NASA thử nghiệm phóng tàu vũ trụ làm chệch hướng tiểu hành tinh

05:11, 25/11/2021

Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là nhằm làm thay đổi quỹ đạo của Dimorphos, một "tiểu Mặt Trăng" có đường kính 160m quay quanh tiểu hành tinh Didymos ở gần Trái Đất có đường kính khá lớn 780m.

Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là nhằm làm thay đổi quỹ đạo của Dimorphos, một "tiểu Mặt Trăng" có đường kính 160m quay quanh tiểu hành tinh Didymos ở gần Trái Đất có đường kính khá lớn 780m.
 
Tàu vũ trụ DART tiếp cận một tiểu hành tinh
Tàu vũ trụ DART tiếp cận một tiểu hành tinh
 
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 23/11 đã khởi động chương trình thí nghiệm phóng tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh nhằm ngăn chặn nguy cơ một thiên thể khổng lồ trong không gian có thể xóa sạch sự sống trên Trái Đất trong tương lai.
 
Tàu vũ trụ mang sứ mệnh Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) đã được tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX phóng lên không gian vào lúc 10h21 tối 23/11 (theo giờ địa phương) từ căn cứ không quân Vandenberg ở California (Mỹ).
 
Mục tiêu của cuộc thử nghiệm là nhằm làm thay đổi quỹ đạo của Dimorphos, một "tiểu Mặt Trăng" có đường kính 160 mét và quay quanh tiểu hành tinh Didymos ở gần Trái Đất có đường kính lớn hơn rất nhiều (780 mét).
 
Cả hai tiểu hành tinh này cùng quay quanh Mặt Trời. Dự kiến, vụ va chạm giữa tàu vũ trụ và Dimorphos sẽ xảy ra vào mùa Thu năm 2022, thời điểm cặp thiên thể tiếp cận gần Trái Đất nhất, ở khoảng cách 11 triệu km.
 
Chia sẻ với báo giới, nhà khoa học hàng đầu của NASA Thomas Zuburchen cho biết dự án trên có kinh phí 330 triệu USD và là dự án đầu tiên mà con người làm thay đổi động lực học của một thiên thể theo cách có thể đo đạc được.
 
Việc phát hiện các mối đe dọa từ các vật thể gần Trái Đất (NEO), bao gồm các tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo cách Trái Đất trong phạm vi 48,2 triệu km là trọng tâm chính trong dự án của NASA.
 
Đáng chú ý, cơ quan này đặc biệt quan tâm đến các tiểu hành tinh có kích cỡ trên 140 mét, có khả năng san phẳng toàn bộ nhiều thành phố và khu vực với sức tàn phá gấp nhiều lần bom hạt nhân trung bình.
 
Các nhà khoa học cho biết đã phát hiện 10.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất với kích thước 140 mét hoặc lớn hơn, song tất cả những hành tinh này ít có khả năng xuất hiện trong 100 năm tới.
 
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo còn khoảng 15.000 tiểu hành tinh khác vẫn chưa được phát hiện. Theo ước tính của các nhà khoa học, các tiểu hành tinh có đường kính 140 mét có nguy cơ lao vào Trái Đất với tần suất 20.000 năm một lần.
 
Các tiểu hành tinh có đường kính trên 9.600 mét, chẳng hạn như thiên thể từng làm biến mất gần như toàn bộ sự sống trên Trái Đất, trong đó có các loài khủng long cách đây 66 triệu năm, có thể xảy ra khoảng 100-200 triệu năm một lần.
 
Tàu thăm dò DART, có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh lớn với các tấm pin Mặt Trời cỡ một chiếc xe limousine ở hai bên, sẽ lao vào Dimorphos với tốc độ hơn 24.000 km/giờ, gây ra một sự thay đổi nhỏ trong chuyển động của tiểu hành tinh.
 
Các nhà khoa học cho biết cặp đôi tiểu hành tinh Didymos-Dimorphos được coi như một “phòng thí nghiệm tự nhiên lý tưởng" để thử nghiệm, do kính thiên văn trên Trái Đất có thể dễ dàng đo được sự biến đổi độ sáng của cặp Didymos-Dimorphos và dự đoán thời gian Dimorphos quay quanh Didymos.
 
Nhà khoa học Andy Rivkin, Trưởng nhóm điều tra của DART, cho biết chu kỳ quỹ đạo hiện tại của hai tiểu hành tinh này là 11 giờ 55 phút và nhóm hy vọng cú tác động sẽ làm lệch khoảng 10 phút so với quỹ đạo của Dimorphos.
 
Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc chắn về năng lượng phát ra sau va chạm do chưa rõ thành phần bên trong và độ xốp của "tiểu Mặt Trăng" Dimorphos nhưng cho biết càng nhiều mảnh vỡ được tạo ra, càng nhiều lực đẩy tác động lên Dimorphos.
 
Việc dùng tàu vũ trụ lao vào một tiểu hành tinh được gọi là "tác động động học" nằm trong nhiều phương pháp làm lệch hướng một tiểu hành tinh. Đây là phương pháp phù hợp nhất với công nghệ hiện nay.
 
(Theo Vietnam+)