Đà Lạt đẩy mạnh giáo dục pháp luật về an toàn giao thông

09:03, 06/03/2017

Từ đầu năm tới nay, nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông luôn được cấp ủy, chính quyền TP Đà Lạt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn nhưng ý thức tuân thủ của một số người dân vẫn còn những hạn chế.

Từ đầu năm tới nay, nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông luôn được cấp ủy, chính quyền TP Đà Lạt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn nhưng ý thức tuân thủ của một số người dân vẫn còn những hạn chế.
 
Một người dân uống rượu bia với chỉ số 0,700 mg/lít khí thở bị CSGT TP Đà Lạt tạm giam xe, xử phạt 3,5 triệu đồng, tước giấy phép 4 tháng tối ngày 1/3 tại đường Trần Phú. Ảnh: C.T
Một người dân uống rượu bia với chỉ số 0,700 mg/lít khí thở bị CSGT TP Đà Lạt tạm giam xe, xử phạt 3,5 triệu đồng, tước giấy phép 4 tháng tối ngày 1/3 tại đường Trần Phú. Ảnh: C.T
 
Công an TP Đà Lạt thông tin, hàng năm được sự chỉ đạo từ các cấp, ngành liên quan, đơn vị luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT là nhiệm vụ quan trọng. Đây là giải pháp cơ bản để chuyển biến nhận thức của người dân, góp phần giảm tai nạn giao thông. Trong 2 tháng đầu năm, Công an thành phố đã tổ chức tuyên truyền giữ gìn ATGT, luật giao thông cho 49 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, 69 tổ dân phố, các trường học với gần 9.000 người tham dự. Phát 1.300 tờ rơi tuyên truyền giao thông. Riêng trong tháng 2, TP Đà Lạt đã treo hàng trăm băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường, giao thông trọng điểm. 
 
Theo thống kê từ Công an TP Đà Lạt, trên địa bàn thành phố (tính từ 16/2/2016 -16/2/2017) xảy ra 7 vụ TNGT làm chết 5 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ giảm 6 vụ, số người bị thương giảm 8 người, số người chết tăng 2 người. Lực lượng CSGT đã lập 1.625 trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Trong đó, ô tô vi phạm 494 trường hợp, mô tô vi phạm 1.131 trường hợp. Chủ yếu các vi phạm rơi vào đậu đỗ không đúng quy định, đậu xe tại đường cấm, không chấp hành biển báo hiệu, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn,… Lực lượng công an đã ra quyết định xử phạt 1.571 trường hợp, thu ngân sách trên 844 triệu, tạm giữ 132 phương tiện các loại.

Với chủ đề của các câu khẩu hiệu trong đợt tuyên truyền tập trung vào việc hướng dẫn an toàn cho người tham gia giao thông như “Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ”, “Phải đi đúng phần đường, làn đường”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Lạt cho biết, đang tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 01-CT/TH.U của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc đảm bảo trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Trong đó, vấn đề tái lấn chiếm vỉa hè, phát sinh chợ tự phát, buôn bán, đậu đỗ xe làm mất trật tự, mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông sẽ được thành phố chú trọng, xử lý nghiêm theo quy định.

 
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Đà Lạt nhận định, về cơ bản tình hình bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được đảm bảo tốt từ công tác kiểm soát giao thông tới tuyên truyền ý thức tới người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền pháp luật về ATGT đến với người dân, lực lượng CSGT cũng gặp một số khó khăn chung. Tồn tại cố hữu vẫn là tình trạng kẹt xe, ùn ứ nhẹ xảy ra tại các vòng xuyến vào giờ cao điểm như: vòng xuyến Phan Chu Trinh (P9), ngã tư Hải Thượng - Hai Bà Trưng (P5), khu vực Bùi Thị Xuân tới ngã 5 Đại học (P8), ngã 3 Trần Phú - Xuân An (P4),… Nguyên nhân chính được xác định là do số lượng học sinh ngày càng tăng, trong khi cơ sở hạ tầng hiện tại của các trường như sân bãi, khuôn viên để xe... chưa tương ứng được với số lượng học sinh của trường. Trong khi đó, nhà trường lại chưa bố trí, sắp xếp được việc phân luồng cho phụ huynh vào trường đón con nên dẫn đến việc quá tải người tham gia giao thông trước cổng trường. Vào lúc cao điểm như vậy, lực lượng điều tiết giao thông thành phố phải rất vất vả để xử lý và tình trạng ùn ứ thường diễn ra trong khoảng 1 giờ.
 
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, việc chấp hành biển báo giao thông, giờ lưu thông trên một số vị trí đường người dân thường chấp hành chưa thật sự tốt. Cụ thể như đoạn từ đường Bà Triệu rẽ sang Nguyễn Văn Cừ, đoạn đường từ Trần Phú (trước Trường Trung cấp Du lịch Đà Lạt) đã được đơn vị cắm biển báo, cấm tất cả các phương tiện rẽ trái từ 11h - 12h và 16h30 - 17h30. Hay đoạn đường trước Trường THPT Nguyễn Du, THPT Bùi Thị Xuân cấm xe ô tô vào tuyến đường này từ 11h-12h và 16h30-17h30, đoạn từ Nguyễn Văn Cừ rẽ trái sang đường Ba Tháng Hai nối dài và từ đường Phan Bội Châu sang đường Bùi Thị Xuân cấm tất cả các phương tiện rẽ trái, vào tất cả thời gian trong ngày. Thế nhưng, ý thức chấp hành của người dân khá thấp.
 
Chiều ngày 1/3 chúng tôi theo Tổ công tác của Đội CSGT - Công an TP Đà Lạt tới khu vực đường Ba Tháng Hai - Nguyễn Văn Cừ (P 4 và P 1), vị trí thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm cùng lực lượng Cảnh sát cơ động xử lý vi phạm an toàn giao thông. Tại đây, mặc dù có bóng lực lượng CSGT, biển báo nhưng chỉ chưa đầy nửa tiếng đã có hơn 20 trường hợp người dân rẽ trái sai quy định. Sau khi nhắc nhở, tuyên truyền đối với người vi phạm, tổ công tác đã lập biên bản 7 trường hợp, xử lý theo quy định. Cũng trong tối ngày 1/3, hai tổ công tác của Đội CSGT - Công an TP Đà Lạt đã tiến hành xử phạt gần 20 trường hợp vi phạm an toàn giao thông. 
 
Trước tình hình an toàn giao thông như trên, Công an TP Đà Lạt cho biết đang khẩn trương xây dựng phương án cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở. Ngoài ra, lực lượng CSGT TP Đà Lạt cùng công an các phường cũng chủ động tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự lòng lề đường, nhằm tạo sự thông thoáng, an toàn cho người tham gia giao thông thời gian tới.
 
C.THÀNH