Nghiệm thu Dự án "Nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm thương phẩm"

05:07, 01/07/2020

Sau 1 năm triển khai, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu dự án "Nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm thương phẩm tại xã Lát, huyện Lạc Dương". 

Sau 1 năm triển khai, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu dự án “Nhân rộng mô hình trồng cây đẳng sâm thương phẩm tại xã Lát, huyện Lạc Dương”. 
 
Đẳng sâm được sơ chế tự nhiên dưới nắng mặt trời, có thể nấu - ăn, sắc - uống
Đẳng sâm được sơ chế tự nhiên dưới nắng mặt trời, có thể nấu - ăn, sắc - uống
Dự án đã tiến hành xây dựng 2 mô hình trồng đẳng sâm tại thôn Păng Tiêng 1, xã Lát với quy mô 6.000 m2 (0,6 ha) trồng 60.000 cây giống (3.000 m 2/mô hình). Sau 10 tháng trồng, tỷ lệ cây sống đạt 82-85% và phát triển tốt, củ chính phân 5-10 nhánh; chiều dài rễ củ 25-40 cm. Qua theo dõi, sâu bệnh hại chính trên cây đẳng sâm là sâu xám, rệp mềm, bệnh lở cổ rễ. Năng suất dự kiến sau 14-16 tháng trồng đạt 830-850 kg/1.000 m 2; hiệu quả kinh tế mang lại sau 2 năm đầu tư trồng 1.000 m 2 đẳng sâm sẽ cho lợi nhuận khoảng trên 60 triệu đồng. 
 
Từ mô hình, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng cây giống đẳng sâm ngoài vườn ươm; quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây đẳng sâm ngoài đồng ruộng để chuyển giao cho các hộ nông dân tại địa phương; tổ chức 1 buổi giới thiệu, nhân rộng mô hình trình diễn của dự án với 40 lượt người tham gia; 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đẳng sâm cho 60 lượt nông dân. 
 
Đẳng sâm là vị thuốc quý được ví như “nhân sâm” của người nghèo, giá rẻ chỉ bằng 1/10 so với nhân sâm nhưng bổ dưỡng, hiệu quả, tác dụng bồi bổ cơ thể không thua kém. 
 
ThS. Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Dự án nhằm bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, tiềm năng, từ đó đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của Lạc Dương, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả đạt được của dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại Lạc Dương nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung, việc nhân rộng mô hình sẽ tạo thêm việc làm cho người dân; đồng thời, tạo nguồn giống đẳng sâm sạch bệnh, giảm khai thác trong tự nhiên, từ đó bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý.
 
QUỲNH UYỂN