Đánh án trên không gian mạng

TỨ KIÊN 22:18, 28/01/2023

Gần đây, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và gây bức xúc trong xã hội.

Thiếu tá Hoàng Nguyễn Việt Tiến - Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia - Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nhiều năm đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, anh luôn cảm nhận sự “tiến hóa” nhanh chóng của đối tượng tội phạm này. Những phương thức, thủ đoạn được chúng áp dụng không ngừng thay đổi, gây nên không ít khó khăn, vất vả cho lực lượng đánh án. 

Lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với các đương sự
Lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với các đương sự

TRUY VẾT… 

Nhớ lại những tháng đầu năm 2021, qua công tác trinh sát nắm tình hình trên không gian mạng, thông tin ban đầu có trên 80 người đến từ các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên, Bình Thuận... bị một đối tượng có tài khoản facebook “Nguyễn Hoàng” giới thiệu đến từ Đà Lạt chiếm đoạt khoảng 300 triệu đồng. Tài khoản facebook “Nguyễn Hoàng” đăng bán rau, củ, quả và yêu cầu khách hàng khi có nhu cầu thì chuyển tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước nhưng sau đó không chuyển hàng. Nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi liên tục, trong thời gian dài từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021, có hoạt động đối phó, xóa dấu vết. Mặt khác, việc các đối tượng lừa đảo trong thời điểm dịch bệnh COVID-19... đã không chỉ gây bức xúc trong Nhân dân mà còn tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nêu cao quyết tâm, tiến hành xác minh, xác định đối tượng để kịp thời xử lý. 

Bằng biện pháp nghiệp vụ lực lượng an ninh mạng nhận thấy số đối tượng trên mua nhiều sim điện thoại không chính chủ và đăng ký các tài khoản facebook ảo (“Nguyễn Hoàng”, “Ngọc Hằng”, “Trung Khánh Lê”, “Khánh Thỷ”...) dùng hình ảnh cá nhân của nhiều người để làm ảnh đại diện và đăng tải các bài viết, hình ảnh rau, củ, quả với giá bán thấp hơn thị trường. Khi có người muốn mua thì đối tượng cung cấp cho khách hàng các số tài khoản ngân hàng để thực hiện chiếm đoạt. Các đối tượng có sự phân công vai trò (chủ vựa rau, tài xế vận chuyển rau) rất cụ thể để thực hiện hành vi lừa đảo. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm đối tượng, đến ngày 17/9/2021, PA05 phối hợp với Công an TP Đà Lạt tiến hành triệu tập 5 đương sự đến làm việc. Qua đấu tranh, khai thác các đối tượng đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 

Nếu như vụ sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng trên còn khá sơ khai, để lại nhiều dấu vết thì vụ sử dụng thư điện tử mạo danh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để lừa đảo là phương thức mới, có tính chất tinh vi, dấu vết để lại hết sức mờ nhạt. Cụ thể, ngày 30/8/2021, phát hiện tài khoản thư điện tử tên “Văn hiệp Trần” có địa chỉ tranvanhiep65.gov@gmail.com gửi đến địa chỉ thư điện tử công vụ của lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nội dung hỏi thăm công việc và đề nghị chuyển hàng chục triệu đồng vào tài khoản để “ngoại giao”. Qua xác minh ban đầu, PA05 xác định tài khoản thư điện tử tranvanhiep65.gov@gmail.com do đối tượng ẩn danh tạo lập, mạo danh đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Xác định đây không chỉ là hành vi lừa đảo theo phương thức mới có tính chất tinh vi mà còn là hoạt động tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị. Với tính chất đó, cán bộ chiến sỹ PA05 đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật, biện pháp nghiệp vụ để đối tượng bộc lộ danh tính trên không gian mạng. Tuy nhiên, đương sự là đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để che dấu vết trên không gian mạng nên công tác điều tra, khám phá gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vụ việc có lúc tưởng chừng đi vào bế tắc, song bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, cán bộ chiến sỹ PA05 đã xác định được đối tượng thực hiện hành vi mạo danh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Đặng Thanh Tùng, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. “Quá trình điều tra cho thấy Đặng Thanh Tùng không chỉ mạo danh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, mà còn mạo danh 25 đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh trên cả nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...” - Thiếu tá Hoàng Nguyễn Việt Tiến cho biết thêm.

Bảo đảm an ninh mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay
Bảo đảm an ninh mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay

TUYÊN TRUYỀN LÀ GIẢI PHÁP TỐI ƯU...

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Vũ Hoàng Anh - Trưởng Phòng PA05 cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng từ tháng 5/2021 (thời điểm thành lập PA05) đến nay, đơn vị đã chủ động phát hiện 26 vụ việc, trong đó phối hợp khởi tố 8 vụ và xử lý vi phạm hành chính 5 vụ. Mặc dù đã tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ nhưng tình trạng sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, bán hàng online trốn thuế, mua bán hàng cấm... vẫn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, các đối tượng sử dụng điện thoại di động, truy cập internet bằng dịch vụ 3G-4G, dùng sim rác để sử dụng, dùng các ứng dụng để nhắn tin như zalo, viber, telegram, whatsapp,... để thực hiện hành vi, trong khi trình độ, năng lực, trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ của ngành nhất là công an cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ viễn thông còn nhiều sơ hở để tội phạm lợi dụng sử dụng các tài khoản ảo, sim rác vào hoạt động tội phạm. Công tác đăng ký, quản lý sử dụng tài khoản ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trực tuyến chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng. Trong một vụ việc xảy ra gần đây, đối tượng sử dụng hình ảnh của mình với các thông tin cá nhân giả mở trên 50 tài khoản ngân hàng khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt của bị hại số tiền hơn 28,5 tỷ đồng. Mặt khác, đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi ngoài lãnh thổ Việt Nam và được điều hành một cách chuyên nghiệp gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo ở một bộ phận người dân còn hạn chế... “Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay giải pháp tối ưu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền” - Thượng tá Vũ Hoàng Anh nhấn mạnh. 

Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội. Để nắm bắt kịp thời cơ hội và phòng ngừa, ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực từ không gian mạng, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh mạng. Tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.