiêng, có linh hồn và luôn che chở bình yên cho buôn làng. Vì thế, từ ngày chuyển tới Lán Tranh sinh sống với nghề bảo vệ rừng, chưa năm nào, Ha Hai rời xa loài cây quý, rời xa “rừng vàng” bạt ngàn. 
 
Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, thông hai lá dẹt có tên khoa học là Ducampopinus kremfii, thuộc họ thông - pinaceae. Đây là loài thông cổ được cho là sinh cùng thời với khủng long, hiện đã gần như bị tuyệt diệt trên thế giới, chỉ có độc nhất ở Việt Nam.
                                      
VĂN BÁU - KHẮC LỊCH