Miệt mài đưa tơ lụa Bảo Lộc vươn ra biển lớn

KHÁNH PHÚC  22:11, 28/01/2023

Với hơn 35 năm gắn bó với con tằm, sợi tơ và cả những dải lụa mềm mại, óng ả, bằng niềm đam mê của mình, ông Huỳnh Tấn Phước - Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty VietNam Silk House đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo. Cùng với đó, là những chuyến đi mải miết với mong muốn đưa sản phẩm tơ lụa của phố núi B’Lao bay cao, vươn xa trên thị trường quốc tế.

Ông Phước đưa sợi tơ “hóa thân” vào các trang phục thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên
Ông Phước đưa sợi tơ “hóa thân” vào các trang phục thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên

HÀNH TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ

Trải qua thời gian, với bao thăng trầm, TP Bảo Lộc vẫn luôn khẳng định là “thủ phủ” tơ lụa của cả nước. Hiện nay, địa phương có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa. Mỗi năm, sản lượng tơ của Bảo Lộc đạt khoảng 1.000 - 1.200 tấn, sản lượng lụa đạt 3,5 triệu mét vuông, chiếm 80% sản lượng tơ lụa cả nước. Tơ lụa Bảo Lộc đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia, như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc và đang từng bước có mặt ở nhiều nước thuộc châu Âu. 

Tuy nhiên, ngành Tơ lụa Bảo Lộc hiện còn những khó khăn, thách thức trên chặng đường vươn ra biển lớn do công nghệ sản xuất chưa hiện đại, nguồn giống tằm phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc chưa có tên trên bản đồ quốc tế. Vì vậy, việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường... đang trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với ngành Tơ lụa Bảo Lộc vốn đã nhiều thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ hình thành, phát triển.

Ông Phước kể rằng, quá trình ông bén duyên với tơ lụa đến nay là một hành trình dài vô tận và chưa có hồi kết. Từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới những năm 80 của thế kỷ 20, ông đã bắt đầu làm quen với nghề trồng dâu nuôi tằm. Năm 2005, ông chuyển qua làm việc tại một công ty dệt lụa trên địa bàn TP Bảo Lộc. Năm 2014, ông Phước thành lập Công ty Tơ tằm Nhật Minh chuyên sản xuất tơ cung cấp cho các công ty dệt lụa trong và ngoài nước.

Ươm tơ tự động đang giúp tơ lụa Việt Nam thu hẹp khoảng cách với tơ lụa các nước tiên tiến trên thế giới
Ươm tơ tự động đang giúp tơ lụa Việt Nam thu hẹp khoảng cách với tơ lụa các nước tiên tiến trên thế giới

Ông Phước cho biết: “Trung bình mỗi năm, Công ty chúng tôi sản xuất từ 60 - 65 tấn tơ. Quan điểm của tôi là tơ sản xuất ra không bán cho thương lái, mà chỉ hợp tác cung cấp cho các doanh nghiệp dệt lụa. Hàng năm, Nhật Minh cung cấp cho Công ty Kimono khoảng 40 tấn tơ, số còn lại cung cấp cho một số công ty dệt lụa trong nước và xuất khẩu đi thị trường Ấn Độ.”.

Không chỉ dày công đầu tư sản xuất ra sản phẩm tơ chất lượng cao cung cấp cho thị trường, nhiều năm qua, ông Phước cùng các cộng sự còn có những cuộc hành trình đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng các nước phương Tây như Thụy Sĩ, Nga, Italia, Pháp và San Marino tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn thời trang để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gắn với văn hóa và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, trong tháng 10/2022, ông cùng nhà thiết kế Minh Hạnh và một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình biểu diễn thời trang lụa Việt tại đất nước San Marino và được nước bạn đánh giá cao.

Các nghệ nhân và người mẫu biểu diễn áo dài từ lụa Bảo Lộc được nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế tại đất nước Italia
Các nghệ nhân và người mẫu biểu diễn áo dài từ lụa Bảo Lộc được nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế tại đất nước Italia

KIẾM TÌM NHỮNG SẢN PHẨM ĐỘC ĐÁO

Thông qua những chuyến du ngoạn ở trời Âu, ông Phước đã nhận ra một điều, sản phẩm lụa Việt Nam, cụ thể là lụa Bảo Lộc đã có mặt tại nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, hầu hết đều gắn mác của Nhật Bản và Ấn Độ là 2 thị trường xuất khẩu tơ lớn nhất của Việt Nam. 

“Mình xuất tơ thô cho các công ty dệt của Nhật Bản và Ấn Độ, rồi họ dệt thành lụa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì họ có quyền gắn mác của họ để xuất khẩu. Vì vậy, để lụa thành phẩm Việt Nam đường đường, chính chính đến với thị trường các nước phương Tây cần phải có sự độc đáo riêng của chúng ta về chất lượng và mẫu mã. Muốn vậy, chúng ta phải học hỏi, nghiên cứu để tìm kiếm những gì tinh hoa nhất với quyết tâm thổi hồn vào những dải lụa óng ả, mượt mà. Tuy vô cùng gian truân, nhưng thời gian qua, nhà thiết kế Minh Hạnh đang chung sức với chúng tôi để làm cho bằng được điều đó” - ông Phước chia sẻ một cách chân tình.

Để lụa Bảo Lộc đạt đến độ tinh xảo và có những giá trị độc đáo mang bản sắc riêng, thời gian qua, ông Phước và các thành viên của Việt Nam Silk House đã đi nhiều nơi kiếm tìm các làng nghề để trao gửi ý tưởng. Cuối cùng, ông đã chọn làng Đũi Nam Cao (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) để làm nơi dừng chân trao gửi niềm tin và hy vọng. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của nhà thiết kế Minh Hạnh, ông Phước đã lựa chọn những loại kén tằm tốt nhất ở Lâm Đồng mang ra tận làng Đũi Nam Cao để các nghệ nhân kéo sợi thủ công. Từ những sợi tơ kéo thủ công, ông Phước sử dụng công nghệ hiện đại kết hợp các họa tiết, hoa văn tạo ra các sản phẩm lụa, vải đũi tơ tằm thành phẩm độc đáo, chất lượng tốt.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, những sản phẩm lụa được dệt từ làng Đũi Nam Cao có những giá trị độc đáo riêng, mặc mát về mùa hè, ấm về mùa đông và có tính thẩm mỹ cao. Làng Đũi Nam Cao đang mở ra hướng đi mới đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam nói chung, Bảo Lộc nói riêng chinh phục thị trường thế giới. Theo dự kiến vào cuối tháng 4/2023 tới đây, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Italia, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng ông Phước và đại diện một số doanh nghiệp sẽ tổ chức cuộc triển lãm tại Como (Italia) - thủ phủ tơ lụa thế giới. Qua đó, sẽ tạo cơ hội để sản phẩm lụa Việt được tiếp cận, giới thiệu và khẳng định giá trị với văn minh lụa cao cấp trên bản đồ lụa thế giới.

Còn theo ông Huỳnh Tấn Phước, ngoài việc kết hợp với làng Đũi Nam Cao, ông cũng đang phối hợp với các nghệ nhân người Mạ, K’Ho ở Lâm Đồng để đưa tơ lụa “hóa thân” vào các trang phục thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên. Thông qua cuộc triển lãm tại Como trong thời gian tới, ông cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm bằng tơ lụa Bảo Lộc gắn với những giá trị văn hóa độc đáo của bà con đồng bào DTTS Tây Nguyên tới bạn bè quốc tế.

Cùng với sản phẩm tơ lụa, trong thời gian qua, ông Huỳnh Tấn Phước đang dày công nghiên cứu và hợp tác với các đối tác tại Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm tằm chín sấy khô sang thị trường nước này chế biến các loại thực phẩm chức năng có giá trị cho sức khỏe; đồng thời, phối hợp cùng các đối tác Đài Loan nghiên cứu, chế biến các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa... và phục vụ nghiên cứu y học từ chính con tằm, sợi tơ ở Bảo Lộc.

Với hành trình hơn 35 năm gắn bó cùng con tằm, sợi tơ, bằng chính tâm huyết và niềm đam mê tơ lụa của mình, không quá khi nói ông Phước chính là ông “vua” tơ ở Bảo Lộc.

 



Liên kết hữu ích