Nhà khoa học trẻ đam mê cống hiến

01:07, 22/07/2020

Năm 2016, TS.Nguyễn Minh Hiệp về công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân sau một thời gian dài du học. Khát khao được cống hiến, anh đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và công nghệ nano vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và y dược, tạo ra các sản phẩm vì sức khỏe con người.

[links()]
 
Năm 2016, TS.Nguyễn Minh Hiệp về công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân sau một thời gian dài du học. Khát khao được cống hiến, anh đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và công nghệ nano vào lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và y dược, tạo ra các sản phẩm vì sức khỏe con người.
 
TS.Nguyễn Minh Hiệp - nhà khoa học trẻ đam mê cống hiến
TS.Nguyễn Minh Hiệp - nhà khoa học trẻ đam mê cống hiến
 
Sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, từ nhỏ TS.Nguyễn Minh Hiệp đã dành tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, cây cỏ. Vào cấp 3, TS.Hiệp học chuyên Sinh (Trường Phổ thông Năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) để nuôi lớn ước mơ của mình. Rồi anh trở thành sinh viên xuất sắc Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
 
Năm 2016, TS.Nguyễn Minh Hiệp chuyển về công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân - môi trường khoa học thôi thúc anh sáng tạo. Nhận thấy tiềm năng ứng dụng to lớn của các chế phẩm bảo vệ thực vật và kích thích sinh trưởng thực vật có nguồn gốc sinh học, TS.Hiệp đã đẩy mạnh các hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ và công nghệ nano vào lĩnh vực nông nghiệp. Anh đã thành lập một nhóm nghiên cứu, sản xuất ra các chế phẩm sinh học dạng nano/micro nhằm góp phần phát triển nền “Nông nghiệp sạch, bền vững”, giúp người nông dân tiếp cận với các chế phẩm sinh học có giá thành thấp, hiệu quả cao, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hạ giá thành nông sản sạch. Nhóm nghiên cứu của anh đã tạo ra một số sản phẩm và đã thử nghiệm trên đồng ruộng. Có thể kể, chế phẩm RTO (kết hợp giữa dịch chiết toàn phần rong biển và hệ mang nano chứa chiết xuất thực vật) giúp cung cấp dinh dưỡng và kích thích phát triển bộ lá và bộ rễ của cây trồng; chế phẩm trị tuyến trùng sinh học NBN (hỗn hợp nano chứa chiết xuất thực vật) giúp phòng trị tuyến trùng với giá thành xử lý chỉ khoảng trên dưới 500.000 VNĐ cho 1.000 m 2 và duy trì trong 6 tháng, hiệu quả ngoài thực tế đạt khoảng 70 - 80%; chế phẩm nanoNeem, chế phẩm SHN nồng độ cao, chế phẩm KE và chế phẩm nano OTTO giúp phòng trị sâu, côn trùng gây hại và nấm bệnh...
 
Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thiết lập quy trình chế tạo chế phẩm nano từ curcumin và chitosan bằng phương pháp chiếu xạ phối hợp xử lý hóa học để thăm dò khả năng làm lành vết thương và điều trị sẹo” (2017 - 2018) do anh làm chủ nhiệm được đánh giá cao. Giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài là đã tổng hợp thành công 2 hệ nano curcumin chuyên biệt cho hỗ trợ làm lành vết thương và điều trị sẹo. Qua đó, đã chứng minh hiệu quả sinh học của chúng ở điều kiện in-vivo trên mô hình động vật. Từ nguồn kinh phí tự túc, TS.Hiệp còn xây dựng nhóm chuyên về “Nghiên cứu và phát triển các chế phẩm nano chứa các hoạt chất tự nhiên giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp xạ trị ung thư”. Anh cho biết, hiện nay xạ trị vẫn là một trong những phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, các bức xạ ion hóa đang sử dụng thì ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư còn gây ra các tác dụng không mong muốn như: tiêu diệt các tế bào máu mà điển hình là tế bào lympho, tiêu diệt các tế bào lành xung quanh khối u và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào da; từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bệnh nhân, đôi khi làm cho bệnh nhân tử vong trước khi hoàn thành phác đồ điều trị. Vì vậy, việc tạo ra các chế phẩm từ các hoạt chất tự nhiên dạng nano có khả năng bảo vệ các tế bào thường (tế bào lympho, tế bào da và tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u), thậm chí tiêu diệt tế bào ung thư. Sản phẩm này sẽ có tiềm năng ứng dụng thực tiễn rất lớn, giúp nâng cao hiệu quả cho phương pháp xạ trị ung thư, cứu sống tính mạng nhiều bệnh nhân. Hiện nay, anh đang tiến hành bước đầu nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật in 3-D ứng dụng vào công nghệ thực phẩm và mỹ phẩm. 
 
Để các thành tựu nghiên cứu của mình nhanh chóng được ứng dụng thực tiễn, ngoài thời gian trong phòng thí nghiệm, TS.Nguyễn Minh Hiệp đã chủ động đi thực tế, tìm hiểu về thị trường, tìm hiểu  tâm lý khách hàng, từ đó ứng dụng trực tiếp vào các thiết kế nghiên cứu, có thể cho ra các sản phẩm mới có giá trị thương mại cao. Chính điều này là nền tảng cơ sở để Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học (Viện Nghiên cứu Hạt nhân) do anh làm Phó Giám đốc Phụ trách hiện thực hóa được mô hình kết hợp nghiên cứu - sản xuất giữa Viện và các công ty tư nhân, nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm phục vụ đời sống xã hội.
 
Chỉ trong 4 năm công tác tại Viện (từ 2016 đến nay), anh đã có 14 công trình (trên tổng số 24 công trình nghiên cứu của anh) được đăng tải trên tạp chí thuộc hệ thống ISI và 7 công trình được đăng tải trên tạp chí quốc gia uy tín, 1 công trình được in thành sách. Anh còn là diễn giả chính của 4 hội nghị khoa học quốc tế và 2 hội nghị trong nước; ươm mầm sáng tạo cho nhiều học sinh, sinh viên tại Đà Lạt...
 
Với sức trẻ và những cống hiến không mệt mỏi, TS.Nguyễn Minh Hiệp đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ giai đoạn 2017 - 2019”, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2017, 2018; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2017, 2018, 2019; được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen “Cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua năm 2018”; được công nhận “Nhà khoa học trẻ tài năng” do Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định (tháng 2/2018); Bằng khen vì những đóng góp nổi bật do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc khen tặng (tháng 10/2013); Bằng khen vì những đóng góp và thành tích nổi bật do Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc khen tặng (tháng 10/2012); Bằng khen xuất sắc trong nghiên cứu khoa học do tổ chức Brain Korea 21 (Hàn Quốc) tặng (tháng 9/2012); Bằng khen vì những đóng góp nổi bật do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc khen tặng (tháng 10/2011); Bằng khen Sinh viên 3 tốt do Hội Sinh viên Việt Nam khen tặng  tháng 4/2006.
 
QUỲNH UYỂN