Khởi tạo từ rừng

09:01, 15/01/2020

Cứ trồng rừng trước, mọi thứ sau đó khắc tự thu xếp ổn thỏa, chẳng cần đến bàn tay con người can dự.

Cứ trồng rừng trước, mọi thứ sau đó khắc tự thu xếp ổn thỏa, chẳng cần đến bàn tay con người can dự.
 
Tiến sĩ Esther Horat, Trường Đại học Zurick, Thụy Sỹ đến tìm hiểu mô hình nông nghiệp dưới tán rừng của K’Brooke. Ảnh: T.Chu
Tiến sĩ Esther Horat, Trường Đại học Zurick, Thụy Sỹ đến tìm hiểu mô hình nông nghiệp dưới tán rừng của K’Brooke. Ảnh: T.Chu
 
Nông nghiệp dưới tán rừng
 
Theo K’Brooke (xã Gung Ré, huyện Di Linh), nền nông nghiệp bền vững phải là nền nông nghiệp thuận tự nhiên. Nghĩa là nền nông nghiệp đó ngoài việc tạo ra các loại thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, còn đảm bảo lợi ích kinh tế và đặc biệt phải thân thiện với môi trường. Nền nông nghiệp quá chú trọng đến sản lượng, cũng đồng nghĩa với nền nông nghiệp không có tương lai. Bởi một khi đã chăm chăm vào sản lượng thì thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, vân vân sẽ được tận dụng triệt để, đi kèm với đó là thâm canh thuần loài cao độ, khiến cho đất dần cạn kiệt dinh dưỡng, vi sinh vật trong đất cũng mất dần, kéo theo hạn hán và lũ quét thường xuyên đe dọa, làm tăng nguy cơ mất mùa. “Thế nên, việc cần làm đầu tiên là trồng lại rừng, cũng như tuyệt đối không sử dụng các chế phẩm hóa học. Có vậy mới phá vỡ được thế độc canh thuần loài, tạo sự đa dạng sinh thái, qua đó cải tạo khí hậu tiểu vùng và khôi phục các vi sinh vật trong đất”, K’Brooke nói.
 
Nói là làm, K’Brooke đã hiện thực hóa ý tưởng mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên của mình ngay trong rẫy cà phê gia đình. “Cách đây 5 năm, khi nghe tôi nói ý định trồng xen cây muồng vào rẫy cà phê, bố mẹ tôi đều nghĩ chỉ tổ phí đất. Vì muồng là cây không mang lại hiệu quả kinh tế như cà phê hay một số loại cây trồng khác. Giờ thì bố mẹ tôi đã thấy rõ lợi ích của việc trồng cây muồng. Muồng không những che nắng, chắn gió cho cây cà phê, mà còn giúp điều tiết nước, ngăn dòng chảy trong mùa mưa, đồng thời làm tăng độ ẩm, độ phì nhiêu của đất trong mùa khô”, K’Boore kể.
 
Chọn phương thức canh tác nhiều loại cây dưới tán rừng, K’Brooke quả quyết đó là giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại sự bền vững trong nông nghiệp. “Hãy hình dung thế này, mô hình nông nghiệp của tôi y như mô hình chung cư cao tầng vậy! Mỗi một tầng sẽ có một hoặc một vài loài cây sinh sống. Thay vì mở rộng diện tích canh tác theo chiều ngang, tôi lại phát triển theo chiều cao. Tất cả những điều trên tôi đều học tập từ rừng”, K’Brooke hổn hển.
 
Phân tầng cho cây theo chiều cao, tầng trên cùng là cây rừng, tầng giữa là cà phê và các loại cây thân leo họ bầu bí, tầng trệt là các loại dược liệu, rau bép, rau dớn, vân vân, K’Brooke cũng nuôi thêm bò, heo đen bản địa, dê để lấy phân và nước thải của chúng bón cho cây. K’Brooke tâm sự, làm nông nghiệp kiểu sinh thái này, rất ít công chăm sóc, môi trường cũng rất ít bị tác động.
 
Có chăng chỉ là việc tưới nước, hoặc đỡ cho dây bầu, dây su su phát triển đúng ý định. Mọi thứ còn lại sẽ thuận theo tự nhiên mà phát triển.
   
Tôn trọng tự nhiên
 
K’Brooke chia sẻ rằng, nông nghiệp thuận tự nhiên không đơn thuần là phương thức canh tác thuận tự nhiên, đó còn là lối sống, cách hành xử của con người với thế giới tự nhiên. “Nông nghiệp thuận tự nhiên chính là cuộc sống: sống sạch, làm sạch, ăn sạch và tôn trọng tự nhiên”, K’Brooke khẳng định, rồi nêu ví dụ: “Trước đây, việc xạc cỏ trong rẫy cà phê là điều đương nhiên nhưng từ ngày theo đuổi mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên, tôi nhận thấy cỏ cũng có vai trò nhất định đối với đất và cây trồng khác nên không xạc cỏ nữa mà giữ cỏ phát triển tự nhiên để giữ độ ẩm, tạo chất mùn và làm thức ăn cho bò, heo, dê”.
 
Tôn trọng sự đa dạng sinh học với những loại cây khác nhau, những loại sinh vật khác nhau (cả có ích lẫn đối kháng) là cách thức vận hành xưa nay của rừng. Trong tự nhiên, một cánh rừng luôn có các thảm thực vật phân tầng chung sống hài hòa, đất cũng vậy luôn có sự phân lớp hợp lý cho các vi sinh vật sinh sống. Nhờ đó mà hệ sinh thái luôn được cân bằng, ổn định. Trớ trêu ở chỗ, con người do không hiểu biết tự nhiên, không am tường quy luật của vũ trụ, cộng thêm lòng tham nên đã phá vỡ sự đa dạng sinh học, cũng như vô tư thay đổi các kết cấu của đất đã làm hệ sinh thái bị đảo lộn, còn đất thì trở thành đất chết. Chưa kể, con người còn sử dụng các chế phẩm hóa học vô tội vạ nên càng đẩy nhanh quá trình hoang hóa. Do đó, gây dựng lại rừng rồi trả sự vận hành cho rừng là cách để khôi phục sự cân bằng sinh thái. “Cứ trồng rừng trước, mọi thứ sau đó khắc tự thu xếp ổn thỏa, chẳng cần đến bàn tay con người can dự”, K’Brooke tâm sự.
 
Theo K’Brooke, với cách làm nông nghiệp thuận tự nhiên, người nông dân gần như không tốn bất cứ chi phí nào ngoài tiền mua cây giống. Trong quá trình canh tác, chẳng cần chăm sóc nhiều, cây cũng phát triển xanh tốt. “Như cây cà phê này chẳng hạn, trồng dưới tán rừng, cả cành và lá đều thay đổi, sinh trưởng khỏe hơn, sức đề kháng sâu bệnh cũng tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng hạt cà phê mới là thứ đem lại sự khác biệt. Nó tạo ra một lợi thế cạnh tranh tốt về giá cả”, K’Brooke tâm tình.
 
TRỊNH CHU