Phát hiện dấu tích của một trái tim đã 380 triệu năm tuổi

06:09, 20/09/2022
Đây có thể được coi là quả tim lâu đời nhất mà nhân loại từng biết tới, thuộc về một loài cá cổ đại có quai hàm.
 
Hóa thạch tim cá nằm trong một khối đá vôi
Hóa thạch tim cá nằm trong một khối đá vôi
 
Các nhà nghiên cứu Australia vừa phát hiện ra dấu tích của một trái tim từng tồn tại cách đây 380 triệu năm tuổi. Đây có thể được coi là quả tim lâu đời nhất mà nhân loại từng biết tới, thuộc về một loài cá cổ đại có quai hàm. Quả tim này, cùng với hóa thạch dạ dày, ruột và gan cá, sẽ cung cấp những hiểu biết mới cho chúng ta về quá trình tiến hóa tự nhiên.
 
Kate Trinajstic, trưởng nhóm nghiên cứu tới từ trường Phân tử và Khoa học Cuộc sống của Đại học Curtin và Bảo tàng Tây Australia, cho biết phát hiện mới rất đáng chú ý vì mô mềm của các loài sinh vật cổ đại hiếm khi được tìm thấy trong tình trạng hóa thạch. Vì thế, việc tìm thấy một hóa thạch mô mềm như vậy ngoài đời còn hiếm hơn nữa.
 
Kate cho biết: “Là một nhà cổ sinh vật học đã có 20 năm trong nghề, tôi thực sự kinh ngạc khi tìm thấy một trái tim được bảo quản nguyên vẹn cấu trúc 3 chiều, đã từng nằm trong cơ thể một sinh vật 380 triệu năm tuổi”.
 
Phát hiện mới, được công bố trên tạp chí Science vào ngày 16/9, là lần đầu tiên người ta tìm thấy một quả tim phức tạp có hình chữ s của một con cá arthrodira cổ đại. Quả tim có 2 khoảng, với khoang nhỏ hơn nằm trên khoang lớn.
 
Arthrodire là một loài cá có hàm và da cứng với các phiến lớn, đã tuyệt chủng từ kỷ Devon, cách nay khoảng 419,2 triệu đến 358,9 triệu năm.
 
Mô phỏng hình ảnh loài cá arthrodire cổ đại
Mô phỏng hình ảnh loài cá arthrodire cổ đại
 
Kate cho biết rằng đặc điểm của quả tim cá sẽ cung cấp một góc nhìn độc đáo về cách thức vùng đầu và cổ cá phải biến đổi ra sao để có chỗ cho phần hàm phát triển. Đây cũng chính là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình tiến hóa của cơ thể con người.
 
Kate nói thêm: “Đây là lần đầu chúng tôi có thể nhìn thấy tất cả các cơ quan nội tạng nằm trong một con cá arthrodire cổ đại. Chúng tôi đặc biệt ngạc nhiên khi thấy rằng chúng cũng không quá khác biệt so với chúng ta”.
 
Cùng với các nhà khoa học tới từ tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Australia ở Sydney và Cơ sở Bức xạ Synchrotron Châu Âu ở Pháp, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như chùm neutron và tia X được gia tốc, để quét các mẫu hóa thạch vẫn còn nằm trong một "bức tường" làm từ đá vôi và dựa vào thông tin thu được để dựng lại hình ảnh ba chiều của các mô mềm.
 
Các hóa thạch đã được thu thập tại vùng Kimberley thuộc Tây Australia, nơi từng là một rạn san hô khổng lồ.
 
(Theo Vietnam+)