Tầm nhìn Tây Nguyên xanh

HỒ XUÂN TRUNG 07:43, 21/01/2023

Từ bao đời nay, Tây Nguyên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” và giữ vai trò “lá phổi xanh” cho cả vùng cũng như khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về “kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại” Tây Nguyên cần được mở hướng phát triển toàn diện với một tầm nhìn dài hạn để trở thành vùng kinh tế xanh - hài hòa - bền vững. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Tây Nguyên. Ảnh: Chính Thành
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành và địa phương tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu Tây Nguyên. Ảnh: Chính Thành

Vận hội đó được thể hiện bởi Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết 23) về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai tại Đà Lạt - Lâm Đồng vào cuối năm vừa qua.

 CƠ HỘI 

Tây Nguyên không chỉ là “phên dậu” quốc gia mà còn là địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước và thuộc Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 10 - NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI nêu: Các địa phương trong vùng đã “phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế của vùng nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng”. Cụ thể, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm, cao nhất các vùng trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, tăng gấp 10,6 lần so với năm 2002... Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.

Từ những tồn tại, hạn chế trong phát triển Tây Nguyên giai đoạn vừa qua, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đề ra quan điểm phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn mới đó là: Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp khai thác; phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. 

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. 

Để cụ thể hóa quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng liên kết vùng, nội vùng, lấy phát triển hạ tầng giao thông làm động lực cho phát triển vùng, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng, quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026 như: Đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương… Về quan điểm cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên theo hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý như rau, hoa Đà Lạt, trà, cà phê Bảo Lộc, sầu riêng Đạ Huoai… Đồng thời, tập trung phát triển mạnh thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với các sản phẩm từ rau, hoa, cà phê và du lịch canh nông.

Đối với quan điểm phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để khai thác hiệu quả lợi thế về khí hậu, cảnh quan, kiến trúc và di sản, bản sắc văn hóa đặc trưng vùng Tây Nguyên vào phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hai Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm và Đankia - Suối Vàng.

Về quản lý và nâng cao chất lượng rừng, siết chặt và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối cùng, tiếp tục quan tâm, phát triển đồng bộ văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc thu hút đầu tư các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Đà Lạt; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân… 

Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

 

 TẠO ĐỘNG LỰC, DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN 

Triển khai Nghị quyết 23, Chính phủ cũng đặt ra kế hoạch cụ thể với kỳ vọng lớn, đi cùng những giải pháp mạnh mẽ, tạo dư địa để phát triển Tây Nguyên xứng tầm là địa bàn chiến lược quốc gia. Theo đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực và phát triển du lịch làm khâu đột phá. 

Để hiện thực khát vọng nêu trên, chìa khóa mở cánh cửa phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững được xác định “phát triển hạ tầng giao thông quan trọng, ngành Du lịch mang tính đặc sắc”. Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 23, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phát triển Tây Nguyên theo hướng liên kết chặt chẽ với vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam Bộ. Lấy việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực, tạo dư địa cho sự phát triển vùng. Đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, nhất là trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN.

Do đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu “phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế”. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm: Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E và Cảng hàng không Pleiku lên cấp 4C; mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ khách du lịch…. Bên cạnh đó, Chính phủ đề ra việc phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với sinh thái và bảo vệ môi trường, hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng... 

• ĐỊNH HÌNH CÁC TIỂU VÙNG KINH TẾ 

Đáng chú ý, chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên được Chính phủ hoạch định, định hình phát triển 3 tiểu vùng gắn với tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương. Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Gia Lai và Kon Tum) duy trì công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng này gắn với các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ theo hành lang các tuyến Quốc lộ 14, 19, 24 và hành lang biên giới Việt - Lào - Campuchia. Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk) tập trung phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa. Không gian phát triển kinh tế Tiểu vùng Trung Tây Nguyên gắn với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên theo hành lang Quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa. Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm. Không gian phát triển kinh tế Tiểu vùng Nam Tây Nguyên gắn với vùng Đông Nam Bộ theo hành lang Quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Gia Nghĩa - Chơn Thành. 

Đồng thời, phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa Tây Nguyên; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. 

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành và 5 tỉnh Tây Nguyên phải thực hiện khát vọng của Chính phủ là “phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”. Theo Thủ tướng, đột phá phải bao trùm đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực; toàn diện từ trên xuống dưới và bền vững đó là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai lại phía sau.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương trong vùng Tây Nguyên phải tự lực, tự cường đi lên bằng nội lực từ bàn tay, khối óc con người. Lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, bản sắc văn hóa Tây Nguyên…) kết hợp với ngoại lực (chính sách hội nhập, nguồn vốn, công nghệ, khoa học quản lý, nguồn nhân lực…) và cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân để phát triển Tây Nguyên xanh, hài hòa, bền vững theo lộ trình đặt ra.