Vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

09:07, 04/07/2016

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành trong thời gian tới chứa đựng một nội dung mới hết sức quan trọng - đó là quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Có thể nói rằng, đây là bước đột phá về tư duy pháp lý của nhà làm luật vì từ trước đến nay, pháp luật hình sự nước ta qua các thời kỳ chỉ quy định về trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành trong thời gian tới chứa đựng một nội dung mới hết sức quan trọng - đó là quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Có thể nói rằng, đây là bước đột phá về tư duy pháp lý của nhà làm luật vì từ trước đến nay, pháp luật hình sự nước ta qua các thời kỳ chỉ quy định về trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.
 
Vậy vấn đề cần làm rõ là: Thế nào là pháp nhân thương mại? Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi nào?
 
Tại điều 75 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về Pháp nhân thương mại:
 
- Là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
 
- Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
 
- Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Đây là một nội dung hết sức mới được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. Bởi lẽ, trong thực tiễn cuộc sống đất nước ta, nền kinh tế thị trường đã và đang hình thành, phát triển với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế. Nguyên tắc của sự vận hành và bảo hộ hoạt động của các thành phần kinh tế đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế, một số pháp nhân thương mại (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế) đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình hoạt động của mình nhưng chỉ dừng lại ở mức độ bị truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật. Có thể nói rằng, nếu chỉ áp dụng chế tài của pháp luật về hành chính, dân sự, kỷ luật thì chưa đáp ứng việc răn đe, giáo dục, đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt là đối với việc khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại xảy ra do các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại.
 
Vậy pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi: 
 
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân,
 
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân,
 
- Hành vi phạm tội được thực hiện khi có chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân,
 
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
 
Việc chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Đồng thời, tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể ở nội dung của Bộ luật Hình sự năm 2015 (gồm 31 tội danh):
 
Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Trước mắt, Bộ luật Hình sự xác định phạm vi các tội danh mà pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường, đây là những tội danh mà pháp nhân thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Trên tinh thần đó, Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 9 tội thuộc Chương XIX - Các tội phạm về môi trường.
 
- Về chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội bao gồm 3 hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); 3 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính) và 4 biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra).
 
Về việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân được pháp luật quy định rất chặt chẽ, đó là: Mỗi tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
 
Ngoài ra, một trong những điểm mới khác được BLHS năm 2015 quy định, đó là điều khoản về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân phạm nhiều tội (Điều 86 BLHS năm 2015), tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân (Điều 87 BLHS năm 2015), về miễn hình phạt (Điều 88 BLHS năm 2015), quy định về xóa án tích cho pháp nhân (Điều 89 BLHS năm 2015). 
 
Việc quy định về xóa án tích cho pháp nhân dựa trên tinh thần những quy định về xóa án tích đối với cá nhân con người cụ thể được quy định tại Chương X của BLHS năm 2015, theo đó Điều 89 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”, so với xóa án tích đối với cá nhân con người phạm tội cụ thể thì phạm vi được xóa án tích của pháp nhân hẹp hơn, điều này xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của pháp nhân cho xã hội là rất lớn, cho nên thu hẹp phạm vi được xóa án tích cũng thể hiện được tính răn đe, nghiêm khắc trong xử lý đối với pháp nhân phạm tội.
 
NGUYỄN TẠO
Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng