
Truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là đối với các sản phẩm về thực phẩm và tiêu dùng...
Truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là đối với các sản phẩm về thực phẩm và tiêu dùng. Bởi trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng.
 |
Tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo độ tin cậy cho người tiêu dùng |
Việc gắn tem QR code truy xuất cho nông sản không chỉ góp phần minh bạch hóa nguồn gốc, nâng cao giá trị cạnh tranh, được giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước mà còn trực tiếp bảo vệ được người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm.
Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp đã và đang áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGQP, ASC, BAP... Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người tiêu dùng đơn giản hơn trong việc chứng thực nguồn gốc của các loại sản phẩm đang bày bán ở thị trường trước khi đến với bàn ăn của gia đình.
Nông nghiệp Lâm Đồng với nhiều sản phẩm đặc trưng đã và đang dần tạo được chỗ đứng vững chắc trong niềm tin của người tiêu dùng, nên việc dán tem truy xuất thực sự cần thiết, bởi đây chính là tấm giấy thông hành tin cậy để đảm bảo hơn nữa chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Chuyển giao công nghệ Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Có 5 lý do nên sử dụng tem điện tử - truy xuất nguồn gốc đó là: vấn nạn hàng giả, yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu, yêu cầu bắt buộc khi lưu hành vào các đô thị, vào siêu thị và cuối cùng là tem điện tử ngày càng dễ ứng dụng và phổ biến. Theo thống kê, trên toàn quốc chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có trên 39.500 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng nhái bị phát hiện và khảo sát cho thấy hơn 95% hàng hóa trên thị trường bị làm giả và cứ trung bình có 100.000 vụ hàng giả, hàng nhái được cơ quan chức năng triệt phá mỗi năm. Hiện tại, tất cả các khách hàng nhập khẩu nông, thủy sản vào Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada... đều bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Và cũng tính từ tháng 4/2018 Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam, Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ngay như tại Việt Nam, hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã có những yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng mới cho lưu thông trên địa bàn”.
Tại Lâm Đồng, truy xuất nguồn gốc vẫn là hoạt động còn khá mới, chưa dành được sự quan tâm nhiều của người sản xuất. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 33 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy suất điện tử (mã QR code) gồm: 18 HTX, 9 doanh nghiệp, 6 cơ sở.
Theo ông Nguyễn Phúc Tín - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Lâm Đồng: “Về sản phẩm nông sản sử dụng tem truy xuất chủ yếu trên các sản phẩm rau các loại có 16 cơ sở, chè 2 cơ sở, trái cây 4 cơ sở, lúa 2 cơ sở, dược liệu 2 cơ sở, mắc ca 2 cơ sở, cà phê 3 cơ sở, yến sào và mật ong 1 cơ sở. Số lượng tem truy xuất đã phát hành đến nay là hơn 1,5 triệu tem, trong đó: rau trên 500.000 tem, trái cây 200.000 tem, chè 300.000 tem, lúa 40.000 tem, dược liệu 250.000 tem, mắc ca 30.000 tem, cà phê 150.000 tem và yến sào 50.000 tem”.
Thực tế cho thấy, theo Luật ATTP thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc, hơn thế việc truy xuất nguồn gốc chính là cốt lõi để các doanh nghiệp, nhà sản xuất tạo được uy tín đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, đảm bảo được chất lượng hàng nông sản để có thể tạo được chỗ đứng đối với nhiều thị trường khắt khe.
Thông tin từ Sở Công thương Lâm Đồng cho thấy: Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc góp phần tăng 15 - 20% lợi nhuận cho doanh nghiệp so với khi chưa sử dụng. Điều này cũng giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết tập trung. Đồng thời, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong nuôi trồng và sản xuất, sản phẩm tạo ra phải đảm bảo an toàn, giải quyết được tình trạng làm giả, làm nhái thương hiệu nông sản Lâm Đồng. Không những thế, việc dán tem còn kết nối được người thu mua, phân phối, tiêu thụ với người nuôi trồng, qua đó tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị trường của người sản xuất.
LINH ĐAN