Ngành tòa án quyết tâm nâng cao chất lượng xét xử

08:11, 08/11/2016

Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Dương, khẳng định: Cùng với những cải cách tư pháp, trong đó có cải cách, đổi mới tố tụng dân sự, hình sự, ngành Tòa án Lâm Đồng với quan điểm "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư" đã có nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, 

Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Dương, khẳng định: Cùng với những cải cách tư pháp, trong đó có cải cách, đổi mới tố tụng dân sự, hình sự, ngành Tòa án Lâm Đồng với quan điểm “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” đã có nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, bước đầu mang lại những kết quả trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử.  
 
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân ngành Tòa án đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Ảnh: H. K. Giang
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân ngành Tòa án đạt thành tích xuất sắc trong công tác.
Ảnh: H. K. Giang

Theo ông Nguyễn Dương, từ khi Luật Tố tụng đổi mới có hiệu lực, các tỉnh, thành phố trong cả nước áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, trong đó quan trọng nhất là tăng cường công tác tranh tụng, lấy tranh tụng làm cơ sở để đưa ra phán quyết tại tòa. Qua đó, ngành Tòa án Lâm Đồng triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử như: Phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, trong đó trọng tâm là phong trào thi đua nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao tỷ lệ giải quyết án, hạ thấp tỷ lệ án bị cải sửa, bị hủy, bị chống án, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội, hoặc bỏ lọt tội phạm. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Phối hợp với ngành kiểm sát tổ chức rút kinh nghiệm  trong tranh tụng, trong điều hành, tuân thủ các quy định của Luật Tố tụng dân sự, hình sự. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tòa án, các thẩm phán trong việc tuân thủ pháp luật cũng như trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra của người phụ trách đơn vị trong việc giải quyết các loại án, đảm bảo tỷ lệ giải quyết các loại án (án hình sự 95% trở lên, án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh tế 90% trở lên, án hành chính 85% trở lên) theo chỉ tiêu TANDTC đề ra. Bên cạnh đó, không để xảy ra tình trạng tuyên các bản án không rõ ràng, không thi hành án được và việc sửa chữa, bổ sung bản án không đúng quy định.  Giao các thẩm phán xây dựng các chuyên đề và cải tiến, sáng kiến, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, lấy đây làm yếu tố quan trọng trong đánh giá, xếp loại lao động hàng năm của cán bộ, công chức ngành. Tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề tại các tòa án cấp huyện về án tạm đình chỉ giải quyết, cho hưởng án treo, chuyển giao bản án cho cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện thi hành án. Đồng thời, tiến hành sơ kết, tổng kết hoạt động ngành nhằm đúc rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác, hoạt động, nhất là trong lĩnh vực nâng cao chất lượng xét xử. 
 
Triển khai thực hiện những biện pháp nói trên, những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện các bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Tố tụng dân sự và hình sự  sửa đổi có hiệu lực thi hành, tòa án hai cấp của Lâm Đồng đã duy trì thường xuyên phong trào thi đua trong toàn ngành. Từ đó tổ chức cho tòa án các huyện, thành phố;  các phòng  nghiệp vụ của tòa án tỉnh, các cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán đăng ký thi đua với những chỉ tiêu cụ thể như: Tỷ lệ cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỷ lệ giải quyết án các loại đúng luật, không bị kháng cáo, không bị hủy, không bị cải sửa… Giao chỉ tiêu cho tòa án các huyện, thành phố mỗi năm tổ chức ít nhất  từ 1 - 2 phiên tòa rút kinh nghiệm, mỗi năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân ít nhất 3-4 đợt. Đặc biệt, trong hoạt động xét xử, tuân thủ nguyên tắc tranh tụng, lấy tranh tụng làm cơ sở để đưa ra phán quyết tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm thông qua việc tốn trọng ý kiến tranh luận của nguyên đơn, bị đơn, các đương sự liên đới quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, của luật sư… Cùng với đó, để công tác hòa giải, đối thoại các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, án hành chính đạt kết quả, đòi hỏi các thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật để đưa ra ý kiến hòa giải, đối thoại xác đáng, hợp tình, hợp lý được nguyên đơn, bị đơn đồng tình, chấp nhận. 
 
Nhờ vậy, bước đầu chất lượng xét xử của tòa án hai cấp ở Lâm Đồng được từng bước nâng cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trong tổng số  6.131 vụ án các loại được giải quyết, chỉ có 508 vụ bị kháng cáo, chiếm tỷ lệ trên 8,2%, 25 vụ bị kháng nghị, chiếm tỷ lệ 0,4%. Và cùng thời điểm này chỉ có 46 vụ án các loại bị hủy và 55 vụ/177 vụ án các loại bị  sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng số các vụ án được giải quyết trong năm. Bên cạnh đó có đến 2.448 vụ án dân sự được hòa giải thành công. 
 
Tuy nhiên, theo Phó Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Dương, khách quan đánh giá, vẫn còn nhiều việc phải làm trong quá trình nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án, bởi lẽ, hiện vẫn còn số lượng  các loại án bị kháng cáo, bị hủy, bị sửa, án quá hạn, án tuyên không rõ do lỗi của thẩm phán. Đây là điều băn khoăn, trăn trở, đáng lo ngại, nên lãnh đạo ngành tòa án tỉnh đang nỗ lực tìm biện pháp, giải pháp hữu hiệu, kiên quyết để loại bỏ trong quá trình thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng xét xử mà TANDTC đã đề ra. 
 
HOÀNG KIẾN GIANG