Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy theo phương châm hướng về cơ sở

08:06, 24/06/2016

Tệ nạn ma túy đang là vấn nạn nhức nhối, nguy hiểm đối với toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay đang đặt ra những trách nhiệm nặng nề, khó khăn và phức tạp… Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6), Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng về vấn đề này.

Tệ nạn ma túy đang là vấn nạn nhức nhối, nguy hiểm đối với toàn xã hội. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay đang đặt ra những trách nhiệm nặng nề, khó khăn và phức tạp… Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy (PCMT) và Ngày toàn dân PCMT (26/6), Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng về vấn đề này.
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn
PV: Thưa đồng chí Giám đốc, đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả công tác đấu tranh PCMT ở Lâm Đồng?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ CA, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đảm bảo ổn định tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, công tác đấu tranh PCMT tại địa phương đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sâu sát, cùng sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt.
 
Đã chủ động quán triệt, tham mưu triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy tại địa phương như: Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trong tình hình mới”; Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT giai đoạn 2011 - 2015; Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy…; đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu xây dựng đề án cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, đề án cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế methadone…
 
Lực lượng Công an đã tập trung triển khai nhiều biện pháp để nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, đấu tranh bóc gỡ được nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ nơi khác vào Lâm Đồng. Do vậy, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, số vụ ma túy phát hiện, khám phá tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 45 vụ, 101/56 vụ; tăng 59 đối tượng, 124/65 đối tượng); trong đó số vụ khởi tố chiếm 76,24%, số vụ XLHC chiếm 23,76%; về tang vật thu giữ trong các vụ án ma túy cũng ngày càng nhiều hơn, có vụ lên tới gần 1,7 kg ma tuý đá, đáng chú ý trong một số vụ, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại vũ khí nóng...
 
Triển khai đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý, đến nay cơ bản vẫn giữ được 33/147 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
 
Ngoài ra, lực lượng Công an cũng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội như: tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma tuý, hệ lụy của tệ nạn ma tuý, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy… để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Đáng chú ý, thời gian vừa qua, đã tổ chức cho 343 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm không tiếp tay, vận chuyển ma túy cho các đối tượng; đồng thời, phối hợp với Cảng hàng không Liên Khương ký kết quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy thông qua đường vận chuyển hàng không… Từ đó, cơ bản đã hạn chế thấp nhất nguồn cung ma túy cho số người nghiện tại địa phương. 
 
PV: Có thể nói, công tác PCMT ở tỉnh ta thời gian qua được triển khai rất quyết liệt. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy và tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Xin đồng chí cho biết vài nét về tình hình hiện nay?
 
Số liệu tội phạm về ma túy
 
Năm 2011: 98 vụ, 1.004 người nghiện.
Năm 2012: 113 vụ, 1.404 người nghiện. 
Năm 2013: 128 vụ, 1.740 người nghiện.
Năm 2014: 146 vụ, 2.034 người nghiện.
Năm 2015: 148 vụ, 2.042 người nghiện.
6 tháng đầu 2016: 101 vụ, 2.177 người nghiện. 
 
* Số vụ phát hiện, bắt giữ từ năm 2011 đến năm 2015 ngày càng tăng (năm 2012 tăng 15 vụ so với năm 2011; năm 2013 tăng 15 vụ so với năm 2012; năm 2014 tăng 18 vụ so với năm 2013; năm 2015 tăng 2 vụ so với năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016 tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2015).
 
* Số người nghiện tính đến hết 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1.173 người so với thời điểm cuối năm 2011.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Hiện nay, có thể nói tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy đang dần trở thành một trong những vấn đề hết sức nhức nhối trên phạm vi toàn cầu nói chung và cả nước ta nói riêng. Đối với địa bàn Lâm Đồng, tệ nạn ma tuý và tội phạm ma túy cũng tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Trước đây, Lâm Đồng được xác định chủ yếu là địa bàn tiêu thụ, các đối tượng chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ (vài tép), các đối tượng nghiện tham gia buôn bán ma túy để lấy tiền hút, chích; nhưng gần đây, vì lợi nhuận lớn từ buôn bán ma túy nên các đối tượng đã buôn bán với số lượng lớn hơn (có vụ gần 1 bánh hêrôin, có vụ gần 1,7 kg ma túy đá). Đặc biệt, đối tượng buôn bán ma túy còn tàng trữ vũ khí quân dụng (có vụ qua khám xét đối tượng buôn bán ma tuý đã thu giữ 2 khẩu súng AR15 và 103 viên đạn; có vụ thu giữ các loại súng bắn đạn bi…).

Nguồn ma túy vận chuyển vào Lâm Đồng vẫn chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc với thủ đoạn gửi ma túy qua đường ký gửi hàng hóa theo các tuyến xe khách đường dài gây khó khăn cho công tác phát hiện, khám phá. Đáng chú ý, thời gian gần đây, lực lượng Công an đã phát hiện, khám phá một số vụ án ma tuý mà các đối tượng lợi dụng đường hàng không (qua sân bay quốc tế Liên Khương) để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy vào địa phương.
 
Số người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát ngày càng tăng, tính đến ngày 15/5/2016 là 2.177 người, tăng 163 người so với thời điểm cuối năm 2015 (2.177/2.014 người). Trong khi đó, vấn đề đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện dưới các hình thức: cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện bắt buộc đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất… Hiện nay, lực lượng Công an cùng các ngành chức năng đang tập trung bàn bạc, thống nhất để tháo gỡ, từ đó tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
 
PV:  Đặc thù của tội phạm ma túy là hoạt động có tổ chức, rất tinh vi nên có tính tiềm ẩn cao. Thực tế mỗi khi có chiến dịch, mở đợt cao điểm truy quét thì số vụ việc liên quan đến ma túy thường tăng. Vậy, phải chăng những vụ án ma túy mà cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ trong thời gian gần đây chỉ là “phần nổi của một tảng băng chìm”?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Lực lượng Công an cũng xác định, tội phạm về ma túy là loại tội phạm hoạt động với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và thường được tổ chức rất chặt chẽ theo đường dây, băng, nhóm nên công tác phát hiện, khám phá hết sức khó khăn. Do đó, có thể nói tội phạm về ma túy là một trong những loại tội phạm có tính tiềm ẩn khá cao. Tuy nhiên, như trên đã nói, Lâm Đồng được xác định là địa bàn tiêu thụ ma túy, do vậy hoạt động của tội phạm ma túy không phức tạp như một số tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh, các đường dây, ổ, nhóm qua đấu tranh phát hiện chủ yếu mang tính chất nhỏ, lẻ, chưa phát hiện tội phạm có tổ chức hoạt động nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia trên địa bàn.
 
Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã tập trung triển khai một cách đồng bộ các biện pháp nhằm tấn công, trấn áp, khám phá tội phạm về ma tuý một cách thường xuyên, liên tục, không chỉ qua các đợt cao điểm mà quan điểm chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh là phải lấy phòng ngừa là chính và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để quyết liệt, đấu tranh liên tục với loại tội phạm này, mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất nguồn cung, không để hoạt động của loại tội này trở thành vấn đề “nóng” tại địa phương Lâm Đồng chúng ta.
 
Tang vật thu giữ trong các vụ án ma túy ngày càng nhiều hơn (Trong ảnh: Một vụ án ma túy gần đây Công an Lâm Đồng thu giữ đến 1,7 kg ma túy đá)
Tang vật thu giữ trong các vụ án ma túy ngày càng nhiều hơn (Trong ảnh: Một vụ án ma túy gần đây Công an Lâm Đồng thu giữ đến 1,7 kg ma túy đá)
PV: Theo đồng chí, cần phải làm gì để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy?
 
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Để nâng cao hiệu quả công tác PCMT trong thời gian tới, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống TPMT, lực lượng Công an tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
(1) Tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PCMT. Đồng thời, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là Chỉ thị 48, Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị 37/CT-TU ngày 17/4/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
 
(2) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, thống kê các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tổ chức rà soát, phát hiện, ngăn chặn, triệt xóa diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy; xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh triệt xóa làm giảm các điểm, tụ điểm phức tạp làm chuyển biến cơ bản tại các tuyến, địa bàn phức tạp về ma túy, kết hợp với việc triển khai các biện pháp chuyển hóa địa bàn xã, phường, thị trấn trọng điểm về TTATXH; tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh như: nhà hàng, vũ trường, khách sạn… để phòng ngừa và kịp thời phát hiện ngăn chặn tội phạm lợi dụng tổ chức mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy.
 
(3) Đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ để chủ động nắm tình hình, phát hiện và triệt phá kịp thời các tụ điểm phức tạp về ma túy một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Tiếp tục tổ chức rà soát thống kê số người nghiện ma túy để áp dụng các biện pháp quản lý người nghiện theo các quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Công thương, Sở Y tế tổ chức kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất, nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn.
 
(4) Phối hợp với các ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tham mưu UBND tỉnh trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Điều 38 Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trước mắt là số người nghiện không có nơi cư trú ổn định nhằm giảm nguồn cầu và các hệ lụy về ANTT do người nghiện ma túy gây ra.
 
(5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy theo phương châm hướng về cơ sở, không dàn trải, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, loại đối tượng trọng điểm, học sinh, sinh viên, phấn đấu làm giảm người nghiện mới; tăng số lượng người cai nghiện thành công để tái hoà nhập cộng đồng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tại cơ sở trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí Giám đốc!
 
LÊ HỮU TÚC (thực hiện)