WHO thiếu thông tin để đánh giá về vắcxin ngừa COVID-19 của Nga

06:08, 13/08/2020

Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO, cho biết WHO chưa nhận được đầy đủ thông tin về vắcxin ngừa COVID-19 của Nga để đánh giá.

Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO, cho biết WHO chưa nhận được đầy đủ thông tin về vắcxin ngừa COVID-19 của Nga để đánh giá.
 
Vắcxin ngừa Covid-19 của Nga có tên Sputnik V
Vắcxin ngừa Covid-19 của Nga có tên Sputnik V
 
Theo Reuters, ông Jarbas Barbosa - Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ngày 11/8 cho biết WHO chưa nhận được đầy đủ thông tin về vắcxin ngừa COVID-19 của Nga để đánh giá.
 
Khi được hỏi về các kế hoạch sản xuất vắcxin tiềm năng ở Brazil, ông Barbosa cho hay các kế hoạch này không nên được thực hiện cho tới khi những cuộc thử nghiệm thuộc giai đoạn 2 và 3 được hoàn tất để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19.
 
Phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến ở Washington, quan chức PAHO nói: “Tất cả các nhà sản xuất vắcxin đều phải tuân theo thủ tục này để đảm bảo nó (vắcxin) an toàn và có được sự đề xuất sử dụng của WHO.”
 
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắcxin ngừa COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.
 
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vắcxin phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sỹ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
 
Nga đã đặt tên vắcxin là Sputnik-V, lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.
 
Ông Dmitriev cho biết vắcxin mới do Viện Gamaleya phát triển đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ nước ngoài. Cụ thể, quỹ này đã nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều vắcxin từ 20 quốc gia.
 
Ông cho biết cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vắcxin/năm tại năm quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa.
 
Cho đến nay, các nước tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đều tỏ ra rất quan tâm tới vắcxin này và RDIF đang hoàn tất một số hợp đồng đặt mua vắcxin.
 
(Theo Vietnam+)