Giảm "nóng" nhưng chưa hết gian nan

08:07, 13/07/2016

Di Linh vừa sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Huyện ủy về "Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống người dân sinh sống gần rừng trên địa bàn huyện", hy vọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ đạt hiệu quả hơn.  

Ngày 6/7, trao đổi với Bí thư Huyện ủy Di Linh về triển khai việc đóng cửa rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Canh cho biết, mới nhận được văn bản của tỉnh nên chưa thể triển khai ngay. Tuy nhiên, Di Linh vừa sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống người dân sinh sống gần rừng trên địa bàn huyện”, hy vọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV & PTR) sẽ đạt hiệu quả hơn. 
 
Gỗ và phương tiện vi phạm được thu và giữ tại Hạt Kiểm lâm Di Linh
Gỗ và phương tiện vi phạm được thu và giữ tại Hạt Kiểm lâm Di Linh

Những tồn tại và nguyên nhân
 
Di Linh có tổng diện tích rừng và đất rừng là 95.342 ha, chiếm 58,7% tổng diện tích tự nhiên; trong đó, rừng phòng hộ rất xung yếu là 8.624 ha, rừng phòng hộ xung yếu là 4.976 ha, rừng sản xuất là 81.742 ha. Trong 4 năm triển khai Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 7/5/2012 của Huyện ủy, Di Linh đã thu được khá nhiều kết quả: người dân 14 xã có rừng ký 3.600 bản cam kết không vi phạm Luật BV&PTR; 21/21 thôn của 9 xã có rừng xây dựng được quy ước BVR...
 
Từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2016, Di Linh đã phát hiện và lập biên bản 9.401 vụ vi phạm Luật BV&PTR; tịch thu 1.250,266 m 3 gỗ các loại và 5 ô tô, 2 máy cày cải tiến, 314 chiếc xe máy, 63 chiếc máy cưa xăng; thu nộp ngân sách hơn 7 tỷ 200 triệu đồng. Các đơn vị chủ rừng giải tỏa được 292,186 ha diện tích cây trồng do phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép…  
 
Tuy đã đạt được những kết quả, nhưng công tác tuyên truyền ở Di Linh chưa thường xuyên, sâu rộng. Đặc biệt, vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp, trong đó trọng điểm phá rừng xảy ra tại các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Tam Bố, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng. Việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên QL28, vùng giáp ranh với huyện Đức Trọng và Bắc Bình xảy ra nhiều. Thực tiễn cho thấy, lực lượng QLBVR chưa đủ mạnh, chưa đều khắp trên diện tích quản lý; công tác giải tỏa thu hồi đất rừng chưa triệt để; có đơn vị chủ rừng quản lý lỏng lẻo nên để tái lấn chiếm... 
 
Huyện Di Linh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống của nhiều hộ còn khó khăn và nhận thức về BV&PTR còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn những địa phương chưa làm hết trách nhiệm, để xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trong thời gian dài nhưng không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đó còn là trách nhiệm QLBVR của một số chủ rừng, thiếu các biện pháp ngăn chặn vi phạm kịp thời…
 
Không đồng bộ sẽ khó giữ được rừng 
 
Tiếp tục hoàn thành hiệu quả hơn công tác BVQLR tại huyện Di Linh, từ nay trở đi, theo Phó Bí thư Huyện ủy Vũ Đình Sơn, Huyện ủy đề ra 9 nhiệm vụ chính. Thiết nghĩ, đầu tiên và quan trọng nhất là Nghị quyết số 12-NQ/HU của Huyện ủy phải thực sự thấm sâu vào cuộc sống đối với toàn hệ thống chính trị các cấp từ huyện đến cấp xã, các đơn vị liên quan và người dân. Không chỉ kiện toàn, củng cố đội ngũ chỉ đạo cấp huyện có chất lượng mà hơn thế, sẽ tập trung chỉ đạo các ngành liên quan như Công an, Quân đội, Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động QLBVR hiệu quả thực sự. Ngoài việc khắc phục những hạn chế, tồn tại, một trong những giải pháp theo ông Vũ Đình Sơn là “Thực hiện xã hội hóa nghề rừng thông qua chính sách giao đất để trồng rừng, giao rừng để quản lý bảo vệ cho hộ gia đình, cá nhân đặc biệt là những người dân sống gần rừng để họ tự tổ chức sản xuất, trồng rừng và hưởng lợi thành quả từ việc trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng”. 
 
Huyện Di Linh cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm về công tác QLBVR tại một số điểm “nóng” như tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Tam Bố với xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng; xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình; khu vực Gia Bắc - Sơn Điền giáp ranh với xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Mặc dù, Hạt Kiểm lâm Di Linh cho biết, tổng số vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn huyện đã giảm 21 vụ, tương đương 18,7% so với cùng kỳ năm 2015 (đã lập biên bản và xử lý 91 vụ vi phạm, trong đó vi phạm hình sự 1 vụ). Hạt trưởng Kiểm lâm Di Linh Hoàng Tất Dương khẳng định: “Tình hình vi phạm pháp luật về BV&PTR trên địa bàn huyện đã giảm. Anh xem, những tháng gần đây, các trọng điểm khu vực vùng giáp ranh không còn tình trạng vận chuyển gỗ nghêng ngang qua lại nữa. Chúng tôi đã xóa nhiều tụ điểm mua bán, vận chuyển, khai thác rừng tại các xã Tam Bố, Gung Ré, Gia Bắc, Sơn Điền, giải quyết các vùng trọng điểm phức tạp về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở xã Đinh Trang Thượng, Tam Bố...”. Bài học cần phát huy là công tác kiểm tra truy quét các vùng trọng điểm phải tổ chức thường xuyên, thành phần tham gia đầy đủ sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.  
 
Phải khẳng định, rừng Di Linh chưa thể nói bình yên, mặc dù công tác phối hợp tuần tra, truy quét giữa kiểm lâm, các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng đã được tổ chức thường xuyên, liên tục hơn, nhưng tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn xảy ra; nhất là các vùng giáp ranh vẫn chưa thể khống chế dứt điểm, các đối tượng vẫn lén lút khai thác, vận chuyển gỗ. Vì vậy, rất cần các cấp, các ngành liên quan tập trung chỉ đạo phối hợp các lực lượng của các huyện giáp ranh hoạt động đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể là, tăng cường quản lý chặt chẽ các tụ điểm mua bán, vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn giáp ranh; bố trí lực lượng ngăn chặn triệt để các tuyến đường thường xuyên vận chuyển gỗ trái phép về địa bàn mình quản lý. Ông Hoành Tất Dương cũng đề nghị các cấp chính quyền thường xuyên chỉ đạo sâu sát hơn nữa công tác QLBVR tận gốc của các đơn vị chủ rừng; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị chủ rừng để xảy ra tình trạng khai thác, lấn chiếm, phá rừng… gây thiệt hại lớn mà không phát hiện hoặc không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
 
MINH ĐẠO