Công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều khó khăn

09:03, 08/03/2016

Thi hành án được xem là khâu kết thúc trong hoạt động tư pháp từ điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử, nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đối với thi hành án hình sự, sau khi bản án tuyên đã có hiệu lực, buộc các bị cáo thi hành bản án đã tuyên chấp hành thời hạn tù tại các trại giam, hoặc cải tạo không giam giữ tại nhà (tù treo), có phần dễ thực hiện hơn. 

Thi hành án được xem là khâu kết thúc trong hoạt động tư pháp từ điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử, nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đối với thi hành án hình sự, sau khi bản án tuyên đã có hiệu lực, buộc các bị cáo thi hành bản án đã tuyên chấp hành thời hạn tù tại các trại giam, hoặc cải tạo không giam giữ tại nhà (tù treo), có phần dễ thực hiện hơn. Nhưng đối với thi hành án dân sự, vì dính líu đến vấn đề tài sản, tiền bạc, kê biên; bán đấu giá tài sản… nên gặp vô vàn khó khăn, phức tạp. 
 
Xuất phát từ tính chất khó khăn, phức tạp của công tác thi hành án dân sự, nên trong hoạt động, ngành THA nhận được sự quan tâm của Tổng cục THA, Tỉnh ủy - HĐND -UBND tỉnh và sự phối kết hợp của các ngành trong khối Nội chính như CA, VKS, TAND, cùng các ngành hữu quan và chính quyền các địa phương cơ sở. Cùng với việc Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27/CT-TU ngày 16/5/2014 và Công văn số 4837/CV-TU ngày 9/2/2015 về “tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động THA hình sự, dân sự” và thường xuyên củng cố, kiện toàn BCĐ THA được xem là yếu tố thuận lợi cơ bản để Cục THA tỉnh triển khai hoạt động THADS trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối kết hợp đồng bộ, hiệu quả của các ngành trong khối Nội chính, bản thân ngành THA cũng ý thức được trách nhiệm của ngành trong hoạt động THADS là góp phần ổn định ANCT-TTATXH, củng cố lòng tin của công dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, nên đã động viên CBCNV trong ngành nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong bối cảnh lượng án trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng đột biến, tính chất các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng ngành THA đã tổ chức THADS đạt tỷ lệ tương đối cao, cụ thể: Tính từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 2/2016, trong tổng số 13.613 việc có điền kiện THA/19.814 việc thụ lý, ngành THA đã giải quyết xong 8.739 việc, chiếm tỷ lệ 64,1%, với số tiền đã THA được 789,706 tỷ đồng/2.057,053 tỷ đồng.  
 
Đặc biệt, trong hai lĩnh vực THADS được xem là khó khăn nhất, là giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng và THA đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải THA đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam. Sở dĩ hai lĩnh vực này được xem là khó khăn, phức tạp nhất trong THADS là do một số trường hợp các NHTM nhận thế chấp tài sản có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền phải THA, hoặc tài sản là đất dự án, nhưng các NHTM vẫn nhận thế chấp tài sản để cho vay vốn, chẳng hạn như vụ Công ty CADASA, ngân hàng nhận thế chấp tài sản chỉ bằng 15% số tiền phải THA, hoặc như vụ Công ty TNHH ĐTXD Trung Kiên phải THA cho Công ty TNHH Tân Lợi Lợi… Với các vụ việc phải THA đối với các đối tượng đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, thông thường các đối tượng phạm tội hình sự này không có tài sản để bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, hoặc khi chấp hành án tù xong, họ rời khỏi địa phương, nên khó tổ chức THADS. Tuy gặp phải những khó khăn này, nhưng ngành THA vẫn chủ động áp dụng các biện pháp, phù hợp với đặc điểm tình hình, nên việc THADS vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Trong 123 vụ việc phải THADS liên quan đến tín dụng ngân hàng, tương ứng với số tiền 584, 426 tỷ đồng, ngành THA đã giải quyết được một số vụ với số tiền 60,683 tỷ đồng. Tương tự, trong tổng số 918 vụ việc phải THA liên quan đến các đối tượng chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, với số tiền phải THADS 18,256 tỷ đồng, ngành THA đã giải quyết được 409 vụ việc, với số tiền 6,527 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, trong thời gian qua, ngành THA đã nỗ lực trong việc giải quyết những vụ việc phải THA nổi cộm, kéo dài bằng việc kiên quyết tổ chức cưỡng chế THA, kê biên tài sản để buộc các đối tượng phải THADS. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này ngành THA gặp phải khó khăn khi tài sản bị kê biên, các trung tâm bán đấu giá định giá quá cao, nên dù các chấp hành viên đã hạ giá nhiều lần (Có vụ hạ giá 10 lần như vụ Công ty Hồng Dương), nhưng vẫn không bán được, hoặc vì người mua có tâm lý ngại mua tài sản bị kê biên, hoặc có vụ chưa có sự thống nhất trong THADS giữa các ngành trong khối Nội chính như vụ doanh nghiệp Hồng Hưng…
 
Ngoài những khó khăn khách quan nói trên, ngành THA cũng đang gặp khó khăn chủ quan, đó là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBCC, nhất là chấp hành viên dù đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa tích cực phối hợp với các ngành hữu quan, các địa phương về cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải THADS, cá biệt, có một số chấp hành viên thiếu ý thức trau dồi nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp dẫn đến sai phạm, phải xử lý kỷ luật. Lãnh đạo một số Chi cục còn chủ quan, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc CBCC, chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ được giao. Một số Chi cục còn thiếu nhân sự cán bộ, dẫn đến quá tải công việc... Theo ông Trần Hữu Thọ - Cục trưởng Cục THADS tỉnh, những khó khăn khách quan, chủ quan nói trên sẽ được lãnh đạo Cục kiến nghị, đề nghị Tổng cục THA, lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan và bản thân ngành có biện pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện để hoạt động THADS đạt kết quả cao hơn.
 
Hoàng Kiến Giang