Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

NGUYỄN NGHĨA 02:48, 30/03/2023

Thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 29); Kế hoạch số 13, ngày 28/11/2023 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động hướng đến mục tiêu tới năm 2030, tỉnh cơ bản có nền công nghiệp hiện đại, bền vững, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế; nền nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ…

Công nhân dệt lụa
Công nhân dệt lụa

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2030 CƠ BẢN CÓ NỀN CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI, BỀN VỮNG

Tỉnh đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,5 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 135 triệu đồng, tương đương 5.100 USD. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 13 - 14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,7 - 16,5%/năm và chiếm khoảng 65% cơ cấu ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỷ trọng thương mại điện tử đạt trên 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; 45% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,1%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động dưới 20%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 58,8%...

Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

8 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA 

Chương trình hành động của Tỉnh ủy đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp - thương mại, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ sẽ tập trung phát triển công nghiệp có chọn lọc, các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo Nghị quyết số 13, ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quan tâm ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển ngành cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Duy trì phát triển ổn định, bền vững thủy điện; tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phát triển và lưu trữ năng lượng tái tạo; ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng ở những nơi phù hợp, bảo đảm không tác động đến rừng tự nhiên, hạn chế tác động môi trường sinh thái, không ảnh hưởng đến khu vực an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khả năng cung cấp điện tại chỗ để phát triển ngành luyện kim nhôm; xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm tính khả thi, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường; hạn chế những ngành, nghề phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường...

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, phục vụ phát triển đô thị và công nghiệp, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu công nghiệp hóa đề ra. Xây dựng và phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giải quyết chỗ ở cho công nhân, nhằm thu hút nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật giỏi, công nhân lành nghề từ nơi khác về làm việc.

Hình thành trung tâm Logistics tại TP Bảo Lộc và trung tâm Logistics chuyên dụng gắn liền hoặc có đường giao thông thuận tiện, kết nối trực tiếp đến cảng hàng không Liên Khương để phát triển Logistics tỉnh Lâm Đồng. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ không tiếp xúc trên toàn tỉnh. Tiếp tục triển khai kế hoạch về hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các cam kết quốc tế và tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, chủ động sản xuất, phòng tránh các hàng rào thương mại để phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, mặt hàng mới và thâm nhập thị trường hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; nông nghiệp, nông thôn; văn hóa, du lịch; và công tác phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào bảo vệ môi trường, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường.