Cựu chiến binh làm cà phê sạch

DIỆP QUỲNH 01:12, 24/05/2023

Giữa vùng đất Lộc Phú, Bảo Lâm, một cựu chiến binh đang ngày ngày chăm sóc, chế biến những hạt cà phê sạch. Người bộ đội Cụ Hồ đã, đang và sẽ luôn vươn lên dù trong quân ngũ hay giữa đời thường.

CCB Trần Văn Khang trong vườn bơ xen cà phê
CCB Trần Văn Khang trong vườn bơ xen cà phê

Ông Trần Văn Khang, một cựu chiến binh (CCB) đang sống ở Thôn 3, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm là nông dân sản xuất giỏi. Rời quân ngũ về đời thường, người lính trong ông luôn phát huy tinh thần lao động hăng say. Việc đầu tiên, đó là cải tạo lại vườn nhà, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Đất Lộc Phú vốn là đất chè, đất cà phê, những năm về trước, bà con chủ yếu sống nhờ cây chè, cây cà phê. Nhưng công chăm sóc nhiều, mức đầu tư cao và thu hoạch bấp bênh, ông Trần Văn Khang chuyển hướng xen canh. Phá bỏ vườn chè cỗi, ông chuyển sang trồng vườn bơ 034 xen lẫn với tiêu và cà phê. Trên mảnh vườn của gia đình ông, 1.500 gốc cà phê xen lẫn với 300 gốc tiêu và 150 gốc bơ đang cho quả trĩu cành. Ông Khang đánh giá, trồng xen có nhiều lợi ích, đặc biệt là hiệu quả kinh tế. Theo ông, với tình hình nông sản lên - xuống thất thường, trồng xen giúp giảm sự phụ thuộc của người nông dân vào thị trường. Ông nhận xét: “Nông sản có giá cả phụ thuộc thị trường, năm cao năm thấp. Nếu nông dân có nhiều loại nông sản khác nhau thì loại giá cao bù loại giá thấp, bà con không phụ thuộc vào một loại nhất định”. Thêm vào đó, những cây bơ, trụ tiêu sẽ là cây che bóng cho diện tích cà phê, giúp cà phê đạt độ ẩm, đạt bóng rợp vừa phải để phát triển tốt. Toàn vườn đang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn.

Hiện tại, vườn ông Trần Văn Khang đang thu hoạch bơ 034. Dù hiện tại bơ được cung cấp trên thị trường khá nhiều nhưng do vườn bơ trồng với giống chuẩn và chăm sóc tốt theo hướng vườn rừng nên bơ của vườn nhà ông Khang vẫn được thương lái ưa chuộng, đã được đặt mua toàn vườn. Đồng thời, ông thường xuyên bỏ phân cho diện tích cà phê để những cơn mưa hòa tan lượng phân bón, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch cà phê bội thu. Ngoài cà phê, bơ, ông Khang đang chờ vườn sầu riêng năm 4 ra trái bói. Đây sẽ là nguồn thu mới bên cạnh những cây trái đang có.

Sản phẩm giá trị nhất trong vườn CCB Trần Văn Khang là diện tích cà phê. Bởi không giống như các hộ khác, ông trồng và chế biến cà phê chất lượng cao, đảm bảo giá bán trên thị trường rất tốt. Cà phê của gia đình đều đã được tái canh với các giống cho năng suất cao, chất lượng nhân tốt. Một năm, ông Khang thu được khoảng 20 tấn cà phê tươi, xấp xỉ 5 tấn cà phê nhân xanh. Tất cả đều được người CCB hái chín, tự chế biến ướt và chế biến kiểu Nhật. Các phương pháp chế biến này đều đòi hỏi hái chín 100%, chất lượng trái tốt, phơi trên giàn và trong nhà kính. Để phục vụ chế biến cà phê, ông Khang đã làm hẳn một diện tích nhà kính, trong có đặt các giàn phơi để đảm bảo chất lượng cà phê. Cà phê vừa được hái về, qua rửa sạch, lựa bỏ trái lép, trái xanh lạc vào là đưa vào chế biến ngay, đảm bảo được chất lượng tốt nhất.

Chế biến ướt là công nghệ đã quen thuộc với người nông dân. Còn chế biến kiểu Nhật là kỹ thuật còn khá mới, dù không khó. Ông Trần Văn Khang cho biết, hái cà phê chín 100%, lựa kỹ, rửa sạch, sau đó bỏ vào giàn phơi 30 ngày, cho trái cà phê tự khô dần trong nhà kính. Trong thời gian đó, lượng đường từ thịt quả ngấm dần vào nhân cà phê, tạo nên vị ngọt đặc biệt cho hạt cà phê. Theo ông Khang, cà phê chế biến ướt có giá 65 ngàn đồng/kg nhân xanh. Chế biến cà phê kiểu Nhật, giá lên tới 80 ngàn đồng/kg. Cùng một diện tích cà phê, nếu chế biến ướt và chế biến kiểu Nhật, người nông dân có thể tăng thu nhập lên tới 50 - 60%, dù phải đầu tư nhiều hơn để làm giàn phơi và công thu hoạch, chế biến.

Theo CCB Trần Văn Khang cho biết, ông đã chế biến cà phê kiểu Nhật được 4 năm. Sản phẩm cà phê nhân xanh của ông được bạn hàng ưa chuộng, làm bao nhiêu cũng không đủ cung ứng. Các công ty cà phê nổi tiếng như Công ty Hồ Phượng, Công ty Tám Trình sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật cho nông dân cũng như thu mua với giá cao, miễn người nông dân đảm bảo đúng quy trình vì phía công ty sẽ tiến hành giám sát kỹ thuật và kiểm tra dư lượng chặt chẽ.

Ông Bùi Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú cho biết, sản phẩm cà phê của ông Trần Văn Khang là sản phẩm có chất lượng của Lộc Phú, ông đang xây dựng sản phẩm OCOP do huyện hỗ trợ. Chính quyền xã Lộc Phú đặc biệt khuyến khích mô hình canh tác an toàn, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất.