Người nông dân trồng rừng nuôi cây

DIỆP QUỲNH 00:05, 15/02/2023

Thay vì tận dụng hết diện tích để trồng cây cà phê, sầu riêng cũng như các loại cây khác, nhiều nông hộ Lâm Đồng đã kết hợp hài hòa vườn - rừng, tạo môi trường sinh thái bền vững. Có một nông hộ đang thực hiện theo hướng canh tác bền vững này, vừa tạo nguồn thu nhập, vừa đảm bảo không gian sống cho cây cỏ và tự nhiên.

Ông Hồ Văn Hùng trong vườn trồng xen
Ông Hồ Văn Hùng trong vườn trồng xen

Ông Hồ Văn Hùng là một nông dân nổi tiếng tại Thôn 6, xã Tân Châu, huyện Di Linh. Nổi tiếng vì ông Hùng có diện tích đất cà phê xen sầu riêng, cây ăn trái rộng tới 13 ha. Và ông cũng là người trồng, duy trì diện tích rừng 4 ha, với những gốc thông đã bằng một vòng ôm. Khu vườn của ông Hùng là một điển hình của canh tác vườn - rừng, tạo một khung cảnh nông nghiệp đẹp và thân thiện với tự nhiên. Đặc biệt, ông rất chú trọng tới việc tiết kiệm nước, đảm bảo sử dụng lượng nước một cách hiệu quả trong mùa khô cao nguyên.

Ông Hồ Văn Hùng cũng như nhiều cư dân Tân Châu vốn gắn bó với cây cà phê từ nhiều năm nay. Đất Tân Châu khá dốc, mảnh vườn ở Thôn 6 của ông Hùng cũng tương tự, là cả quả đồi lớn, đường đi dốc thoải. Từ 2 - 3 năm trở lại đây, thay vì trồng thuần sầu riêng, ông Hùng đã cải tạo vườn, trồng xen một số loại cây ăn trái. Ông đã trồng 1.700 cây sầu riêng, gần 500 cây bơ và mít xen giữa những luống cà phê. Sầu riêng, bơ, mít có cây đã cho trái bói, có cây mang lại cho ông nhiều hi vọng vào tương lai, đặc biệt là cây sầu riêng.

Đất Thôn 6 dốc thoải, là thổ nhưỡng rất thích hợp với cây sầu riêng. Tuy nhiên, lại nảy sinh một vấn đề lớn là làm thế nào cung cấp đủ nước cho loài cây khó tính này. Ông Hùng cho biết, sầu riêng là cây cần nước nhưng không được úng ngập. Vì vậy, vào mùa khô, sầu riêng tuổi kiến thiết cần tưới 3 lần/tuần, mỗi lần từ 70 - 80 lít nước/gốc sầu riêng. Trước chỉ trồng cà phê, trong cả mùa khô nông dân chỉ cần kéo nước tưới 2 - 3 lần, nay trồng sầu riêng, vài ngày đã phải tưới nước. Vì vậy, ông Hùng đã lắp đặt hệ thống tưới tự động toàn vườn. 

Tận dụng địa hình đồi, ông đào hồ trên đỉnh, lắp đặt hệ thống nước tự chảy xuống từng khu. Chỉ cần mở máy, nước sẽ tự động chảy xuống tưới cây, vừa đỡ mất công, vừa đỡ tốn nước. Với cà phê, ông còn áp dụng tưới béc phun thấp. Còn với cây sầu riêng, do nhu cầu đặc biệt, ông áp dụng tưới ngầm. Đường ống được vòng tròn theo thân cây, trùng với tán lá do các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, tán sầu riêng vươn tới đâu, rễ ăn theo tới đó nên ông tưới ngầm phủ rộng theo tán lá. Phân bón, thuốc dưỡng các loại được pha trực tiếp trong bồn, theo ống chảy xuống tưới tận gốc, không lãng phí ra môi trường. Ông Hùng chia sẻ: “Bà con thường áp dụng tưới phun mưa, lượng nước lãng phí khá lớn vì tưới thường xuyên. Gia đình tôi áp dụng tưới ngầm, nước chảy từ từ vào từng gốc nên hiệu quả cao hơn, tiết kiệm cả phân, nước”. Nhờ hệ thống tưới tự động, công việc chăm sóc vườn của ông Hồ Văn Hùng vừa nhàn, vừa đảm bảo hiệu quả, giảm chi phí phân, thuốc.

Ngoài hệ thống tưới tự động, ông Hồ Văn Hùng còn rất tự hào về diện tích rừng của ông. Từ năm 2004, khi vườn cà phê đang sum suê, ông Hùng đã nảy ra ý định trồng rừng. Vậy là ông mua hàng ngàn cây ngo (thông) về trồng trên diện tích 4 ha, kéo dọc đất vườn, ngăn vườn cà phê với thung lũng phía dưới. Sau gần 20 năm, những cây ngo đã cao lớn, có cây đạt một vòng tay ôm, tạo thành một quần thể sinh thái rừng trồng. Ông Hùng chia sẻ: “Nhiều hộ tiếc đất canh tác, trồng hết cà phê nhưng theo tôi, trồng rừng ngo vừa chắn gió, vừa chống sạt lở đất rất hiệu quả, giúp cây trồng sống khỏe, năng suất cao. Thêm nữa là có rừng, có cây, nhiều chim chóc, cheo, sóc về làm tổ, rất đẹp và thấy có sức sống”. Ông Hùng cũng cho biết, trước đây, khi ông kí hợp đồng cung cấp hạt cho thương hiệu cà phê ACOM, vườn của gia đình ông luôn được đánh giá là mô hình vườn - rừng bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Cát, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh nhận xét, ông Hồ Văn Hùng là một nông dân rất tiến bộ, sẵn sàng đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới. Trung tâm nông nghiệp đã hỗ trợ gia đình ông Hùng 1 mô hình tưới tiết kiệm trên cây sầu riêng và nhận thấy hiệu quả, ông Hùng đã chủ động mở rộng mô hình, áp dụng tưới tiết kiệm cho vườn. Ông Hồ Văn Hùng là nông dân sẵn sàng cải tạo các biện pháp canh tác để đảm bảo vườn - rừng phát triển bền vững, hợp với tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.