Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bí đỏ

THÂN THU HIỀN 04:57, 14/03/2023

Tại xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh), diện tích bí đỏ của gia đình anh Dương Quang Dân (Thôn 1) đã mang đến tín hiệu vui về việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Đây là một trong những mô hình thí điểm nằm trong Chương trình Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại của địa phương.

Người dân Thôn 1 thu hoạch bí đỏ tại vườn gia đình anh Dân
Người dân Thôn 1 thu hoạch bí đỏ tại vườn gia đình anh Dân

Gia đình anh Dương Quang Dân có thâm niên trồng cây bí đỏ đã hơn 10 năm nay. Đầu tháng 11/2022, gia đình anh được địa phương chọn xây dựng mô hình thí điểm trồng bí đỏ trên diện tích 6.000 m2 đất ruộng kém hiệu quả. Với diện tích đó, anh đầu tư kinh phí thực hiện hơn 42 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 28 triệu đồng, số còn lại gia đình tự đối ứng. Ngoài hỗ trợ về mặt chi phí và kỹ thuật trồng, sản phẩm của anh Dân được Hội Nông dân xã trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định.

Anh Dân cho biết, trồng bí đỏ rất dễ, ít sâu bệnh. Trồng khoảng 30 - 35 ngày thì cây bắt đầu nở hoa. Với cây bí đỏ, tỷ lệ hoa đực nhiều hơn hoa cái và thường hoa đực có sớm hơn hoa cái 2 - 3 ngày. Cây có thể tự thụ phấn nhờ côn trùng, hoặc có thể tác động đến việc thụ phấn cho hoa bằng cách ngắt hoa đực, dùng cọ tăm bông dúi vào hoa đực để lấy phấn hoa và cọ vào nhụy của hoa cái để thụ phấn. Với đặc tính dễ trồng và dễ chăm sóc, không tốn nhiều công lao động, sau khi xuống giống 70 ngày, cây bí đỏ đã bắt đầu cho thu hoạch quả và ngọn non.

Chi phí đầu tư cho bí đỏ từ giống, phân bón đều không nhiều. Chủ yếu là bón phân chuồng đã được ủ sẵn, cộng thêm 2 đợt bón phân NPK-S là cây lớn rất nhanh. Đây là giống cây bò trên mặt đất nên không phải tốn kém đầu tư làm giàn như dưa chuột hay bầu, mướp. Theo kinh nghiệm trồng bí của anh Dân, bí đỏ sẽ tiến hành gieo hạt từ tháng 10, tháng 11 hàng năm. Vụ gieo tháng 10, tháng 11 sẽ ra quả vào tháng 12, tháng 1. Vụ gieo tháng 12, tháng 1 sẽ ra quả vào tháng 2, tháng 3.

Anh Dân chia sẻ: “Đối với tôi, trồng bí đỏ không khó, cái quan trọng là mình phải chịu khó thì mô hình này mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tôi còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Hiện, số diện tích tôi sử dụng trồng bí đỏ đã được thực hiện tưới nhỏ giọt nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí về khoản này. Hơn nữa, sử dụng phương thức nói trên sẽ cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới”.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên bí đỏ của anh Dân phát triển tốt. Chỉ sau 70 ngày, diện tích bí đỏ của anh đã cho thu nhập cao. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu lại đạt gần 70 triệu đồng cho một lần thu. 

“Vừa qua, diện tích bí đỏ của tôi cho thu 2 tấn/sào với giá bán là 10.000 đồng/kg đối với loại 1 và 5.000 đồng/kg loại 2 tại vườn. Do đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng và chăm sóc bí đỏ, nên sản phẩm của tôi được nhiều thương lái biết đến. Hiện, thương lái ở Đồng Nai họ vừa cung cấp giống và thu mua sản cho gia đình. Và giá thành sẽ giao động tùy theo thị trường. So với trồng lúa, tính tới năng suất và giá thành trồng bí đỏ đều vượt trội cao hơn khi sản xuất lúa thông thường”, anh Dân cho hay.

Ông Bùi Trung Văn - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết, mặc dù bí đỏ là loại cây mới chuyển đổi trên đất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ thiếu tính liên kết , thiếu tập trung, quy mô chưa lớn và chưa có tính phổ biến trong Nhân dân nên bà con còn ngại chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận vào thực tế, so sánh về năng suất, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế với các cây trồng vụ đông truyền thống của địa phương, bí đỏ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. 

“Hiệu quả từ Mô hình Trồng bí đỏ là một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác kém hiệu quả tại Thôn 1 nói riêng và toàn xã An Nhơn nói chung. Để tăng nguồn thu nhập trong gia đình, địa phương khuyến khích các hộ nông dân học tập và nhân rộng mô hình này để có nhiều hiệu quả hơn nữa trong công tác chuyển đổi cây trồng. Qua đó, người dân sẽ chọn lựa được cây trồng phù hợp thay thế cho các loại cây có giá trị thấp, sản xuất kém hiệu quả. Đây sẽ là động lực giúp nông dân đẩy mạnh thâm canh cây trồng, phát triển kinh tế tại địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn nhận định.