Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao

08:08, 30/08/2016

Tuy số vụ tội phạm công nghệ cao được phát hiện trên địa bàn thời gian qua chưa nhiều, thiệt hại không quá lớn, nhưng tình hình diễn biến của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng, phức tạp trong những tháng gần đây.

Tuy số vụ tội phạm công nghệ cao được phát hiện trên địa bàn thời gian qua chưa nhiều, thiệt hại không quá lớn, nhưng tình hình diễn biến của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng, phức tạp trong những tháng gần đây.
 
Đối tượng giả danh một sỹ quan quân đội Hoa Kỳ dùng facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một phụ nữ ở Đà Lạt
Đối tượng giả danh một sỹ quan quân đội Hoa Kỳ dùng facebook lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một phụ nữ ở Đà Lạt
Theo số liệu của Phòng PC45 (Cảnh sát Hình sự) Công an tỉnh Lâm Đồng cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ riêng Phòng PC45 đã ghi nhận 15 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc đều liên quan đến việc sử dụng các trang mạng xã hội trên internet, mà chủ yếu là trang facebook cũng như các trình liên lạc phổ biến trên thế giới như skype, twitter, thư điện tử gmail và gọi điện thoại từ mạng internet… Trong số 15 vụ việc tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện gần đây có 6 vụ sử dụng facebook lừa chuyển tiền, hàng nước ngoài và nhận trúng thưởng; 5 vụ sử dụng facebook xúc phạm danh dự, nhân phẩm; 2 vụ sử dụng facebook lừa nạp thẻ cào điện thoại; 1 vụ lừa qua điện thoại; và 1 vụ huy động vốn qua đầu tư tiền ảo bitcoin. Các vụ việc chủ yếu được phát hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà. 
 
Theo Thượng úy Nguyễn Thế Quang (Phòng PC45), người trực tiếp xử lý các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao: Đặc điểm nổi bật của loại tội phạm công nghệ cao là tính quốc tế. Từ phương thức, thủ đoạn, phạm vi gây án, đối tượng bị xâm hại tới mục tiêu gây án hầu như về cơ bản đều giống nhau trên toàn thế giới. Thủ phạm gây án có thể ngồi một chỗ tấn công vào bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần xuất đầu lộ diện, chỉ để lại rất ít dấu vết là những dấu vết điện tử và thời gian gây án thường rất ngắn khiến cơ quan điều tra khó phát hiện, thu thập nhưng lại dễ dàng tiêu huỷ. Tội phạm công nghệ cao được chia làm hai nhóm: nhóm tội phạm với mục tiêu tấn công là các loại thiết bị kỹ thuật số, mạng máy tính và nhóm thứ hai là tội phạm sử dụng máy tính làm công cụ phạm tội. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những vụ việc tội phạm công nghệ cao được phát hiện chủ yếu tập trung vào nhóm thứ hai “tội phạm sử dụng máy tính làm công cụ phạm tội”.
 
Tại Lâm Đồng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này rất đa dạng, sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: Tạo các tài khoản facebook giả mạo để làm quen, kết bạn, tự giới thiệu là người thành đạt, nhưng không may mắn trong cuộc sống gia đình để tạo sự tin tưởng với bị hại. Tiếp đến, đối tượng ngỏ lời yêu thương, muốn tiến tới hôn nhân và thông báo có khoản tiền lớn (hoặc đồ vật, tài sản có giá trị cao) muốn gửi về Việt Nam để tặng, mua nhà và gửi đích danh cho bị hại thông qua bưu điện hoặc đường ngoại giao. Sau đó khoảng vài ngày, một đối tượng (sử dụng sim rác) liên hệ với bị hại, tự xưng là nhân viên hải quan (hoặc cán bộ ngoại giao) thông báo hàng đã về đến Việt Nam, để nhận được hàng thì phải đóng phí nhận hàng (hoặc tiền phạt) nếu không sẽ bị thu hồi hàng hóa, tiền và tài sản khác. Bị hại tin tưởng nên đã gửi tiền qua tài khoản ngân hàng, và liền sau đó, các đối tượng đã nhanh chóng rút tiền tại các trụ ATM trên toàn quốc (một số trường hợp đã rút ở nước ngoài).
 
Cũng với phương thức, thủ đoạn trên, đối tượng tạo các tài khoản facebook giả mạo (hoặc tài khoản facebook mới), sau đó đăng những thông tin nhạy cảm với mục đích bôi xấu, làm mất uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người bị hại. Hoặc đối tượng chiếm quyền điều khiển (hack) các tài khoản (chủ yếu là facebook), tìm hiểu các mối quan hệ, các nội dung trò chuyện trong phần tin nhắn của tài khoản, sau đó nhắn tin hỏi thăm, vờ như người quen… Khi đã tạo được lòng tin, bị hại không nghi ngờ thì đối tượng liền nhờ bị hại mua thẻ cào, chuyển cho đối tượng để bán cho người chơi game online, hoặc nạp tiền vào điện thoại.
 
Cùng với các vụ việc trên, những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra thiệt hại lớn về tài sản trong thời gian gần đây. Đó là bằng những phương thức gọi điện thoại VOIP (là hình thức gọi điện thoại trực tuyến từ mạng internet), đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để hù dọa, đưa ra thông tin bị hại có liên quan đến vụ án buôn bán ma túy, nếu bị hại không muốn bị cơ quan công an bắt giữ thì phải rút tiền trong các tài khoản ngân hàng chuyển cho bọn chúng để giám định. 
 
Ngoài các phương thức trên, hiện nay, trên một số địa bàn các huyện, thành phố đang diễn ra tình trạng mời chào, kêu gọi đầu tư vào tiền ảo bitcoin, onecoin, hoặc đầu tư tài chính tiền Việt Nam đồng… Phương thức chính của hoạt động này là đưa ra lời mời hấp dẫn, đầu tư với tỷ suất lợi nhuận từ 100% đến 200%, nên đã có không ít người tham gia. 
 
Theo nhận định của Phòng PC45 Công an tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức tội phạm tiếp tục hoạt động với phương thức và hành vi che giấu tội phạm tinh vi xảo quyệt hơn, gây khó khăn cho công tác phát hiện điều tra. Dự báo hành vi của tội phạm có tổ chức sử dụng công nghệ cao như xâm nhập trộm cắp phá hoại dữ liệu làm tê liệt hệ thống mạng Internet của các cơ quan, doanh nghiệp với mục đích kinh tế và phi kinh tế; sử dụng công nghệ cao để trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… sẽ tiếp tục gia tăng. Phòng PC45 cảnh báo người dân cần hết sức lưu ý khi “lên mạng”; đặc biệt là thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển tiền, nhận quà tặng… Đồng thời, để tránh tội phạm giả danh cán bộ tống tiền… người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi phát hiện đối tượng lạ đòi kiểm tra chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng…
 
TỨ KIÊN