Lâm Hà: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản

HOÀNG SA 05:15, 22/03/2023

Theo ghi nhận, hiện, trên địa bàn huyện Lâm Hà có hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, chỉ mới có 2/16 đơn vị thực hiện lắp đặt camera, trạm cân đưa vào hoạt động theo quy định. Do đó, địa phương đang triển khai tăng cường các giải pháp để chấn chỉnh hoạt động này.

Tại xã Phúc Thọ, hoạt động khai thác khoáng sản cát, đá trái phép vẫn thường xuyên xảy ra
Tại xã Phúc Thọ, hoạt động khai thác khoáng sản cát, đá trái phép vẫn thường xuyên xảy ra

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 16 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, có 13 đơn vị khai thác cát, 2 đơn vị khai thác sét gạch ngói và 1 đơn vị khai thác đá xây dựng. Trong quá trình triển khai giấy phép, nhìn chung các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản; thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Mặt khác, 7/16 đơn vị đã thực hiện thủ tục thuê đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 2/16 đơn vị thực hiện lắp đặt camera, trạm cân đưa vào hoạt động theo quy định là Công ty TNHH Hà Thanh và Công ty TNHH Trung Hào, số còn lại chưa thực hiện việc lắp đặt trạm cân, camera theo quy định.

Theo ông Đinh Đức Chí, những năm qua, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng như triển khai giải pháp thực hiện nhằm ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông luôn được UBND huyện Lâm Hà quyết liệt chỉ đạo cho các đơn vị, ngành chức năng thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra. Khu vực hay xảy ra khai thác khoáng sản cát, đá trái phép tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Phúc Thọ, Phi Tô, Đan Phượng... Trước tình hình trên, UBND huyện Lâm Hà ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để ngăn chặn, giải tỏa, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, thành lập đoàn liên ngành của UBND huyện kiểm tra phòng, chống tội phạm pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập đoàn liên ngành của từng đơn vị để thường xuyên tuần tra, kiểm tra, theo dõi, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn mình quản lý.

Qua đó, các đơn vị đã tham mưu UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp; trong đó có 1 trường hợp khai thác đất sét, 1 trường hợp khai thác đá và 2 vụ khai thác cát với tổng số tiền phạt là 224 triệu đồng; tịch thu 10 m3 cát, 1 máy nổ và buộc nộp lại lợi nhuận bất hợp pháp là 54 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 trường hợp; trong đó có 5 vụ khai thác đất, 9 vụ khai thác cát và 17 vụ khai thác đá với tổng số tiền hơn 110 triệu đồng; tịch thu 14 máy nổ, 4 đầu bơm, 4 sàng cát, 2 bẻ sắt. Đồng thời, Công an huyện Lâm Hà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 trường hợp; trong đó có 4 vụ khai thác cát, 3 vụ khai thác đá với tổng số tiền phạt là 60 triệu đồng.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Lâm Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản với nhiều hình thức khác nhau như phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình, thông qua cổng thông tin điện tử của huyện… 

Mặt khác, huyện Lâm Hà cũng tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với Công ty TNHH Hiệp Hưng doanh nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thanh tra, kiểm tra thường xuyên trong năm 2022. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty với tổng số tiền phạt là 390 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản số 32/GPUBND do UBND tỉnh cấp cho công ty với thời hạn 7 tháng, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp là hơn 463 triệu đồng.

Trong thời gian tới, huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cũng như các đơn vị khác thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Bên cạnh đó, triển khai hàng loạt đợt kiểm tra để kịp thời giải tỏa các điểm nóng về khai thác khoáng sản, nhất là tại địa bàn các xã như Phúc Thọ, Phi Tô, Đan Phượng. Mặt khác, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường dự thảo Quy chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác liên quan đến khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa huyện Di Linh và Lâm Hà gửi UBND huyện Di Linh góp ý theo quy định…” - ông Chí cho hay.