Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Quốc Oai

THÂN THU HIỀN 06:31, 10/02/2023

Để tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Vợ chồng chị Ka Nghiên có thu nhập ổn định nhờ nuôi tằm
Vợ chồng chị Ka Nghiên có thu nhập ổn định nhờ nuôi tằm

Đến thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai những ngày đầu tháng 2, những cánh đồng dâu xanh mướt, lá to bằng bàn tay, người dân phấn khởi thu hoạch kén tằm là những gì mà chúng tôi nhìn thấy. Ông K’Tiếu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Oai cho biết: “Trước đây, những khu vực này chủ yếu trồng cây mía hoặc trồng lúa. Thế nhưng, cách đây khoảng 5 năm, đồng bào dân tộc Mạ tại địa phương đã chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân được tăng cao”.

Như những gia đình khác trong thôn Đạ Nhar, gia đình chị Ka Nghiên đã có cuộc sống ổn định từ khi chuyển đổi sang nuôi tằm. Chị Ka Nghiên cho biết, trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, và để tằm phát triển tốt, gia đình cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt. Việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn. “Trung bình 1 sào dâu nuôi được 1 hộp tằm giống cho khoảng gần 50 kg kén, một năm có khoảng 10 lứa tằm. Để thuận lợi trong việc đảm bảo nguồn thức ăn cho tằm phát triển, vợ chồng tôi đã thống nhất được tham gia vào mô hình trồng dâu nuôi tằm của thôn. Với mức giá ổn định, đến nay, tôi cảm thấy yên tâm hơn với nghề mới, thay vì trước đây phải đi làm thuê, làm mướn”. 

Bà Ka Dụ - Trưởng thôn Đạ Nhar chia sẻ, những năm gần đây, đời sống của bà con có nhiều đổi thay, đặc biệt là nhận thức cũng như kinh tế tại đây đã dần khởi sắc. Với trên 98% là người dân tộc Mạ, bà con đã học hỏi kinh nghiệm để trồng dâu nuôi tằm. Chính nhờ nuôi tằm đã giúp các hộ dân thời điểm nào cũng có thu nhập. Từ đó có điều kiện để đầu tư những giống cây trồng, vật nuôi dài ngày khác hiệu quả hơn.

Tại thôn Hà Tây, mô hình trồng sầu riêng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Luyên (40 tuổi) được xem là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Chị Luyên cho hay, trước đây, khu vườn của gia đình chị canh tác độc canh mỗi cây điều. Tuy nhiên, vườn điều thường xuyên bị bệnh, sâu đục thân gây hại, cộng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khiến năng suất vườn điều không cao. Chính vì vậy, năm 2005, gia đình chị Luyên quyết định chuyển đổi dần diện tích điều trên, thay thế bằng cây sầu riêng. Để việc chăm sóc được thuận tiện và dễ dàng, tất cả diện tích khu vườn đều được vợ chồng chị thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tự động, việc chăm sóc cây trồng cũng hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao. 

Theo chị Luyên, những năm đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên sầu riêng ra hoa nhiều và đậu trái ít, chị bỏ công tìm hiểu trên sách báo, các phương tiện truyền thông, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng…, đặc biệt là trực tiếp tham quan thực tế những mô hình sầu riêng tại các xã khác trong huyện. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, chị đã thành công trong trồng, chăm sóc cây sầu riêng, năng suất đạt cao. Riêng năm 2022, với diện tích 7 ha sầu riêng, vợ chồng chị thu về hơn 40 tấn sầu riêng với tổng thu nhập 1 tỷ đồng đã trừ chi phí. 

Hiệu quả kinh tế của cây ăn quả mang lại như một luồng gió mới, thay đổi nhận thức rõ rệt của người dân Quốc Oai trong cách làm kinh tế tại địa phương. Không chỉ riêng gia đình chị Ka Nghiên, chị Luyên, hiện nhiều hộ dân khác trong xã cũng bắt đầu chuyển đổi những vườn điều sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng; qua đó, nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai, những năm qua, UBND xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất, triển khai các biện pháp chống hạn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tận dụng các nguồn nước phục vụ sản xuất, chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn điều sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và chú trọng chăm sóc cây trồng mới chuyển đổi. Đặc biệt, tập trung chăm lo phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Đạ Nhar, triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 1,8 ha/12 hộ.

Hiện, toàn xã có tổng diện tích cây lâu năm là 2.773 ha, tăng 3% so với năm 2021, bao gồm: cây dâu 260 ha, cây cà phê 125 ha, cây điều 830 ha, cây tiêu 7,6 ha, cây cao su 900 ha, cây ăn quả 470 ha, cây tràm và các loại cây khác 180 ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung chú trọng xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hình thành vùng sản xuất chuyên canh áp dụng một số khâu công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát huy tối đa lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.